Môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung đang hồi sinh

08:05, 24/05/2017

Hơn một năm trôi qua, kể từ khi sự cố môi trường biển gây hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung xảy ra (6/4/2016), với sự chung tay của cả xã hội và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, hàng vạn ngư dân và các ngành kinh tế biển đã và đang từng bước phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống. 

Hơn một năm trôi qua, kể từ khi sự cố môi trường biển gây hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung xảy ra (6/4/2016), với sự chung tay của cả xã hội và sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, hàng vạn ngư dân và các ngành kinh tế biển đã và đang từng bước phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống. 
 
Nhiều loại hải sản đã xuất hiện trở lại tại vùng biển miền Trung. Ảnh: Internet
Nhiều loại hải sản đã xuất hiện trở lại tại vùng biển miền Trung. Ảnh: Internet
 
Sự cố môi trường biển gây hải sản chết bất thường tại một số tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng trên nhiều phương diện, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, đặc biệt là đối với 4 tỉnh miền Trung. Sau khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết, khắc phục hậu quả. Và, hơn một năm triển khai thực hiện, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là các bộ, ngành, địa phương liên quan trực tiếp, công tác giải quyết, khắc phục sự cố môi trường đã đạt được những kết quả bước đầu. Và, môi trường biển trong vùng bị ảnh hưởng đang hồi sinh trở lại.
 
Kết quả quan trắc, đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển tại vùng biển 4 tỉnh miền Trung của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chất lượng môi trường nước biển, hầu hết các thông số nằm trong giới hạn cho phép, chỉ còn một số khu vực thuộc vùng biển Quảng Bình và Thừa Thiên Huế có giá trị thông số sắt ở tầng đáy vượt ngưỡng cho phép của QCVN (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia); chất lượng trầm tích biển đã nằm trong giới hạn quy định; các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản đã có dấu hiệu phục hồi... Từ tháng 9/2016 đến nay, kết quả quan trắc chất lượng nước biển do Sở Tài nguyên và Môi trường 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế thực hiện tại 19 bãi tắm trên địa bàn 4 tỉnh với tần suất 2 tuần/lần cho thấy chất lượng nước biển tại các vị trí nêu trên vẫn nằm trong giới hạn cho phép. 
 
Hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống người dân tại 4 tỉnh đã cơ bản ổn định. Nguồn lợi thủy sản đã có sự phục hồi, nhiều loại cá, ruốc… xuất hiện trở lại. Người dân tích cực bám biển, từng bước chuyển đổi khai thác tầng đáy sang khai thác ở vùng biển xa bờ. Số lượng tàu thuyền khai thác ven bờ đạt tỷ lệ 70-80%; tàu khai thác vùng lộng, vùng khơi đạt 85-90%. Hoạt động kinh doanh buôn bán, bán lẻ hải sản đã hoạt động trở lại nhộn nhịp. Người tiêu dùng đã tiêu thụ các sản phẩm hải sản, nhất là các sản phẩm hải sản mới đánh bắt. 

Ngày 20/9/2016, Bộ Y tế đã công bố báo cáo về kết quả đánh giá chất lượng hải sản. Theo đó, các chỉ số Xyanua, Thủy Ngân, Cadimi, Chì, Crom, Asen và Sắt đều nằm trong giới hạn cho phép; riêng đối với hơn 100 mẫu hải sản ở tầng đáy vẫn phát hiện có Phenol. Để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế khuyến nghị người dân không sử dụng các loại hải sản tầng đáy trong vòng 20 hải lý. 

 
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tại 4 tỉnh bị ảnh hưởng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản và diêm dân tham gia sản xuất muối; khuyến cáo ngư dân chưa khai thác tại một số khu vực bị ảnh hưởng và chưa khai thác hải sản tầng đáy trong vùng biển 20 hải lý trở vào bờ thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cho đến khi có thông báo tiếp theo.
 
Ngày 30/8/2016, Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) đã hoàn thành thực hiện chuyển tiền bồi thường cho Việt Nam với tổng số tiền là 500 triệu USD theo đúng cam kết. Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Formosa số tiền phạt là 4.485 triệu đồng và buộc Formosa phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định của pháp luật. Đến nay, Formosa đã nộp phạt và khắc phục cơ bản các lỗi sai phạm hành chính, nhưng còn 1 lỗi về chuyển đổi phương pháp làm nguội cốc từ ướt sang khô (đây là lỗi đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường) dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 6/2019. 
 
Song song với việc giám sát chặt chẽ hệ thống xử lý môi trường của Fomorsa, Chính phủ và các địa phương tích cực tiến hành công tác bồi thường, đền bù thiệt hại cho người dân các tỉnh miền Trung, giúp người dân khắc phục khó khăn và dần ổn định cuộc sống. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chuyển tạm ứng số tiền bồi thường 3 đợt cho 4 tỉnh là 5.500 tỷ đồng.
 
Từ sự cố môi trường trên biển miền Trung gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo thi hành kỷ luật về hành chính tương ứng theo quy định đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các ông Nguyễn Minh Quang, Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai và Võ Kim Cự. Ngoài ra, Ban Bí thư, UBKT Trung ương, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã quyết định thi hành kỷ luật cách chức, cảnh cáo đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến sự cố môi trường này.
 
Để tiếp tục giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương có liên quan trực tiếp cần thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ như: Rà soát, đánh giá đầy đủ các tác động, ảnh hưởng và hậu quả của sự cố môi trường biển; thực hiện tốt công tác hỗ trợ, đền bù, rà soát bảo đảm đúng đối tượng, dân chủ, công khai, minh bạch, kết hợp với chính sách hỗ trợ ổn định, phát triển sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề, tạo việc làm cho nhân dân bị thiệt hại; giám sát chặt chẽ, thường xuyên, lâu dài việc khắc phục các lỗi vi phạm của Formosa đã cam kết và thực hiện quy định, quy chuẩn về môi trường trong suốt thời gian vận hành dự án, nếu vi phạm thì xử lý kiên quyết theo quy định của pháp luật; khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm, khuyết điểm của các tổ chức, cá nhân liên quan. 
 
Có thể nói, sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung là một hồi chuông cảnh tỉnh cho những địa phương nào chỉ chú trọng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế trước mắt mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng. 
 
HẢI PHONG