Đổi mới, sáng tạo trong xây dựng ''Khu dân cư tiêu biểu'', ''Khu dân cư kiểu mẫu'' (kỳ 2)

06:11, 30/11/2020

Qua thực tế, có những địa phương phát huy lợi thế để thực hiện tốt, nhưng cũng có địa phương vẫn đang loay hoay tìm hướng xây dựng để đạt được các tiêu chí trở thành "Khu dân cư tiêu biểu", "Khu dân cư kiểu mẫu". 

[links()]

Đường vào bản Brun, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên nay đã khang trang, sạch đẹp nhờ bà con đoàn kết xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu”
Đường vào bản Brun, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên nay đã khang trang, sạch đẹp nhờ bà con đoàn kết xây dựng “Khu dân cư kiểu mẫu”
 
Qua thực tế, có những địa phương phát huy lợi thế để thực hiện tốt, nhưng cũng có địa phương vẫn đang loay hoay tìm hướng xây dựng để đạt được các tiêu chí trở thành “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu”. 
 
Nhìn chung các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong tỉnh đoàn kết, đồng thuận với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp phát động, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng mô hình “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu” (KDCTB, KDCKM), góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
 
Về với bản Brun trong không khí đón chào Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra vào ngày 18/11/2020, chúng tôi được Ban Công tác Mặt trận bản Brun, xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên thông tin: Nhằm phát huy vai trò của mặt trận các cấp huy động nguồn lực, tinh thần sáng tạo của mỗi người dân, mỗi cộng đồng dân cư, tiếp tục tham gia thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu. Bản Brun có 25 hộ/77 khẩu, là người dân tộc thiểu số (Châu Mạ, tham gia sinh hoạt đạo Tin lành), chủ yếu trồng lúa nước làm nương rẫy, tham gia bảo vệ rừng, chăn nuôi gia súc. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 48,2 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 68 triệu đồng/ha; lương thực bình quân đầu người trên năm là 893 kg; không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, giữ vững danh hiệu thôn văn hóa 7 năm liền, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Chi bộ, Ban Nhân dân thôn, Ban Công tác Mặt trận bản Brun triển khai tuyên truyền, vận động Nhân dân xây dựng mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu” gắn với xây dựng cộng đồng tự quản về giữ gìn, chăm sóc, bảo vệ cảnh quan, môi trường. Bên cạnh đó, 100% hộ dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, gìn giữ hạnh phúc; vận động 13/13 hộ gia đình có trẻ em trong độ tuổi đi học cam kết không để trẻ em bỏ học do điều kiện khó khăn; vận động 100% người dân mua bảo hiểm y tế. Số hộ được công nhận “Gia đình văn hóa, Gia đình an toàn” là 24/24 hộ. Chi đoàn thanh niên, Chi hội phụ nữ vận động đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia mô hình bảo vệ môi trường, thường xuyên phát động thu gom rác thải nhựa sử dụng một lần trong sinh hoạt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng về các điểm tập trung, xây dựng mô hình “Gia đình 5 không, 3 sạch”. Chi hội phụ nữ tổ chức cho 22 hội viên đăng ký thực hiện sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ, vận động Nhân dân đóng góp 17 triệu đồng lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng năng lượng mặt trời dài 0,4 km đường trục chính. Từ nguồn đầu tư hỗ trợ và xã hội hóa 13,5 triệu đồng của MTTQ xã và Hội Nông dân xã, đã huy động 165 ngày công lao động trồng, chăm sóc 400 m đường hoa, cây cảnh của khu dân cư, mỗi người dân đều chung tay tham gia xây dựng giữ gìn cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn.
 
Đặc biệt, Trưởng ban Công tác Mặt trận, già làng vận động được 24/24 hộ gia đình thực hiện quy ước của khu dân cư, thực hiện nghĩa vụ của công dân theo quy định. Qua đó, 24/24 hộ gia đình hoàn thành nghĩa vụ công dân, tham gia nhận khoán bảo vệ, phối hợp với Tổ liên hộ tự quản về an ninh trật tự vận động Nhân dân đóng góp 2,5 triệu đồng lắp đặt hệ thống camera an ninh.
 
Còn tại xã Bình Thạnh là một địa phương đặc thù toàn tòng Công giáo, trên địa bàn xã có 3 nhà thờ đang chính thức hoạt động, Ủy ban MTTQVN xã xác định vai trò của các chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động các giáo dân và Nhân dân tham gia xây dựng mô hình “KDCTB”, “KDCKM” là hết sức quan trọng. Toàn xã hiện có 4 thôn, tổng số hộ dân là 1.957 hộ với 7.231 nhân khẩu; Nhân dân trên địa bàn xã chủ yếu làm nông nghiệp như: trồng cà phê, trồng dâu nuôi tằm, chăn nuôi heo, gà theo mô hình trang trại, gia trại. Những năm qua, tình hình kinh tế của xã luôn có bước tăng trưởng khá, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,66%, thu nhập bình quân đầu người 71 triệu đồng/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp kinh phí cũng như ngày công để đầu tư đồng bộ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi. 
 
