Ở dân thương, đi dân nhớ

10:04, 05/04/2017

Những cái nắm tay thật chặt, những bàn tay vẫy chào dần khuất sau màn mưa và bóng đêm đen kịt giữa rừng là hình ảnh đọng lại sâu tận đáy lòng những thành viên tham gia đợt công tác dân vận về với bà con thôn 3, thôn 4 ở xã vùng sâu Phước Cát 2, huyện Cát Tiên.

Những cái nắm tay thật chặt, những bàn tay vẫy chào dần khuất sau màn mưa và bóng đêm đen kịt giữa rừng là hình ảnh đọng lại sâu tận đáy lòng những thành viên tham gia đợt công tác dân vận về với bà con thôn 3, thôn 4 ở xã vùng sâu Phước Cát 2, huyện Cát Tiên.
 
Những câu chuyện thắt chặt thêm tình quân dân
Những câu chuyện thắt chặt thêm tình quân dân
Ở dân thương, đi dân nhớ là phương châm hoạt động của Ban chỉ đạo các Chương trình liên tịch giữa Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh với các tổ chức chính trị, xã hội tỉnh Lâm Đồng (gọi tắt là Ban chỉ đạo 502).
 
Đoàn công tác dân vận về với Phước Cát 2 vào những ngày cuối tháng 3 nhưng những việc làm cho bà con đã được Ban chỉ đạo 502 phối hợp với Ban chỉ đạo 200 của huyện Cát Tiên tiến hành từ trước đó. Những ngôi nhà cho các hộ nghèo, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình thanh niên, hệ thống cấp nước hợp vệ sinh, làm đường giao thông; tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình kinh tế… đã được triển khai từ nhiều tháng trước. Cuối tháng 3 này tất cả những công trình ấy đã hoàn thành để trao tận tay cho bà con. 
 
Về với bà con đợt này, Đoàn công tác đã trao tặng 1 nhà sinh hoạt cộng đồng trị giá 300 triệu đồng, 7 căn nhà đại đoàn kết trị giá 290 triệu đồng, 1 sân chơi cho thiếu nhi trị giá 100 triệu đồng; thăm, tặng quà cho 73 gia đình chính sách, người nghèo… với tổng kinh phí trên 1,5 tỷ đồng. Đồng thời khám chữa bệnh cho bà con ở thôn 3 và thôn 4.
 
Đoàn công tác chia thành hai nhóm, các chiến sỹ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Học viện Lục quân sẽ vào trao quà, khám chữa bệnh cho bà con ở thôn 3. Còn các thành viên còn lại là cán bộ các tổ chức chính trị, xã hội của tỉnh sẽ vào với bà con thôn 4.
 
“Thôn 4, một trong những thôn xa nhất của xã Phước Cát 2, đời sống của bà con cũng gặp rất nhiều khó khăn” - đồng chí Hoàng Liên, Phó Ban Dân vận, Phó trưởng Bộ phận thường trực Ban chỉ đạo 502 đã nói khi chúng tôi lên đường vào với thôn 4.
 
Đường vào thôn 4 băng qua những vườn điều, những cánh rừng còn xanh và cả những con dốc cao với nhiều khúc cua khuỷu tay vô cùng nguy hiểm. Chiếc xe Jeep của Công an huyện Cát Tiên chở đầy người và hàng hóa đã phải dừng giữa chừng và trượt xuống khi leo lên con dốc cao nhất. Một thành viên trong đoàn công tác đã thốt lên câu thơ trong bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng rằng: “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” khi chúng tôi vượt qua dốc vào với bà con. Những lái xe lần đầu đi trên con đường này đã phải đi bộ trước một đoạn xa để “khảo sát” dốc. Tất cả 7 thành viên nữ trong đoàn được chuyển qua xe do lái xe của Huyện ủy Cát Tiên bởi lý do: Quen đường rồi nên lái sẽ an toàn hơn.
 
Thôn 4 có 36 hộ với 148 nhân khẩu, sinh sống trên một vùng đất bằng phẳng như lòng chảo được bao bọc bốn bề rừng núi. Trưởng thôn Điểu K’Đăn cho biết: Bà con nơi đây chủ yếu là người Mạ và Stiêng, sống chủ yếu nhờ cây điều và một ít lúa nước. 
 
