Tình thầy trò tươi xanh trên mảnh đất sình lầy

05:09, 23/09/2020

Đạt chuẩn quốc gia mức độ I có lẽ là điều không khó ở nhiều ngôi trường khác, nhưng đối với Trường Tiểu học và THCS R'Teing (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà) là cả quá trình dài nỗ lực.

Đạt chuẩn quốc gia mức độ I có lẽ là điều không khó ở nhiều ngôi trường khác, nhưng đối với Trường Tiểu học và THCS R’Teing (xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà) là cả quá trình dài nỗ lực.
 
Vượt qua nhiều khó khăn, Trường Tiểu học và THCS R’Teing đã đạt chuẩn quốc gia mức độ I
Vượt qua nhiều khó khăn, Trường Tiểu học và THCS R’Teing đã đạt chuẩn quốc gia mức độ I
 
Trường Tiểu học và THCS R’Teing chính thức được thành lập năm 2011 trên cơ sở sáp nhập từ Trường Tiểu học K’Ten và phân trường THCS Phú Sơn trước đó. Học sinh của trường chủ yếu sống ở hai thôn Pretieng I và II. Bà con nơi đây đa phần đều sống với nghề trồng cà phê. Trong đó Pretieng II, nơi trường được xây dựng là địa bàn đặc biệt khó khăn. Trên 33% học sinh của trường là đồng bào DTTS. 
 
Hai thôn Pretieng nằm trên địa hình lòng chảo, xung quanh bao bọc bởi núi nên gần như tách biệt với trung tâm xã Phú Sơn. Con đường dài hơn 6 km nối trung tâm xã vào thôn nhiều năm trước là nỗi ám ảnh của thầy cô giáo mỗi mùa mưa đến. Khi đó, thầy cô giáo từ ngoài xã vào trường thường chọn đi vòng qua các rẫy cà phê trên đất xã Đạ Đờn. Dù quãng đường ấy dài hơn tận 20 km nhưng vẫn dễ dàng di chuyển hơn so với lội bùn lầy. Đầu năm 2020, con đường được nâng cấp. Nền đất yếu nên đường bị sạt lở thường xuyên, song đối với các thầy cô giáo Trường Tiểu học và THCS R’Teing “vậy là tốt lắm rồi”. 
 
Nhiều năm qua, trong số các thầy cô giáo đến với ngôi trường này có không ít người đã rời đi bởi những hoàn cảnh, những giấc mơ khác nhau. Nhưng cũng trong những năm ấy có những con người đã kiên trì gắn bó với mảnh đất này. Đó là thầy Rơ Ông Ha Son, cô Triệu Mỹ Linh, thầy Nguyễn Đình Việt... Họ gắn bó với ngôi trường vùng khó này hai mươi năm có lẻ. Thầy Nguyễn Thái Dương - Phó Hiệu trưởng nhà trường bảo rằng: “Ngày trước, mùa mưa, thầy và trò đều lội bì bõm giữa nước và sình. Giờ đây, trên mảnh đất ấy, mọi thứ đã khang trang. 8 năm qua, cơ sở vật chất của Trường Tiểu học và THCS R’Teing đã dần được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được các điều kiện tối thiểu cho hoạt động dạy - học”. Hiện nhà trường có 12 phòng học, 1 phòng tin học, phòng nghe nhìn, 2 phòng bộ mộ và khối hành chính. Nhà trường cũng đã quy hoạch các khu sân chơi, bãi tập, khu để xe, khu vệ sinh và hệ thống thoát nước tương đối phù hợp với thực tế khuôn viên nhà trường và quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nhưng trong các năm qua, nhà trường đã tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học. Với các thầy cô ở ngôi trường này, mọi khó khăn đều có thể cố gắng vượt qua được. Nhưng điều họ trăn trở nhất chính ở tình trạng học sinh bỏ học. Năm học nào, thầy cô giáo chủ nhiệm và Ban Giám hiệu nhà trường cũng đều phải thường xuyên đi vận động học sinh quay trở lại lớp. Thầy Đặng Văn Bằng - Chủ tịch Công đoàn nhà trường kể rằng, mỗi lần đi vận động các em đều phát sinh những tình huống dở khóc, dở cười. Đa phần khi thầy cô đến là lúc phụ huynh đều đi vắng còn các em bỏ trốn không chịu gặp thầy cô. Thậm chí có phụ huynh còn nói thẳng rằng muốn con em họ ở nhà lên rẫy, không muốn cho các cháu tới trường vì gia đình khó khăn... Ngoài vận động, thuyết phục nhiều lần, khi các em chịu ra lớp, thầy cô còn phải khéo léo trong cách dạy học, tạo hứng thú để các em thêm yêu thích đến trường. Từng là giáo viên một trường tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh, cô Trương Thị Thu Hồng theo chồng về sinh sống ở Pretieng và làm giáo viên dạy lớp 1. Trải nghiệm ở hai môi trường giáo dục hoàn toàn khác biệt, song với cô giáo này “Dù ở đâu thì trẻ em cũng cần được yêu thương. Và với những trẻ em ở mảnh đất nghèo khó này tình yêu càng phải thật nhiều hơn nữa. Đó cũng là lý do mà các thầy cô giáo ở đây, nhất là thầy cô giáo lớp 1 phải học tiếng nói của các em, thường xuyên chuyện trò, thăm hỏi. Thậm chí nhiều buổi tan học lúc trời mưa thầy cô còn chở các em về nhà”. Và cũng bởi vấn đề các em nghỉ học nên những thầy cô giáo ở R’Teing vẫn trăn trở về hệ thống sân chơi, bãi tập. Thầy Nguyễn Thái Dương bảo rằng “trẻ con vùng này chủ yếu tự sáng tạo các trò chơi với nhau. Bởi vậy nếu nhà trường có sân chơi, bãi tập, sẽ góp phần thu hút các em hơn. Để học sinh thêm háo hức đến trường”. 
 
Năm học này, chỉ có 6 em ở cả hai cấp chưa ra lớp. Thầy cô vẫn tiếp tục kiên trì thuyết phục. Hành trình của họ có già làng, có trưởng thôn và có cả những người nhận ra giá trị của con chữ. Những thầy cô gắn bó với ngôi trường này đều bảo rằng “So với những trường khác, Trường Tiểu học và THCS R’Teing chưa phát triển mạnh. Nhưng so với chính ngôi trường này của những năm về trước đó là sự đổi thay quá nhiều. Bởi vậy, mà ngày 9/7/2019 khi trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia giai đoạn I, các thầy cô giáo hạnh phúc như vỡ òa”. 
 
Trong những năm qua, Trường Tiểu học và THCS R’Teing đã được Hội đồng Thi đua, khen thưởng huyện Lâm Hà công nhận là Tập thể Lao động tiên tiến. Công đoàn được công nhận là Công đoàn cơ sở vững mạnh. Liên đội được công nhận Liên đội mạnh cấp tỉnh. Chi bộ liên tục đạt trong sạch vững mạnh. Trường R’Teing rồi sẽ vững mạnh như những cây xanh đang tốt tươi trên mảnh đất sình lầy.
 
HOÀNG MY