Chuyện của người khuyết tật vươn lên hòa nhập cuộc sống

08:06, 22/06/2018

Tôi quen biết chị Bùi Xuân Thy Phụng cũng khá tình cờ. Chẳng là Trung tâm Ðào tạo Sao Mai và Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc có mở một khóa học ngắn ngày miễn phí về cách thức bán hàng online cho các hội viên khuyết tật tại trụ sở Hội ở TP Bảo Lộc. Chị Phụng là học viên tham gia khóa học đó. 

Tôi quen biết chị Bùi Xuân Thy Phụng cũng khá tình cờ. Chẳng là Trung tâm Ðào tạo Sao Mai và Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc có mở một khóa học ngắn ngày miễn phí về cách thức bán hàng online cho các hội viên khuyết tật tại trụ sở Hội ở TP Bảo Lộc. Chị Phụng là học viên tham gia khóa học đó. 
 
Chị Bùi Xuân Thy Phụng (người đeo kính trắng) và các em nhỏ. Ảnh: T.Chu
Chị Bùi Xuân Thy Phụng (người đeo kính trắng) và các em nhỏ. Ảnh: T.Chu

Sẽ chẳng có gì để nói nếu như bà Vũ Thị Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc, không mở một đoạn clip bằng tranh cát kể lại câu chuyện của một con ốc, từ chỗ quen sống lầm lũi, mặc cảm trong cái vỏ nặng nề, một ngày kia đã quyết tâm bước ra ngoài bắt đầu hành trình đi tìm lại chính mình. Con ốc trong đoạn clip ấy chính là ẩn dụ về cuộc đời của chị Phụng. Chị Phụng đã lấy những đoạn len thừa, len vụn sau khi đã dùng vào việc móc áo, khăn, giỏ... làm thành bức tranh con ốc, rồi mang về TP Hồ Chí Minh tham dự Cuộc thi Từ trái tim đến trái tim - Một thế giới cho tất cả do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển tổ chức. Bức tranh có tên “Bước lên đường” và bài thuyết trình kèm theo là “Chuyện của ốc”. 
 
Câu chuyện cùng bức tranh mà chị Phụng kể về cuộc đời mình làm mọi người thật sự xúc động. Sau đó, họa sĩ Trí Đức đã vẽ lại cuộc đời của chị Phụng bằng tranh cát và trình chiếu cho mọi người cùng xem. “Mặc dù Chuyện của ốc chỉ được giải khuyến khích thôi nhưng cái được lớn nhất là mình đã dám vượt qua cái vỏ mặc cảm, tự ti quá to, quá nặng để bước ra xã hội bằng chính đôi chân của mình”, chị Phụng chia sẻ.
 
Câu chuyện của chị Phụng, cho ta hiểu thêm rằng, trong mỗi phận người đều mang sẵn những mầm xanh. Thật may là chị Phụng đã biết đánh thức mầm xanh ấy để đến với những chân trời mới rực rỡ nắng mai. Chị Phụng kể :  Năm tôi 3 tuổi, sau ca mổ, tôi không còn đứng được trên đôi chân của mình. Mặc dù chạy chữa khắp nơi, trong rất nhiều năm, nhưng tôi cũng chỉ có thể đi lại trên đôi nạng gỗ. Trở về quê, không có điều kiện đi học, tôi gạt nước mắt bỏ dở dang việc học và sống lầm lũi như một con ốc, mặc cuộc đời trôi đâu thì trôi. 
 
Gần 30 năm sống lầm lũi trong mặc cảm, tôi quyết tâm bước ra khỏi cái vỏ của mình, bằng việc tham gia Hội Người khuyết tật TP Bảo Lộc. Tại đây, chị không chỉ được gặp gỡ, trao đổi, sẻ chia với nhiều anh chị em, mà còn được tham gia các lớp tập huấn về nâng cao nhận thức cho người khuyết tật, các kỹ năng giao tiếp, cũng như giao lưu học hỏi kinh nghiệm của những hội nhóm khác. Cũng trong năm này, chị khăn gói xuống TP Hồ Chí Minh tham dự Cuộc thi Từ trái tim đến trái tim - Một thế giới cho tất cả do Trung tâm Khuyết tật và Phát triển tổ chức, với bức tranh con ốc làm từ những sợi len vụn.
 
“Thật vui và hãnh diện khi bức tranh của tôi đoạt giải khuyến khích. Càng vui hơn khi Chuyện của ốc đã được họa sĩ Trí Đức vẽ lại bằng tranh cát và trình chiếu cho mọi người cùng xem trong ngày trao giải. Quan trọng nhất là tôi không còn trốn trong cái vỏ ốc nữa. Trước kia, tôi luôn sống khép mình, nếu chia sẻ với ai điều gì thì nước mắt luôn song hành. Thế mà ở cuộc thi này, tôi dám đứng trước mấy trăm người để thuyết trình về bài thi của mình. Cũng chính cuộc thi này đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi, cho tôi thấy rằng: trong cuộc sống chẳng có gì là thừa, chẳng có gì là bỏ đi nếu ta biết tận dụng, có quyết tâm và cho nó một mục đích sống có ý nghĩa” - chị Phụng chia sẻ. Từ đó, việc đan len của chị không còn là để giết thời gian, nó đã trở thành niềm đam mê. Chị muốn làm một cái gì đó cho cuộc sống đẹp thêm và thấy mình thật may mắn khi được tiếp cận, học hỏi nhiều kỹ năng, có thêm bạn bè từ mọi miền đất nước.
 
Và kể từ đó về sau, chị  thấy chân trời như mở ra, tham gia hội thảo cảm nghiệm được giá trị của cuộc sống, học hỏi nhiều kỹ năng và giao lưu với nhiều hội nhóm khác…
 
Năm 2011, chị tham gia Hội thảo Phụ nữ khuyết tật trong thời đại mới tại TP Hồ Chí Minh, rồi tham gia khóa học khởi sự kinh doanh và thi ý tưởng kinh doanh. Thế là cái bảng hiệu Áo Dài Móc Len Thy Phụng cũng đã được treo lên cùng với chiếc áo dài truyền thống được làm từ sợi len, đồ trang sức móc len và nhiều sản phẩm khác nữa. Để rồi một năm sau những chiếc áo dài của chị Phụng  lên sàn diễn thời trang của Hội quán Đời Rất Đẹp ở TP Hồ Chí Minh... 
 
Chị Phụng tâm sự: Sau khi ra khỏi cái vỏ ốc mà trước đây tôi đã tự mình trốn sâu trong ấy, tôi lại mong những ai còn khép kín như tôi ngày nào, hãy phá bỏ rào cản để thay đổi cuộc sống. Bởi cuộc đời còn rất nhiều điều kỳ diệu để khám phá chỉ cần ta nhìn nhận một cách tích cực.                               
 
TRỊNH CHU