MTTQ xã tổ chức quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Mặt trận cấp trên và tranh thủ phối hợp các vị linh mục và Ban điều hành Giáo họ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giáo dân trên địa bàn xã hưởng ứng phong trào “Tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” do MTTQVN tỉnh phát động. Cụ thể, như mô hình “Tiếng kẻng an ninh”, qua 6 năm triển khai, tình hình trộm cắp vặt và tệ nạn xã hội trên địa bàn xã đã giảm đáng kể, tình hình an ninh trật tự được ổn định, Nhân dân đồng thuận hưởng ứng. Mô hình vận động Nhân dân sản xuất theo chương trình nông nghiệp công nghệ cao ở thôn Thanh Bình 1 và thôn Kim Phát đã xây dựng được 3,87 ha nhà kính và tưới tự động. Hiện nay, trên diện tích nhà lưới, nhà kính đang trồng các loại rau có giá trị kinh tế cao như: ớt ngọt, ớt sừng, xà lách trị giá thu nhập bình quân 400-500 triệu đồng/ha/năm. 
 
Mô hình “Tiết kiệm trong việc cưới, việc tang” và thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, lễ hội như tuyên truyền người dân hạn chế vòng hoa, lẵng hoa thay vào đó khi có người qua đời mỗi nhân khẩu từ 15 tuổi trở lên đóng góp 3.000 đồng đến 5.000 đồng để giúp gia đình có tang, mô hình này đã duy trì từ nhiều năm nay. Ngoài ra còn có mô hình ghép, cải tạo cà phê do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã phối hợp với cán bộ khuyến nông của xã vận động người dân ghép, cải tạo được 400 ha cà phê giống cũ năng suất thấp sang giống cao sản cho năng suất cao từ 4,5-5 tấn/ha rất hiệu quả. 
 
Mô hình “Giáo họ sáng - xanh - sạch - đẹp” bước đầu triển khai xây dựng đã được bà con giáo dân tích cực hưởng ứng; đặc biệt là phát huy vai trò nòng cốt của Ban điều hành Giáo họ, giáo dân đã nêu cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh gia đình và khu dân cư. Ngoài ra, các linh mục và Giáo họ đã vận động giáo dân tích cực trồng hoa, chăm sóc cây xanh trên tuyến đường, dọn dẹp vệ sinh nhân các ngày lễ lớn của Giáo xứ và Giáo họ. Mô hình “Thắp sáng đường quê” đến nay có trên 90% các tuyến đường được các hộ gia đình tự nguyện đóng góp kính phí lắp điện thắp sáng tại tuyến đường và vận động Nhân dân xây dựng được gần 500 trụ cờ để phục vụ cho các ngày lễ, tết trong năm. 
 
Về thăm và tìm hiểu tình hình thực tế khó khăn tại cơ sở khi triển khai xây dựng mô hình KDCTB, KDCKM, phóng viên được Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Bon Đưng II, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương chia sẻ rất chân thành: Đa số bà con nhân dân tổ dân phố Bon Đưng II là đồng bào dân tộc thiểu số, dân trí không đồng đều nên việc tuyên truyền, vận động Nhân dân để thực hiện các phong trào ở khu dân cư còn nhiều bất cập. Một số hộ còn mang tính trông chờ, ỷ lại Nhà nước hỗ trợ nên công tác thoát nghèo gặp nhiều khó khăn. Sản xuất nông nghiệp có phát triển nhưng chưa đạt yêu cầu; do người dân chưa có ý thức chủ động tham gia sản xuất theo hướng tập thể và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.Việc xây dựng cảnh quan môi trường “sáng - xanh - sạch - đẹp” tuy có bước cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu. Một số ít người dân chưa thay đổi tập quán trong sản xuất và đời sống, còn vứt rác sinh hoạt - sản xuất không đúng nơi quy định. Công tác xây dựng đời sống văn hóa “xây dựng tình làng, nghĩa xóm” còn hạn chế do tác động mặt trái của kinh tế thị trường, sự du nhập các văn hóa phẩm không lành mạnh đã tác động đến việc thay đổi nhân cách của một số ít người dân. Mặt khác, tổ dân phố có thành lập Ban vận động triển khai xây dựng mô hình; tuy có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, nhưng công tác phối hợp tuyên truyền chưa chặt chẽ, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm. Một số hộ dân chưa chấp hành triệt để quy ước của tổ dân phố, một số hộ dân chưa gương mẫu, vẫn còn uống rượu nhiều, bạo lực gia đình, không cố gắng vươn lên trong cuộc sống; một số hộ dân chưa chấp hành tốt việc đóng quỹ, nộp phí vệ sinh môi trường, không treo cờ vào những ngày lễ, dịp tết...Đồng thời, tỷ lệ tham gia hội họp của Nhân dân còn hạn chế và thiếu các mô hình vui chơi giải trí để thu hút thanh, thiếu niên và các tầng lớp nhân dân.
 
Việc xây dựng mô hình “KDCTB”, “KDCKM” đúc kết từ cả một quá trình triển khai, tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chủ động, quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với cách làm phù hợp, thiết thực, hiệu quả: chọn nội dung thực hiện trọng tâm, trọng điểm từng năm; tập trung đầu tư cho cơ sở, khu dân cư; lấy khu dân cư là địa bàn trung tâm để tác chiến, hành động.
 
NGUYỆT THU