Hơn 30 năm bền bỉ theo... mưa

09:06, 08/06/2017

Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Lâm Đồng Ngô Duy Thi cho tôi biết: Để nhiệm vụ của đơn vị hoàn thành trong nhiều năm nay, ngoài sự nỗ lực của tập thể Đài, còn là sự góp phần không nhỏ của mạng lưới "điểm đo nhân dân". Đặc biệt, người gắn bó và có thâm niên lâu năm nhất là tấm gương lao động đầy trách nhiệm Huỳnh Thị Đốc. 

Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) Lâm Đồng Ngô Duy Thi cho tôi biết: Để nhiệm vụ của đơn vị hoàn thành trong nhiều năm nay, ngoài sự nỗ lực của tập thể Đài, còn là sự góp phần không nhỏ của mạng lưới “điểm đo nhân dân”. Đặc biệt, người gắn bó và có thâm niên lâu năm nhất là tấm gương lao động đầy trách nhiệm Huỳnh Thị Đốc. 
 
Chị Huỳnh Thị Đốc thao tác kỹ năng đo mưa tại điểm Di Linh. Ảnh: Minh Đạo
Chị Huỳnh Thị Đốc thao tác kỹ năng đo mưa tại điểm Di Linh. Ảnh: Minh Đạo
Đầu tháng 6, theo số điện thoại bàn của chị Đốc, tôi xuống huyện Di Linh tìm đến nhà chị. Đó là nơi “nhà không số, phố không tên”, nép cạnh Quốc lộ 20, thuộc Tổ 3, thị trấn Di Linh. Số điện thoại này là phương tiện liên lạc giữa chị Đốc với Đài suốt 31 năm nay trong công việc tham gia dự báo thời tiết tỉnh Lâm Đồng nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung. 
 
Chị Huỳnh Thị Đốc ra mở cổng đón tôi bằng lối ứng xử hoạt bát, cởi mở, trẻ hơn cái tuổi 63 của chị nhiều lần. Quê ở tỉnh Bình Định, chị theo gia đình vào Đà Lạt năm 1960, năm 1986 định cư tại huyện Di Linh. Chồng chị, anh Trịnh Tuấn Ích, nay đã 70 tuổi, vốn là Giám đốc Bưu điện huyện Di Linh về nghỉ hưu. Chị Đốc cũng từng làm ngành Bưu điện huyện với 32 năm là công nhân rồi nghỉ hưu. Người “đồng nghiệp” đo mưa giúp vợ ấy cùng trò chuyện với tôi những năm tháng anh chị trở thành “vệ tinh” của ngành KTTV. Trước đó, năm 1981, anh Nhơn - Giám đốc Đài KTTV Đà Lạt đi khảo sát huyện Di Linh tìm ví trí đặt trạm đo mưa nhân dân. Do mối quan hệ về nhiệm vụ dự báo thời tiết giữa 2 ngành Bưu điện và KTTV, anh làm việc với anh Ích rồi đặt ngay tại Bưu điện huyện. Tuy nhiên, nhân viên đo mưa kiêm nhiệm không hoàn thành như yêu cầu của nhiệm vụ, năm 1986, điểm đo mưa nhân dân được dời về khuôn viên nhà anh Ích, và chị Đốc trở thành lao động hợp đồng đo mưa từ đó đến nay. 
 
