Cập nhật kiến thức về nội soi - tiêu hóa

09:04, 15/04/2019

Với sự ra đời các dụng cụ mới, kỹ thuật mới, nội soi không chỉ là phương pháp chẩn đoán không thể thiếu mà còn là phương pháp điều trị các bệnh lý tiêu hóa ít xâm lấn, an toàn và hiệu quả.

Với sự ra đời các dụng cụ mới, kỹ thuật mới, nội soi không chỉ là phương pháp chẩn đoán không thể thiếu mà còn là phương pháp điều trị các bệnh lý tiêu hóa ít xâm lấn, an toàn và hiệu quả.
 
Các bác sĩ đang thực hiện kỹ thuật ERCP - nội soi mật tụy ngược dòng tại BVĐK tỉnh, dưới sự chỉ huy của GS Trịnh Đình Hỷ (Cộng hòa Pháp). Ảnh: A.Nhiên
Các bác sĩ đang thực hiện kỹ thuật ERCP - nội soi mật tụy ngược dòng tại BVĐK tỉnh, dưới sự chỉ huy của GS Trịnh Đình Hỷ (Cộng hòa Pháp). Ảnh: A.Nhiên
 
Tại Hội nghị Nội soi - Tiêu hóa miền Trung mở rộng lần thứ VI do Chi hội Nội soi tiêu hóa Miền Trung - Trường Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng phối hợp tổ chức tại TP Đà Lạt, có 16 đề tài nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước cập nhật các kiến thức mới trong lĩnh vực này, trong đó, có 5 báo cáo của các chuyên gia quốc tế đến từ Singapore, Cộng hòa Pháp, Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. 
 
Theo nghiên cứu về “Polyp đại tràng: tối ưu hóa trong chẩn đoán và điều trị” - GS Andrew Kwek Boon Eu, Changi General Hospital, Singapore cho biết: Nội soi đại tràng làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong của ung thư đại trực tràng. Tỉ lệ phát hiện u tuyến rất quan trọng trong đánh giá chất lượng nội soi đại tràng, càng tăng tỉ lệ phát hiện u tuyến liên quan đến giảm tỉ lệ ung thư và tử vong. Tác giả khuyến cáo: Tỉ lệ phát hiện u tuyến cần đạt được khoảng 25% trên các đối tượng từ 50 tuổi trở lên được nội soi đại tràng. 
 
Tùy thuộc vào giới tính của bệnh nhân, tỉ lệ phát hiện u tuyến cần đạt 30% đối với nam và 20% đối với nữ.
 
Nghiên cứu về “Nội soi mật tụy ngược dòng: cập nhật và thách thức” - GS Trịnh Đình Hỷ, Cộng hòa Pháp, khái quát trong vòng 25 năm qua, hầu hết các kỹ thuật trong nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) trên thế giới đã thực hiện như: Lấy sỏi bằng Dormia, bóng (năm 1975); stent nhựa (1980); tán sỏi cơ học (1982), điện - thủy (1982), laser (1986); dẫn lưu nang giả tụy (1985); nội soi can thiệp viêm tụy mạn, ESWL (1985); stent kim loại tự banh (1992). Các tiến bộ mới trong nội soi mật tụy ngược dòng hiện nay là: Kỹ thuật thông đường mật đặc biệt; phòng ngừa viêm tụy cấp sau ERCP; nong cơ vòng bằng bóng (EBD); nội soi ống mật qua đường miệng; ERCP kết hợp với EUS. 
 