Nhiệm vụ chính của chuyến công tác này là bàn giao nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, làm vệ sinh đường giao thông, tuyên truyền, vận động người dân xây dựng kinh tế, thăm, tặng quà các gia đình chính sách và giao lưu văn hóa, văn nghệ với bà con… Đó là những việc làm thường xuyên trong các đợt công tác dân vận. “Mỗi lần về với bà con là một lần trải qua nhiều xúc động khi chứng kiến niềm vui đến từ những điều giản dị” - Chị Hiền Lương - cán bộ Ban Dân vận Tỉnh ủy đã nói với chúng tôi như thế khi chứng kiến nụ cười rạng rỡ trong căn nhà mới của vợ chồng anh Điểu K’Blơng và chị Điểu Thị Ngót. Trong niềm xúc động K’Blơng đã tâm sự rằng: “Thu nhập ít ỏi từ vài sào đất trồng điều mỗi năm không đủ để một gia đình hộ nghèo mơ đến căn nhà kiên cố. Bởi thế có được căn nhà khang trang như hôm nay thật chẳng còn hạnh phúc nào bằng”.
 
Hay chuyện gặp người phụ nữ Stiêng bế trên tay đứa con gái nhỏ mới hơn 2 tuổi bị bệnh thiếu máu bẩm sinh chốc chốc lại òa khóc, ai cũng không khỏi xót xa. Nhà cách quá xa trung tâm xã, mỗi lần đau ốm, chuyện đi lại của bà con là cả một vấn đề lớn, trong khi đó y tế thôn bản không thể đáp ứng nhu cầu được khám chữa bệnh của bà con. Vậy nên khi được tin tổ Quân y của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Học viện Lục quân đến, mọi người sẵn sàng xếp hàng đợi từ sớm và chờ đến tận trưa. Từng trường hợp được thăm khám, được nhận thuốc và hướng dẫn nhiệt tình từ các bác sĩ, ai cũng ấm lòng, quên đi vẻ mặt lo âu trong lúc đợi chờ. 
 
Già làng Điểu K’Kheng nói rằng, trước đây, bà con muốn đi ra trung tâm xã phải đi bộ vì đường sá cây cối, dốc cao khó đi lại. Bởi thế, ai ra xã được thì sẽ mua lương thực giùm cho cả làng. Một khối cát ngoài xã giá 200 ngàn nhưng nếu chở vào thôn người ta lấy cả gần triệu rưỡi, bởi vậy bà con cứ làm nhà bằng cây rừng, mỗi mùa mưa về lại bị giột. Sau này có con đường rồi người ta chở hàng hóa vào lại chở điều ra nên đời sống bà con cũng đỡ hơn một chút, tuy nhiên điện vẫn chưa vào tới thôn nên “đêm mùa nắng bà con đến nhà nhau còn đỡ chứ mùa mưa tới đêm ở thôn 4 buồn lắm” - già K’Kheng nói.
 
Không có điện, đồng nghĩa với việc đời sống tinh thần của người dân ở đây cũng rất nghèo nàn. Bởi vậy, bà con đã rất hào hứng khi biết tin có đoàn công tác về và họ còn mong chờ hơn đêm văn nghệ “nghĩa tình quân dân”. Tháng 3, mùa con ong đi lấy mật nhưng ở Nam Tây Nguyên đợt này những cơn mưa chiều vẫn chưa dứt. Cơn mưa chiều hôm ấy đã “cướp đi” niềm vui nhỏ nhoi của bà con. Nhiều người từ thôn lân cận cũng tìm đến nhưng cũng đành quay trở về trong sự tiếc nuối.
 
Mưa, cả đoàn công tác và bà con quây quần trong nhà già Điểu K’Kheng. Trong câu chuyện ấy, bà con đã “khoe” với chúng tôi, cán bộ huyện về làm dân vận, cùng ăn cùng ở đã giúp bà con làm sân bóng chuyền để thanh niên và lũ trẻ tụ tập chơi bóng mỗi chiều, heo đã được làm chuồng để chăn nuôi và nhiều phụ nữ trong thôn đã biết trồng rau muống, rau cải ở những khu đất trống… Điều đó đã tạo sự chuyển biến trong suy nghĩ, nhận thức của bà con về việc chủ động nâng cao đời sống gia đình.
 
Đặc biệt, công tác dân vận đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp, “thế trận lòng dân” vững chắc ở vùng sâu, vùng xa.
 
H.THẮM - N.NGÀ