Đạo đức nghề nghiệp - nền tảng của hoạt động báo chí

08:06, 15/06/2017

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam kể từ mốc son Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra Báo Thanh niên (ngày 21/6/1925), báo giới nước nhà lại thêm tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam...

Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam kể từ mốc son Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra Báo Thanh niên (ngày 21/6/1925), báo giới nước nhà lại thêm tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức người làm báo để gây dựng sự nghiệp báo chí nước nhà có “vóc dáng” bề thế, giàu sức sống như ngày nay. 
 
Nhà báo cách mạng - Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu
Nhà báo cách mạng - Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh tư liệu
40 năm với tư cách là nhà báo, làm chủ bút nhiều tờ báo và trực tiếp viết hơn 2.000 bài báo với 174 bút danh, lãnh tụ Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần của một nhà báo vô sản, cách mạng và chân chính; luôn quan tâm đề cao đạo đức của người làm báo, viết báo. Người đòi hỏi cán bộ báo chí cũng phải là những chiến sỹ cách mạng, là người cán bộ cách mạng. Theo Bác: “Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”. Đối với cán bộ báo chí, Bác nhấn mạnh phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng: “... Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau rồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hóa; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”. 
 
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”, hiện nay, nhận thức “Đạo đức nghề nghiệp - nền tảng của hoạt động báo chí” là một vấn đề tiếp tục được quan tâm thực hiện. Đây là vấn đề không mới, từng được bàn trên nhiều diễn đàn, thế nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, chủ đề trên vẫn tươi nguyên tính thời sự, tính cấp thiết để xây dựng nền báo chí Việt Nam vươn lên ngang tầm nhiệm vụ chính trị được giao phó trong giai đoạn đất nước hội nhập, phát triển bền vững. 
 
Trong xã hội có phân chia giai cấp, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội. Phạm trù về đạo đức như tấm gương soi phản ánh một cách sinh động đời sống xã hội thông qua mối quan hệ biện chứng giữa con người với con người, giữa con người với xã hội. Các hiện tượng đạo đức thường biểu hiện dưới hình thức khẳng định lợi ích chính đáng hay không chính đáng theo yêu cầu, chuẩn mực của xã hội. Như vậy, đạo đức là tập hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội. 
 
Đạo đức nghề nghiệp là một nhánh trong hệ thống đạo đức xã hội. Vậy đạo đức nghề nghiệp là gì? Đó là là những quan điểm, quy tắc và chuẩn mực hành vi đạo đức xã hội đòi hỏi phải tuân theo trong hoạt động nghề nghiệp, có tính đặc trưng của nghề nghiệp. Việc tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp chính là để hình thành nhân cách nghề nghiệp của mỗi chủ thể; hướng con người vươn tới những giá trị chân, thiện, mỹ trong hoạt động nghề nghiệp. Trong xã hội có bao nhiêu nghề thì có bấy nhiêu quy định đạo đức nghề nghiệp. Đối với hoạt động báo chí, đạo đức nghề nghiệp được khẳng định là một trong những phẩm chất có tính chất nền tảng, thậm chí trong rất nhiều trường hợp, đạo đức nghề nghiệp còn được nhấn mạnh hơn nghiệp vụ báo chí. Ở Việt Nam, từ ngày 1/1/2017, Luật Báo chí năm 2016 và Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam (gồm 10 điều) đã có hiệu lực. Quy định thể hiện rõ quan điểm về sứ mệnh của báo chí, nghĩa vụ và cách hành xử của người làm báo chí, truyền thông.
 
Những năm gần đây, nền báo chí Việt Nam không ngừng phát triển về số lượng, quy mô cũng như đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền. Hoạt động báo chí cho thấy nhiều ưu điểm khi tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần vào sự phát triển của đời sống xã hội. Tuy nhiên, cùng với các thành tựu, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường thời mở cửa, hội nhập nên hoạt động báo chí vẫn còn một số sai phạm, bất cập. Các vi phạm chủ yếu liên quan tới đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Biểu hiện như việc thông tin sai sự thật gây tâm lý hoang mang, tạo hiệu ứng không tốt trong dư luận xã hội. Trong sinh hoạt báo chí còn có hiện tượng một số nhà báo cố tình vi phạm tính chân thực, khách quan để thực hiện hành vi “mưu lợi”, như: tô hồng, đánh bóng doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân; hù dọa, o ép cơ sở để làm chuyên trang, quảng cáo, (thậm chí có cả quảng cáo không đúng sự thật)… Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 5 năm (2011 - 2015), đã có: 242 lượt cơ quan báo chí bị xử lý vi phạm, phạt tiền 231 lượt cơ quan báo chí; thu hồi 121 thẻ nhà báo (trong đó có 95 thẻ thu hồi do cơ quan báo chí dừng hoạt động và 26 trường hợp bị thu thẻ do có vi phạm). Năm 2016, 79 trường hợp báo chí bị xử phạt, do sai phạm chủ yếu là thông tin sai sự thật (75 trường hợp).
 
Nhằm phát huy bản chất tốt đẹp của nền báo chí cách mạng Việt Nam và kiên quyết khắc phục những hạn chế về đạo đức nghề nghiệp của một số cơ quan báo chí và nhà báo, và từ yêu cầu trực tiếp, cụ thể đối với đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp là hết sức kịp thời, cần thiết. 
 
Ở Việt Nam, qua 3 lần sửa đổi song Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam luôn đề cao và nhấn mạnh trách nhiệm phục vụ mục tiêu “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đại hội XII của Đảng bên cạnh ghi nhận vai trò, bước trưởng thành nhanh chóng của báo chí, đồng thời, cũng yêu cầu “Các cơ quan truyền thông phải thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, nâng cao tính tư tưởng, nhân văn và khoa học, đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng văn hóa và con người Việt Nam... Chú trọng công tác quản lý các loại hình thông tin trên Internet để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất cho là thanh niên, thiếu niên”. 
 
10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam là hệ thống tiêu chí hoàn chỉnh, tương ứng với ý thức công dân, đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Trong giai đoạn bùng nổ thông tin, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tăng cường, ráo riết lợi dụng các trang mạng xã hội tung ra các luận điệu, bài viết xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, công cuộc đổi mới, toan tính xóa bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà dân tộc và nhân dân ta đã lựa chọn, thì những điều quy định về tôn chỉ, mục đích trên là một nguyên tắc “dĩ bất biến”. Hơn bao giờ hết, người làm báo phải thực sự kiên định lý tưởng cách mạng, không dao động, mơ hồ khiến dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tạc dạ ghi lòng Điều 1 Quy định: “Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế”. Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, thiết nghĩ nguyên tắc: “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc” như Điều 3 quy định sẽ là “nền tảng” vững chắc để phát huy sức mạnh của báo chí. Cam kết thực hiện những Quy định đạo đức nghề nghiệp, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo trong công cuộc đồng hành cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân mở ra thời kỳ phát triển mới, vẻ vang, tốt đẹp của đất nước, dân tộc.
 
BÌNH NGUYÊN