GS Trịnh Đình Hỷ nêu lên các thách thức hiện nay đối với các quốc gia tần suất sỏi mật cao thì nhu cầu nội soi mật tụy ngược dòng càng lớn. Chẳng hạn: Trung Quốc giai đoạn 2006 - 2012, số bệnh viện làm ERCP tăng 2,5 lần và số bệnh nhân làm nội soi mật tụy ngược dòng gia tăng gấp 3. Khuyến nghị của chuyên gia lĩnh vực này là: Xây dựng mạng lưới tổ chức xử lý nội soi mật tụy ngược dòng ERCP, cụ thể thành lập Đơn vị ERCP chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Tại mỗi BVĐK tỉnh, cần có đơn vị ERCP nhằm đồng thuận về xử lý bệnh tắc mật, sỏi mật như: bệnh nhân nhập viện tại khoa nội, hội chẩn đa ngành giữa nội soi/ chẩn đoán hình ảnh/ ngoại khoa/ gây mê; ERCP tại phòng mổ, gây mê toàn thân, nội khí quản, theo dõi hậu phẫu phối hợp trong 24 giờ; phòng ngừa viêm tụy cấp bằng nội soi đại trực tràng; phòng ngừa nhiễm khuẩn, khử khuẩn độ cao ống soi và dụng cụ bằng máy rửa tự động. Nhân sự, đào tạo với nhu cầu ước lượng theo dân số: 1 đơn vị ERCP/ 200.000 người dân, mỗi đơn vị ERCP có từ 2-3 BS và 3-4 điều dưỡng chuyên môn; trung tâm nội soi mật tụy ngược dòng tiêu chuẩn thực hiện hơn 200 ca/năm; 1 BS thực hiện ERCP trên 50 ca/năm (>1ca/tuần). Hiện nay, việc đào tạo ERCP là “cầm tay chỉ việc”, thời gian, địa điểm không quy định và không kiểm định chất lượng. Tương lai hướng tới: chương trình đào tạo ERCP từ trên 1 - 2 năm, sau nội soi tổng quát 2 năm tại Trung tâm huấn luyện ERCP. 
 
Một nghiên cứu về “Chẩn đoán và điều trị ung thư sớm ống tiêu hóa: thách thức và triển vọng” - BS Hathaiwan Moungthard, National Cancer Institute Phyathai, Thailand đã cập nhật thông tin tình hình ung thư đại trực tràng ở Thái Lan năm 2019 có: 34 ca mới mỗi ngày, 12.467 ca mới trong 1 năm, 13 người chết mỗi ngày và 4.781 người chết trong 1 năm về bệnh này, hầu hết ở giai đoạn ung thư tiến triển và rất ít trường hợp ở giai đoạn sớm. Thách thức đó là bệnh khó chẩn đoán và không có chính sách sàng lọc. Triển vọng dựa trên dữ liệu bệnh nhân đang được nghiên cứu ở Thái Lan là can thiệp chẩn đoán sớm và loại bỏ tổn thương qua nội soi. Đồng thời, thiết kế chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng ở Thái Lan, người dân độ tuổi 50 - 70 tuổi được khám lọc bệnh định kỳ 2 năm/lần. Kết quả năm 2018, chương trình đã sàng lọc 24.129 ca, phát hiện dương tính 549 ca, thực hiện nội soi đại trực tràng 443 ca (chiếm 80,7%), phát hiện 5 ca ung thư (chiếm 1,12%). Nhờ khám sàng lọc đã phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm và 100% trường hợp được phẫu thuật nội soi.
 
Báo cáo nghiên cứu về “Cập nhật dự phòng và quản lý bệnh nhân xơ gan: kinh nghiệm thực tiễn từ Hoa Kỳ” - GS Frank A. Stackhouse, Washington University, Haborview Medical Center, USA đã nhận định tình hình hiện nay ở Mỹ không đủ bác sĩ tiêu hóa để chăm sóc tất cả các trường hợp xơ gan. Bác sĩ gia đình ở Mỹ cần hợp tác với các bác sĩ chuyên khoa gan; bác sĩ gia đình có thể gặp bệnh nhân thường xuyên hơn để chắc chắn rằng các kế hoạch điều trị đang hoạt động tốt, tìm kiếm các dấu hiệu tiến triển và mất bù của bệnh nhân, để tư vấn về các lựa chọn điều trị, cũng như các mục tiêu cuối đời cho bệnh nhân.
 
Theo nghiên cứu này, bệnh gan rất phổ biến ở Mỹ, cũng như những nơi khác trên thế giới, việc chẩn đoán và điều trị bệnh phức tạp. Vì vậy, cần nâng cao vai trò của chăm sóc ban đầu trong bệnh xơ gan; sàng lọc bệnh nhân có nguy cơ cao đối với bệnh xơ gan; đánh giá kỹ các triệu chứng sớm và các dấu hiệu cảnh báo; bắt đầu chiến lược phòng ngừa để ngăn chặn sự tiến triển; tư vấn bệnh nhân về bệnh xơ gan, điều trị và các biến chứng; bắt đầu và theo dõi các phương pháp điều trị phối hợp với bác sĩ tiêu hóa - mô hình đồng quản lý; theo dõi chặt chẽ đối với các biến chứng ở giai đoạn mất bù; chuẩn bị bệnh nhân cho việc ghép tạng (gan) với quy trình nghiêm ngặt.
 
AN NHIÊN