Tác động hiệu quả của Dự án Chăm sóc sức khỏe Nhân dân

05:07, 20/07/2020

Việc đầu tư Dự án Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2 tại tỉnh Lâm Đồng đã góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Việc đầu tư Dự án Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, giai đoạn 2 tại tỉnh Lâm Đồng đã góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
 
Đoàn công tác của Bộ Y tế vừa thăm Phòng khám đa khoa khu vực Tân Hà (Lâm Hà) ghi nhận môi trường cảnh quan cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp
Đoàn công tác của Bộ Y tế vừa thăm Phòng khám đa khoa khu vực Tân Hà (Lâm Hà) ghi nhận môi trường cảnh quan cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp
 
Về cơ sở vật chất đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 9 phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) và cải tạo nâng cấp cho hai Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Lâm Hà và Đạ Huoai. Cơ sở vật chất của các đơn vị được đầu tư khang trang, khi đưa vào sử dụng đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
 
Việc đầu tư trang thiết bị và phương tiện vận chuyển cho các cơ sở y tế đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai như phẫu thuật nội soi, siêu âm, đo điện tim, điện não đồ, khám và lấy mẫu tầm soát ung thư cổ tử cung… tại các huyện, thành phố trong tỉnh và đã đưa nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh đến với cộng đồng tại các huyện nghèo Đam Rông, Đạ Tẻh.
 
Công tác đào tạo của dự án đã tăng cường năng lực về chuyên môn, quản lý các tuyến, đặc biệt có ý nghĩa đối với cán bộ y tế tuyến cơ sở và nhân viên y tế thôn bản. Sau khi được đào tạo, cán bộ y tế đã rất tự tin trong việc truyền thông, tiếp cận cộng đồng để thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu tại thôn buôn.
 
Các bệnh viện đã triển khai công tác quản lý chất lượng bệnh viện. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về quản lý chất lượng bệnh viện có xu hướng tăng điểm qua từng năm. Ban quản lý (BQL) dự án Lâm Đồng đã và đang triển khai kiện toàn mạng lưới làm công tác quản lý chất lượng bệnh viện, xây dựng và ban hành Chương trình hành động nâng cao năng lực quản lý chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2017-2025 của ngành Y tế Lâm Đồng. Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tự đánh giá chất lượng bệnh viện 6 tháng, 1 năm. Tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ (1 năm) chất lượng bệnh viện theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, TTYT huyện Đơn Dương và các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện trên địa bàn. Cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn của dự án về quản lý chất lượng; xây dựng bộ công cụ, chỉ số đánh giá; phối hợp với các chuyên gia của dự án giám sát hỗ trợ tại các đơn vị thụ hưởng dự án theo các nội dung được thông báo cho các đơn vị theo đợt.
 
Các bệnh viện công lập tại tỉnh Lâm Đồng được đánh giá theo Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam, điểm trung bình chung hàng năm có xu hướng tăng. Cụ thể: Năm 2016 là 2,42/5 điểm; năm 2019 là 2,78/5. 
 
Tỷ lệ hài lòng người bệnh cũng tăng qua từng năm: Ngoại trú trung bình chung tăng 5,4% (năm 2017 là 84,0%, năm 2019 là 89,4%); nội trú trung bình chung tăng 4,3% (năm 2017 là 88,5%, năm 2019 là 92,8%).
 
Dự án Chăm sóc sức khỏe Nhân dân tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2, sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) có tổng vốn đầu tư là 14.212.576 USD; trong đó: vốn vay ADB là 12.821.614 USD, vốn đối ứng là 1.390.962 USD. Đến tháng 6/2020, đã hoàn thành toàn bộ các gói thầu xây dựng cơ bản và bàn giao đưa vào sử dụng, gồm: Xây mới 9 phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV); cải tạo, nâng cấp TTYT huyện Đạ Huoai thành Bệnh viện Đa khoa khu vực Đạ Huoai và xây dựng khối văn phòng cho TTYT huyện Lâm Hà; xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho TTYT huyện Đạ Huoai.
 
Ban quản lý (BQL) dự án tỉnh đã hoàn thành mua sắm 13 gói thầu được BQL Dự án Chăm sóc sức khỏe Nhân dân các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2, Bộ Y tế phân cấp thực hiện, gồm: thiết bị văn phòng BQL dự án; thiết bị y tế bổ sung cho các trạm y tế (TYT), PKĐKKV 2 huyện nghèo Đam Rông và Đạ Tẻh; thiết bị vệ sinh bệnh viện cho Bệnh viện II Lâm Đồng và TTYT các huyện; các gói thầu mua sắm trang thiết bị cho TYT xã; trang thiết bị cho PKĐKKV; trang thiết bị cho 2 huyện nghèo; in ấn tài liệu truyền thông. Tiếp nhận 12 xe ô tô cứu thương, 3 hệ thống xử lý rác thải y tế và các trang thiết bị y tế do BQL dự án trung ương cung cấp. 
 
Dự án đã cung cấp 80 suất học bổng cho người DTTS học tại Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng. Hỗ trợ kinh phí đào tạo chuyên khoa định hướng cho 29 bác sỹ; cử 14 cán bộ đi đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I và 18 cán bộ đi đào tạo liên thông bác sĩ, dược sĩ đại học. Thực hiện đào tạo ngắn hạn cho 1.837 lượt học viên. BQL Dự án Trung ương đã tổ chức đào tạo các lớp ngắn hạn cho Lâm Đồng được 396 học viên, trong đó học viên nữ chiếm 52% và học viên người DTTS chiếm 12,1%.
 
Hoạt động truyền thông, phát triển cộng đồng: Năm 2016, dự án triển khai thực hiện hoạt động cung cấp một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại cộng đồng ở 22 xã thuộc 5 huyện: Đạ Tẻh, Đam Rông, Đức Trọng, Đơn Dương và Lâm Hà. Năm 2019, triển khai thực hiện hoạt động này tại 23 xã thuộc 6 huyện: Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và Đam Rông. Tổ chức 12 lớp tập huấn kỹ năng truyền thông và cách sử dụng tài liệu truyền thông cho 358 học viên. Tổ chức 4 buổi lễ phát động chiến dịch truyền thông tại cộng đồng thuộc các huyện Đạ Tẻh và Đam Rông. Thực hiện hoạt động giáo dục và truyền thông nhóm nhỏ tại 38 xã, thị trấn thuộc huyện Đạ Tẻh và Đam Rông.
 
AN NHIÊN