Khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV

06:11, 29/11/2019

Chủ trương sử dụng bảo hiểm y tế là nguồn thay thế và yêu cầu các địa phương phải bảo đảm 100% người nhiễm có thẻ BHYT được xem là chiến lược quan trọng để duy trì bền vững chương trình điều trị ARV...

Chủ trương sử dụng bảo hiểm y tế (BHYT) là nguồn thay thế và yêu cầu các địa phương phải bảo đảm 100% người nhiễm có thẻ BHYT được xem là chiến lược quan trọng để duy trì bền vững chương trình điều trị ARV. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển giao điều trị ARV cho bệnh nhân từ nguồn viện trợ sang nguồn BHYT và năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện hướng dẫn các tỉnh, thành phố dự trù thuốc ARV từ nguồn BHYT nên việc triển khai thực hiện còn nhiều khó khăn.
 
Kỹ thuật viên đưa mẫu vào máy đọc kết quả xét nghiệm tại Phòng xét nghiệm khẳng định HIV tỉnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Ảnh: A.Nhiên
Kỹ thuật viên đưa mẫu vào máy đọc kết quả xét nghiệm tại Phòng xét nghiệm khẳng định HIV tỉnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Ảnh: A.Nhiên
 
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện nay có gần 140.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV, con số này sẽ tiếp tục tăng khi nguồn viện trợ quốc tế cho hoạt động này đang giảm dần để chuyển sang áp dụng BHYT là nguồn thay thế, nhằm duy trì bền vững chương trình điều trị ARV. 
 
Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, 9 tháng đầu năm 2019, cả nước có 7.779 trường hợp nhiễm HIV, đưa tổng số người có HIV lên gần 212.000 người. Tính đến tháng 10/2019, số người nhiễm HIV/AIDS điều trị thuốc ARV từ Quỹ BHYT là 41.191 người, trong đó có 9 tỉnh đạt tỷ lệ bao phủ 100% như: Tuyên Quang, Kon Tum, Bình Định, Hà Giang, Hưng Yên...
 
Về mặt khoa học, khi bệnh nhân điều trị ARV theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt và duy trì mức tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu, được xác định không có nguy cơ lây truyền HIV. Ðây là yếu tố quan trọng giúp người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. Bằng chứng khoa học này giúp người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
 
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng, hiện đang tiếp tục triển khai hoạt động của 3 cơ sở điều trị thuốc kháng HIV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng và Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng. Hoạt động song song, là 3 phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng được khám thông tuyến BHYT. 
 
Tình hình bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS điều trị thuốc ARV có thẻ BHYT tại Lâm Đồng tính đến 30/9/2019 như sau: Tổng số bệnh nhân điều trị ARV là 606 người, trong đó 588 người lớn, 18 trẻ em. Số bệnh nhân mới bắt đầu điều trị ARV là 49 người; số bệnh nhân chuyển tới 47 người; số bệnh nhân điều trị lại 8 người; số bệnh nhân chuyển đi 34 người; tử vong 2 người; bỏ điều trị 43 người. Số bệnh nhân có thẻ BHYT 563 người, số bệnh nhân chưa có thẻ BHYT 44 (Ban Quản lý dự án phòng, chống HIV/AIDS tỉnh hỗ trợ mua thẻ). Số bệnh nhân nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT 532 người (số còn lại nhận thuốc từ Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - Y tế). Tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhận thuốc ARV nguồn BHYT từ tháng 3/ 2019.
 
Hiện các cơ sở điều trị HIV trong tỉnh đã kiện toàn, lồng ghép quy trình khám, chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS vào quy trình chung với các cơ sở khám, chữa bệnh trong các bệnh viện; lồng ghép phần mềm khám, chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS vào phần mềm khám, chữa bệnh chung của cơ sở y tế; đưa thuốc ARV vào danh mục các thuốc chung của bệnh viện, thực hiện kê đơn thuốc ARV trên phần mềm, kiểm kê cuối tháng có thuốc ARV; sử dụng ICD-10 cho chẩn đoán và chỉ định khám chữa bệnh cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS; thực hiện cung cấp các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
 
Điều trị ARV là điều trị liên tục, suốt đời nên việc tham gia BHYT đối với người nhiễm HIV là hết sức cần thiết, giúp họ có nguồn lực tài chính bền vững cho việc duy trì điều trị. Trong thực tế, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS, Lâm Đồng đã triển khai từ đầu năm 2018 và nguồn thuốc từ Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - Y tế. Trong năm 2018, các cơ sở có phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS trong tỉnh vẫn cấp thuốc ARV miễn phí cho bệnh nhân; người bệnh phải thanh toán thuốc ARV qua BHYT kể từ tháng 3/ 2019. 
 
Người nhiễm HIV/AIDS nếu không tham gia BHYT, khi đi khám, chữa bệnh sẽ phải thanh toán toàn bộ các chi phí cho việc khám, chữa bệnh, xét nghiệm, thuốc nhiễm trùng cơ hội, thuốc ARV, tổng chi phí điều trị trung bình đối với bệnh nhân điều trị phác đồ bậc 1 là 5 triệu đồng/năm và 18 triệu đồng/năm đối với bệnh nhân điều trị phác đồ bậc 2. Nếu người bệnh không đủ chi phí khám, chữa bệnh thì khả năng bỏ điều trị rất cao, việc thất bại điều trị sẽ dẫn đến kháng thuốc, gia tăng sự lây nhiễm HIV cho cộng đồng và khi đó, nếu quay lại điều trị thì bệnh nhân phải chuyển sang phác đồ điều trị đắt tiền hơn. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của bệnh nhân, chính quyền các địa phương có trách nhiệm đảm bảo 100% người nhiễm HIV/AIDS sinh sống trên địa bàn có thẻ BHYT và được sử dụng đầy đủ các dịch vụ khám, điều trị HIV/AIDS.
 
Về mặt chính sách, pháp luật, Quốc hội đã nhất trí đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020. Trong những năm qua, việc triển khai Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng đối diện với một số khó khăn, thách thức như: sự hạn chế tiếp cận thông tin về người nhiễm HIV; nguồn lực dành cho công tác này còn hạn chế... Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, cần mở rộng đối tượng tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, nhằm thực hiện tốt công tác giám sát dịch HIV/AIDS, xét nghiệm, chuyển gửi, quản lý chăm sóc, điều trị ARV. Đồng thời, để bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của tất cả các đối tượng khác nhau trong dự phòng, chăm sóc, điều trị ARV, Nhà nước cần bảo đảm nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường công tác truyền thông, các hoạt động nhằm xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong môi trường sống, học tập, đặc biệt là trong các cơ sở y tế; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh BHYT, đặc biệt trong điều trị HIV/AIDS thông qua BHYT... Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS là cơ hội tốt cho các cơ quan thực thi pháp luật đề xuất các chính sách, giải pháp mới cho công cuộc ứng phó với AIDS, giúp duy trì các thành tựu đã đạt được cũng như những mục tiêu và cam kết trong giai đoạn tới.
 
AN NHIÊN