Giấc mơ "Lân, Rồng"

04:09, 30/09/2020

(LĐ online) - Không giàu có, nhưng đồng lương nhà nước của tôi và vợ chưa bao giờ để những đứa con của mình thiếu thốn trong những dịp vui, nhất là những ngày mà chúng đương nhiên được hưởng đặc quyền...

(LĐ online) - Không giàu có, nhưng đồng lương nhà nước của tôi và vợ chưa bao giờ để những đứa con của mình thiếu thốn trong những dịp vui, nhất là những ngày mà chúng đương nhiên được hưởng đặc quyền. Trung thu chẳng hạn, ngoài chiếc đèn lồng phát sáng chạy bằng pin bé xíu nằng nặc đòi mua, còn thêm cái trống cơm gõ lốp cốp đến nổ não. Đôi khi xiêu lòng vì sự ỉ ôi, có khi cũng chiều con mà làm hư đầu tư thêm cho cái đầu lân về ngúc ngắc. 
 
Tụi trẻ vô tư với bộ đồ chơi múa lân tự chế
Tụi trẻ vô tư với bộ đồ chơi múa lân tự chế
 
Đặc biệt, là bánh trung thu lúc nào cũng phải có. Nếu lỡ quên vì bận bịu không mua thì đã có ông, bà nội ngoại cho hoặc đơn cử là bạn bè giao hảo tặng lấy thảo. Những chiếc bánh ngon ngọt, ước mơ của cha mẹ chúng hồi nhỏ, có giá từ vài chục đến hàng trăm ngàn đồng, thậm chí tiền triệu nhưng cắt ra, cùng lắm chỉ cắn vài ba miếng. Nhìn chiếc bánh bỏ dở, lỡ có lớn tiếng vài ba câu lại mủi lòng xí xóa vì nước mắt của chúng. Ăn uống mà, ai nỡ ép uổng. Thức ăn thì đâu thể lãng phí, nên phần lớn cha mẹ lại phải gánh phần dù đã ở cái tuổi chưa già nhưng không còn hảo ngọt.
 
Sinh nhật cũng thế, vợ là chủ yếu hoặc đôi khi là tôi trực tiếp đi mua những chiếc bánh kem để “Happy Birthday” chúng, nhưng chưa bao giờ trị giá chiếc bánh nhiều hơn 200.000 đồng. Bởi ngoài chủ nhân bữa tiệc, thì tất cả đám lâu la bạn bè của con tôi, con cháu trong họ đều chưa bao giờ thích thú với chiếc bánh thơm tho và đẹp đẽ ấy. Niềm vui duy nhất của chúng bên chiếc bánh là được thổi nến sinh nhật và hát bài chúc mừng sinh nhật theo kiểu để chế độ replay.
 
Mỗi dịp trước trung thu, vì công việc nên tôi thường xuyên có mặt ở những buổi trao quà cho trẻ vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Gần như tất cả các vị lãnh đạo, các cơ quan ban, ngành, mặt trận, đoàn thể đều có chương trình công tác xã hội thường niên để về chia sẻ với trẻ em ở các vùng còn gặp nhiều khó khăn. Phần quà đôi khi không nhiều, chỉ là tấm bánh nướng hoặc bánh dẻo, thêm phần sữa tươi, gói kẹo... nhưng trong đôi mắt của lũ trẻ tôi thấy hiện rõ sự háo hức.
 
Ngày tổng kết cuối năm học vừa qua, tôi và các bạn chi đoàn của cơ quan có về một trường tiểu học đóng chân trên một trong những thôn khó khăn nhất của huyện Lâm Hà để trao học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Ở một ngày lễ quan trọng như thế, nhưng học sinh ở trường vẫn chưa có đồng phục để mặc, ai có gì mặc đó, kể cả những em được nhận giấy khen hoặc có tên trong danh sách nhận học bổng. Những gương mặt xanh xao, những mái tóc cháy nắng bết lại, những chiếc áo bạc màu vương lem bùn đất, những đôi dép đứt quai cũ xì... nhìn chúng và nghĩ về những đứa trẻ thành phố, tự nhìn cả đoàn chợt chùng xuống, nhìn nhau và chợt nghĩ: Ước gì?
 
Chưa đầy 10 ngày trước, có việc phải về Đam Rông, nghỉ mệt dừng chân ven đường, thấy 3 đứa trẻ dùng một chiếc cần xé đựng rau củ, trùm lên chiếc bì rách để làm đầu lân, trống thì được làm bằng chiếc thùng sơn cũ. 2 đứa làm lân thích thú múa cuồng nhiệt, cậu bé đánh trống thì dùng 2 que củi gõ vô cùng thiện nghệ và không hề lạc nhịp. 
 
Bất ngờ, buồn cười vì sự ngộ nghĩnh, nhưng có gì đó nghẹn lại. Bởi, không biết còn có bao nhiêu đứa trẻ ở mảnh đất này vẫn còn hoặc ở một nơi xa xôi nào đó vẫn chưa có đủ một miếng bánh, vẫn khao khát có một chiếc đầu lân trong cái ngày dành cho chúng. Giấc mơ chính đáng và đẹp đẽ nhưng nhỏ nhoi ấy, xa vời đến thế sao?
 
Sau hơn 10 năm tiến hành xây dựng nông thôn mới, Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu vượt bậc với nhiều dấu ấn đậm nét, nếu không muốn gọi là kỳ tích. Lâm Đồng cũng là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên và nằm trong top 10 cả nước trong công tác xây dựng nông thôn mới. Địa phương cũng là tỉnh duy nhất trong cả nước thực hiện thí điểm huyện nông thôn mới Đơn Dương kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp thông minh và 1 trong 26 tỉnh của cả nước không có nợ đọng nông thôn mới. 
 
Số liệu tính đến cuối năm 2019, sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Lâm Đồng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 5,19% xuống còn 2,85%. Từ trên 15.900 hộ nghèo, đến thời điểm này tỉnh chỉ còn hơn 9.000 hộ; trong đó, có trên 6.000 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số. Lâm Đồng cũng đặt ra mục tiêu, đến hết năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,9%; trong đó, tỷ lệ nghèo người đồng bào dân tộc thiểu số là 4,8%.
 
Gần thôi, ở một xóm nhỏ nào đó, nơi một miền quê xa xôi nào đó vẫn còn có những đứa trẻ thèm khát một giấc mơ “Lân, Rồng”. 
 
TUẤN LINH