Truyền tình yêu lịch sử cho học sinh qua từng giờ dạy

06:09, 18/09/2019

Ðã hơn 21 năm gắn bó với nghề giáo, cùng tình yêu với bộ môn Lịch sử, cô giáo Nguyễn Thị Chiến, giáo viên Trường THPT Lộc Thanh - Bảo Lộc đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò nơi đây.

Ðã hơn 21 năm gắn bó với nghề giáo, cùng tình yêu với bộ môn Lịch sử, cô giáo Nguyễn Thị Chiến, giáo viên Trường THPT Lộc Thanh - Bảo Lộc đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò nơi đây.
 
Cô giáo Nguyễn Thị Chiến
Cô giáo Nguyễn Thị Chiến
Lịch sử như một câu chuyện
 
Đến với bộ môn Lịch sử như một cái duyên, đó là lời cô Nguyễn Thị Chiến chia sẻ khi nói chuyện với chúng tôi. Cũng bởi, người con gái quê Quảng Bình mê văn, hay mơ mộng hồi ấy, đã dự định thi vào Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế. Nhưng nghe lời bạn, “thi sư phạm Sử cùng mình cho vui”, vậy là cô gái trẻ quyết định đăng kí thêm nguyện vọng vào Khoa Sử. Thế rồi, “như nghề chọn người” khi có giấy báo trúng tuyển cả hai khoa Văn và Sử, cô đã quyết định học Sử.
 
Năm 1997, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, cô Chiến nộp đơn xin giảng dạy bộ môn Lịch sử tại Trường THPT Lộc Thanh - Bảo Lộc.Và chỉ một năm sau khi đi dạy, cô đã được lựa chọn để hướng dẫn đội tuyển học sinh giỏi Sử của trường, đi dự thi tỉnh. Kết quả, đội tuyển đã đạt giải cao. Từ đó đến nay, năm nào cũng vậy, đội tuyển học sinh giỏi của cô đều đạt danh hiệu cao trong các cuộc thi cấp tỉnh.
 
Tuy nhiên, khó khăn trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử có lẽ là trăn trở của bao giáo viên. Bởi, số lượng học sinh đăng kí tham gia không nhiều, đặc biệt, việc vận động các em tham gia cũng gặp nhiều khó khăn, vì lượng kiến thức lớn lại rất khô khan. Nhưng theo cô Chiến “không khó khăn nào không thể vượt qua”.
 
Cô cũng cho biết thêm, việc kiểm tra bài cũ với tất cả học sinh là không thể thiếu. Nếu số lượng học sinh đông, nên cho học sinh kiểm tra chéo với sự giám sát của giáo viên. Chỉ sau khi học sinh thuộc dứt điểm bài cũ, giáo viên mới thực hiện bồi dưỡng nâng cao bài mới. Ngoài ra, mỗi tháng giáo viên cho kiểm tra viết một lần, rút kinh nghiệm bài làm trong từng câu, từng bài để điều chỉnh, bổ sung.
 
Cô cũng nhắc nhở học sinh phân bổ thời gian hợp lí cho từng câu hỏi. Học sinh cũng cần cập nhật tin tức thời sự thông qua báo, đài, từ đó có những so sánh và liên hệ. Chính năng khiếu văn học, thêm lời kể chứa đầy lòng tự hào qua những câu chuyện lịch sử của cô, đã khiến cho học sinh cảm thấy thích thú và tò mò.
 
Từ việc nắm bắt tâm lí học sinh kết hợp với phương pháp dạy “đặc biệt” này nên những tiết học dưới sự hướng dẫn của cô Chiến trở nên cuốn hút hơn.
 
Cho đến nay tính tổng cộng học trò của các lớp cô bồi dưỡng đã mang về 65 giải cho trường, trong đó có 1 giải khuyến khích quốc gia, 1giải nhất tỉnh, 10 giải nhì tỉnh, 19 giải ba tỉnh và 24 giải khuyến khích cấp tỉnh. Hầu như năm nào học trò của cô không nhiều thì ít cũng đều có giải. 
 
Niềm đam mê
 
Với cô Chiến, thành công không chỉ dừng lại ở số lượng học sinh giỏi cấp tỉnh, mà còn sự quý mến của đồng nghiệp và học trò.
 
Cô Chiến kể cho chúng tôi nghe một kỉ niệm mà đến giờ cô còn nhớ mãi. Đó là vào một buổi học bù ngày chủ nhật, cô trò không được bác bảo vệ mở cửa để vào lớp. Thấy học sinh đến đông đủ, cô đã cùng học trò, học bài trên ghế đá.
 
“Học Sử không chỉ trên giấy, hãy dạy môn Sử như kể một câu chuyện, cần phải có phương pháp giúp câu chuyện ấy trở nên hấp dẫn qua lời kể của người giáo viên”.
Cô Nguyễn Thị Chiến chia sẻ

Không phấn, không bảng đen, chỉ có những trang vở, những cây bút hí hoáy viết và những đôi mắt chứa đầy sự say mê của các cô cậu học trò. Giờ học ấy đã in sâu trong tâm trí cô, với cô, đó như kỉ niệm đáng tự hào trong cuộc đời giáo viên.

“Cô Chiến vui tính lắm, ai cũng mê! Giờ học Sử với cô không chỉ trên những trang sách, với chi chít những con chữ, mà còn học qua lời kể về những câu chuyện gắn với từng mốc sự kiện” - Đào Thị Kim Phượng (22 tuổi), một cựu học sinh của Trường THPT Lộc Thanh cho biết. Với Phượng, dù đã tốt nghiệp THPT được 4 năm, nhưng những kí ức về những giờ học của cô Chiến vẫn còn in sâu trong tâm trí. 
 
Nhận xét về cô Chiến, thầy giáo Trần Thành Cẩm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Thanh cho biết: “Cô Nguyễn Thị Chiến là người có chuyên môn vững vàng, dù trải qua 20 năm, nhưng đội tuyển học sinh giỏi của cô vẫn được duy trì và đạt kết quả cao trong các cuộc thi. Hơn hết, cô Chiến còn nhận được sự yêu quý không chỉ của đồng nghiệp, mà còn của cả học sinh toàn trường”.
 
Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền cô Nguyễn Thị Chiến đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, là giáo viên tiêu biểu, là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở của trường. 
 
Nhưng với cô, khi nhìn lại quãng đường 21 năm đã qua với rất nhiều kỷ niệm trong nghề dạy học cô vẫn thấy rất vui: “Chọn học Sử rồi đi dạy, đó là bước ngoặt của cuộc đời, được sống với nghề mình yêu thích, ban đầu là tò mò, sau là yêu quý, rồi đến giờ là đam mê” - cô Chiến tươi cười.
 
VIỆT THUẬN - GIA KHÁNH