Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

05:09, 14/09/2020

Sau 5 năm thực hiện Đề án "Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số", trẻ mầm non và học sinh tiểu học dân tộc thiểu số (DTTS) tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp, có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt. Qua đó, chất lượng học tập của học sinh DTTS cấp tiểu học ngày càng chuyển biến tích cực, tỷ lệ hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học ngày càng nâng lên.

Sau 5 năm thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số”, trẻ mầm non và học sinh tiểu học dân tộc thiểu số (DTTS) tại các trường học trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp, có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt. Qua đó, chất lượng học tập của học sinh DTTS cấp tiểu học ngày càng chuyển biến tích cực, tỷ lệ hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học ngày càng nâng lên.
 
 Sở GDĐT tổ chức Giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”, tạo sân chơi tăng cường vốn tiếng Việt và khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt cho học sinh DTTS
Sở GDĐT tổ chức Giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”, tạo sân chơi tăng cường vốn tiếng Việt và khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt cho học sinh DTTS
 
Lâm Đồng hiện có 246 trường tiểu học, 16 trường phổ thông công lập và 1 trường phổ thông tư thục có lớp tiểu học, tỉ lệ học sinh DTTS chiếm 28,57%. Để tổ chức dạy học nói chung và tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS nói riêng, ngành Giáo dục Lâm Đồng đã huy động các nguồn lực, kết hợp các chương trình, dự án kiên cố hóa trường học. Các cơ sở giáo dục tiểu học đã từng bước đầu tư xây dựng mới và cải tạo nâng cấp các phòng học, phòng chức năng, quy hoạch khuôn viên trường lớp xanh - sạch - đẹp, thân thiện, đảm bảo cho trẻ học tập; mua sắm, bổ sung học liệu, trang thiết bị dạy học, tranh ảnh, đồ dùng, đồ chơi cho học sinh.
 
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), nhằm thực hiện hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS, tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương, giáo dục tiểu học đã sử dụng linh hoạt nhiều giải pháp. 
 
Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bậc cha mẹ, học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS. Đặc biệt là vận động các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con em đến trường học tăng cường tiếng Việt hè. Qua đó, nâng cao nhận thức về tiếng Việt cho cha mẹ trẻ em là người DTTS, cộng đồng vùng đồng bào DTTS để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng. Đồng thời, vận động các gia đình người DTTS tạo điều kiện cho con em đến trường học 2 buổi/ngày, bán trú, để duy trì sĩ số, chống bỏ học giữa chừng. Các trường tiểu học tận dụng tối đa các tiết học tăng thêm, nhất là các môn Tiếng Việt, Toán để tăng cường các kỹ năng hát, múa, đọc, viết, tính toán và tăng cường vốn tiếng Việt cho trẻ; tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao thông qua các câu lạc bộ, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường, nhằm tạo môi trường giao tiếp, bồi dưỡng tiếng Việt cho phụ huynh DTTS để tăng cường tiếng Việt cho trẻ tại gia đình.
 
Sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS Trường Tiểu học Đăng Srõn (xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng). Ảnh: Hồng Thắm
Sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS Trường Tiểu học Đăng Srõn (xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng). Ảnh: Hồng Thắm
Một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt bằng cách nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học các trường có học sinh DTTS, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ cho học sinh tiểu học người DTTS; xây dựng và thực hiện một số chính sách đối với đội ngũ tham gia tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng DTTS; tăng cường công tác xã hội hóa… Tổ chức bồi dưỡng về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về các hoạt động vui chơi của trẻ phù hợp với đặc điểm tâm lý trẻ DTTS, văn hóa dân tộc... Đổi mới phương pháp dạy học đối với trẻ DTTS, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên vận dụng phương pháp đổi mới trong dạy học và quản lý phù hợp với đặc thù trẻ DTTS. 
 
Bên cạnh các giải pháp trên thì ngành Giáo dục luôn chú trọng đến xây dựng và đảm bảo duy trì môi trường tiếng Việt trong các trường tiểu học có học sinh DTTS, tạo không gian môi trường tiếng Việt trong lớp học như tranh ảnh, đồ chơi, vật liệu… giúp học sinh luôn thuộc từ vựng tiếng Việt khi nhìn vào góc tiếng Việt. Đồng thời có sự bổ sung, thay đổi theo thời gian, chủ đề của chương trình giảng dạy; xây dựng thư viện thân thiện như: thư viện trong lớp, ngoài trời (thư viện xanh), câu lạc bộ học sinh nói, viết tiếng Việt, góc ngôn ngữ tiếng Việt, giao lưu tiếng Việt giữa các lớp, các khối, các trường theo chủ đề “Tiếng Việt của chúng em”. Cùng với đó là thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giao tiếp thực hành tiếng Việt trong các hoạt động ở trường, ở nhà và cộng đồng; tăng cường dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS thông qua từng tiết dạy, môn học, đảm bảo học sinh DTTS cuối năm đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng môn tiếng Việt, tự tin trong học tập, giao tiếp bằng tiếng Việt.
 
Qua quá trình thực hiện, tăng cường tiếng Việt đã đem lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh DTTS. Không còn tình trạng học sinh quên con chữ khi lên lớp 2, học sinh mạnh dạn, chữ viết đều nét, kĩ năng nói tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp đã được cải thiện, học sinh không còn rụt rè như trước. Đặc biệt, trẻ mầm non 5 - 6 tuổi được trau dồi ngôn ngữ nói tiếng Việt và chuyển dần từ hoạt động chơi của trẻ 5 tuổi sang làm quen hoạt động học, làm quen với trường lớp. Do đó, hàng năm sau ngày khai giảng, 100% trẻ em DTTS 6 tuổi được vận động ra học lớp 1 và sẵn sàng cho việc học. Năm học 2019-2020 vừa qua, tỉ lệ duy trì sĩ số cấp tiểu học đạt 99,9%, học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học tỉ lệ 99%, số phòng học văn hóa tỉ lệ bình quân đạt 0,97 phòng/lớp, tỉ lệ giáo viên bình quân đạt 1,5 giáo viên/lớp. Năm 2019, tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn phổ cập GDTH mức độ 3 - mức cao nhất. Đến tháng 7/2020, Lâm Đồng có 213/246 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 86,58%.
 
VIỆT HÙNG