Điểm sáng trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hợp tác

09:07, 27/07/2017

Hội LHPN Bảo Lộc là đơn vị duy nhất trong tỉnh vừa được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích phát huy vai trò của phụ nữ trong đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn 2011 - 2016 trong thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và Liên minh HTX Lâm Đồng.

Hội LHPN Bảo Lộc là đơn vị duy nhất trong tỉnh vừa được UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích phát huy vai trò của phụ nữ trong đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn 2011 - 2016 trong thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và Liên minh HTX Lâm Đồng.
 
Ông Phạm Văn Tường - Chủ tịch Liên minh HTX Lâm Đồng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể Hội LHPN Bảo Lộc có thành tích phát huy vai trò phụ nữ trong đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn 2011 - 2016. Ảnh: An Nhiên
Ông Phạm Văn Tường - Chủ tịch Liên minh HTX Lâm Đồng trao Bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể
Hội LHPN Bảo Lộc có thành tích phát huy vai trò phụ nữ trong đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể giai đoạn 2011 - 2016. Ảnh: An Nhiên
Chị Dương Thị Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội LHPN Bảo Lộc cho biết: Hội LHPN Bảo Lộc có 166 chi hội, 675 tổ hội với tổng số 21.576 hội viên. Để phát huy vai trò của phụ nữ trong đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong 5 năm qua, Hội LHPN TP Bảo Lộc đã quan tâm chú trọng vận động thành lập tổ hợp tác, HTX nhằm thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết hợp tác giữa các hộ xã viên trong HTX góp phần tăng trưởng hoạt động sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ, nâng cao trình độ sản xuất cho xã viên, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho các gia đình hội viên. Đến nay, trên địa bàn Bảo Lộc đã có 3 HTX và 2 tổ hợp tác do Hội LHPN Bảo Lộc vận động thành lập đã tạo việc làm cho nhiều chị em, góp phần cho công tác giảm nghèo tại địa phương.
 
Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của hội viên và tình hình thực tế của địa phương, Hội LHPN Bảo Lộc đã lên kế hoạch triển khai xây dựng các mô hình tập hợp phụ nữ theo nhu cầu, sở thích, ngành nghề để thu hút tập hợp hội viên vào Hội. Qua đó, khơi dậy và phát huy tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ trên các lĩnh vực. Nhận thấy nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của chị em với nghề dệt len rất phù hợp với lao động nữ và tận dụng được thời gian nông nhàn, Hội LHPN Bảo Lộc đã gặp gỡ các cán bộ chi hội là chủ mô hình dệt len, mời các chị tham gia tập huấn các kỹ năng vận động, thành lập, quản lý, điều hành, mục đích, ý nghĩa thành lập các tổ hợp tác, HTX. Năm 2013, Hội LHPN Bảo Lộc đã vận động thành lập HTX Tiểu thủ công nghiệp An Lộc, tại phường Lộc Tiến, do chị Vũ Thị Minh Nhung làm Chủ nhiệm, có 10 xã viên với ngành nghề dệt len. Với mô hình này, hàng năm đã mang về cho HTX lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, giải quyết cho hơn 100 lao động có việc làm ổn định và việc làm theo thời vụ, với thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng; hàng năm HTX đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm triệu đồng.
 
Từ kinh nghiệm thành công của mô hình HTX dệt len, năm 2014, Hội LHPN Bảo Lộc tiếp tục vận động thành lập HTX sản xuất đồ mỹ nghệ Vĩnh Nguyên tại xã Lộc Châu, do chị Đặng Thị Bảo Trang làm Chủ nhiệm, có 18 xã viên làm đồ mỹ nghệ. Với mô hình này hàng năm đã mang về lợi nhuận trên 400 triệu đồng, nâng cao thu nhập cho xã viên, giải quyết việc làm ổn định và việc làm thời vụ cho gần 70 lao động, trong đó lao động nữ chiếm 2/3, với thu nhập bình quân 4 -5 triệu đồng/người /tháng.
 
Năm 2015, Hội LHPN Bảo Lộc vận động thành lập HTX dệt len Quý Anh tại Phường II do chị Trần Thị Diện làm Chủ nhiệm, có 30 xã viên. Với mô hình này hàng năm đã mang lại lợi nhuận cho HTX bình quân trên 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho trên 80 lao động, với mức thu nhập 4 - 8 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2016, HTX đã đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 500 triệu đồng.
 
Hiện nay, đối với 3 HTX do Hội LHPN Bảo Lộc vận động thành lập trên địa bàn đã tạo việc làm ổn định cho hơn 130 lao động và 100 lao động có việc làm thời vụ với thu nhập ổn định, tham gia đào tạo nghề cho hơn 150 chị em trên địa bàn và các vùng lân cận. Hàng năm, các HTX này đều tài trợ học bổng, tặng quà cho trẻ em nghèo hiếu học, giúp đỡ phụ nữ nghèo, khó khăn trên địa bàn.
 
Để đáp ứng sự đa dạng ngành nghề, phù hợp với chị em tại địa phương, năm 2016, Hội LHPN Bảo Lộc đã tiến hành khảo sát và thành lập Tổ hợp tác trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Chi hội Phụ nữ Tổ 1A, phường Lộc Tiến, với 17 hộ gia đình tham gia. Các hộ trồng rau được Trung tâm Nông nghiệp TP Bảo Lộc tập huấn, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, phân tích đất, nguồn nước theo quy trình và được cấp Giấy chứng nhận trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
Đầu năm 2017, Hội LHPN Bảo Lộc tiến hành khảo sát và thành lập Tổ hợp tác nuôi cá tại Thôn 6, xã ĐamBri có 20 hộ tham gia. Các thành viên đã được Hội phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp TP Bảo Lộc tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi cá, giới thiệu điểm thu mua cá giống và thức ăn đảm bảo chất lượng.
 
Nhằm tạo điều kiện cho 2 tổ hợp tác này phát triển, Hội LHPN Bảo Lộc đang rà soát nhu cầu, đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi. Hội chỉ đạo, hướng dẫn các tổ hợp tác thành lập tổ tiết kiệm, góp vốn trong các thành viên để tạo nguồn vốn tại chỗ giúp cho các thành viên có nhu cầu tăng vốn sản xuất. Đồng thời, kiện toàn ban quản lý các HTX, tổ hợp tác, hiện nay có 4/5 chị chủ nhiệm các HTX, tổ trưởng tổ hợp tác cũng là cán bộ Chi hội Phụ nữ, các chị vừa thuận lợi để thực hiện tốt vai trò quản lý, lãnh đạo đối với HTX, tổ hợp tác vừa làm tốt vai trò người cán bộ Hội phụ nữ cơ sở tổ chức thực hiện các phong trào, nhiệm vụ công tác Hội tại địa phương.
 
Để phát huy hơn nữa vai trò của HTX, Tổ hợp tác trong thời gian tới, theo chị Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội LHPN Bảo Lộc cho biết: Hội kiến nghị các cấp, các ngành tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX được hưởng các chính sách ưu đãi, được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ các chính sách mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, giúp đỡ, giới thiệu cho các HTX, tổ hợp tác địa chỉ tiêu thụ, giải quyết đầu ra của sản phẩm nhằm tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX có đầu ra ổn định, giá cả hợp lý đảm bảo hiệu quả kinh tế lâu dài của các mô hình này.
 
AN NHIÊN