Mỗi ngày, bất kỳ mùa mưa hay mùa khô, hễ có mưa là công việc đo lượng mưa của chị Huỳnh Thị Đốc đều đặn hai lần. Lần thứ nhất lúc 7 giờ 00, đo lấy lượng mưa trong đêm trước; lần thứ hai lúc 19 giờ 00, đo lượng mưa trong ngày. Trở thành kỹ năng, chị Đốc bước ra cột hứng mưa, lấy nước từ thùng chứa đổ vào cốc có ghi rõ các mức thông số mm và “săm soi” ghi chép cẩn thận vào sổ SKT-5. Sau đó, chị đọc các số liệu này về Đài KTTV Lâm Đồng qua chiếc điện thoại bàn. Dù thời tiết có sấm chớp, hay mưa to, “đến hẹn lại lên”, cột đo mưa nhân dân của chị vẫn duy trì đều đặn hình bóng người đo mưa bền bỉ tháng ngày. Công việc đặc thù thầm lặng và đặc biệt là ý thức tự giác về trách nhiệm cao nhất. Bởi vì, có thể bất chợt đoàn công tác Đài KTTV khu vực Tây Nguyên đi kiểm tra đột xuất, nhưng sự giám sát không thể duy trì được thường xuyên. Vì vậy, bản thân người đo mưa tự giám sát với nhiệm vụ của mình. “Để đảm bảo tính chính xác, góp phần dự báo đạt mức độ cận chuẩn cao nhất có thể, quan trọng nhất là trách nhiệm. Phải đúng giờ giấc, dù mưa hay nắng cũng phải nghiêm túc, trung thực, không thể đại khái được”, chị Huỳnh Thị Đốc khiêm tốn chia sẻ. Khó khăn nhất là phải thường xuyên có người hàng ngày trực đo mưa, nếu chị đi vắng thì nhờ anh, nếu có việc đột xuất lại nhờ người thân khác. Một trong những kinh nghiệm mà anh Ích và chị Đốc cùng chia sẻ với tôi là, mặc dù giờ cung cấp thông tin về Đài được ấn định vào 2 khung giờ, nhưng để chính xác, những lúc cơn mưa dứt sau đó là nắng thì phải đo ngay không thì nước sẽ bốc hơi dẫn đến không còn chính xác về số liệu. Với ý thức trách nhiệm công việc và kinh nghiệm tích lũy hàng chục năm, nhiệm vụ của điểm đo mưa nhân dân Huỳnh Thị Đốc được Phó Giám đốc Ngô Duy Thi đánh giá rất cao. 
 
Tôi hỏi: “Năm nay mưa ở Di Linh thế nào so với năm 2016?”. Anh Ích và chị Đốc cùng trả lời ngay rằng, năm 2017 có ngày mưa và lượng mưa nhiều hơn năm ngoái. Đầu mùa mưa như vậy là biểu hiện hiện tượng khí hậu khác thường. Có lẽ công việc của anh chị càng vui hơn khi mà số liệu đo mưa của mình không chỉ góp phần cho ngành KTTV dự báo thời tiết chính xác, mà còn là nguồn thông tin “chính xác và chắc chắn luôn” như chị Đốc nói đối với bà con nhân dân quanh nhà lâu lâu lại đến hỏi anh chị. Mặc dù thù lao hợp đồng của ngành KTTV trả cho chị 1.735.000 đồng/quý vào mùa mưa và 1.635.000 đồng/quý vào mùa khô, nhưng công việc đo mưa làm chị Huỳnh Thị Đốc càng cảm nhận hơn một lần cuộc sống đầy thị vị và ý nghĩa. Vấn đề thu nhập chị không đặt lên hàng đầu. Đức tính chịu khó và bền bỉ của người công nhân ngành Bưu điện đã rèn luyện chị như là phẩm chất ưu việt mà chị tự hào chia sẻ với tôi. 
 
Chị Huỳnh Thị Đốc và các đồng nghiệp đo mưa nhân dân đã sát cánh với đội ngũ cán bộ, công chức ngành KTTV làm nên những bản tin dự báo (DB) KTTV đầy đủ và kịp thời về các thông tin để cảnh báo, DB phục vụ công tác phòng chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Những đánh giá từ Phòng DB Đài KTTV khu vực Tây Nguyên về chất lượng các bản tin DB KTTV của Đài Lâm Đồng năm 2016 như: DB khí tượng hạn ngắn đạt 89,9%; DB khí tượng hạn vừa đạt 83,3%; DB TV hạn vừa đạt 88,6% và DB TV hạn ngắn đạt 87,6% là niềm vui chung, trong đó có chị Huỳnh Thị Đốc.      
 
MINH ĐẠO