Đơn Dương: Hiệu quả từ nguồn vốn Chương trình 135

06:11, 02/11/2020

Cuối năm 2019, 13/14 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đơn Dương đã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nguồn vốn từ chương trình đã phát huy hiệu quả trong hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân.

Cuối năm 2019, 13/14 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn huyện Đơn Dương đã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nguồn vốn từ chương trình đã phát huy hiệu quả trong hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cho người dân.
 
ĐBDTTS huyện Đơn Dương đã chuyển đổi nhiều diện tích cà phê năng suất thấp sang trồng các loại rau màu
ĐBDTTS huyện Đơn Dương đã chuyển đổi nhiều diện tích cà phê năng suất thấp sang trồng các loại rau màu
 
Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng
 
Nếu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Đơn Dương là 6,32%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) chiếm tỷ lệ 12,73%, thì năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện  là 0,99%, trong đó ĐBDTTS chiếm tỷ lệ 1,85%.
 
Toàn huyện có 35 thôn ĐBDTTS sinh sống, gồm 3 dân tộc tại chỗ là Chu Ru, K’Ho, Cill. Ngoài ra còn có các DTTS từ các tỉnh khác trong cả nước về sinh sống, lập nghiệp như T’Ring, Ê Đê, Ba Na, Rắc lây, Tày, Nùng, Hoa... Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Đơn Dương có 14 thôn ĐBKK thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Hàng năm, sau khi có quyết định phân bổ vốn của UBND tỉnh và các hướng dẫn của những sở, ban ngành liên quan, các xã lựa chọn công trình, sau đó UBND huyện ra quyết định phê duyệt đầu tư. Hầu hết các hạng mục công trình, dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia đều có sự tham gia góp ý kiến, đóng góp của Nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn và dân kiểm tra”.
 
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn huyện Đơn Dương là 17 tỷ 148 triệu đồng (năm 2020 vốn giao 2.373 triệu đồng). Các hạng mục công trình dự án đều hoàn thành và giải ngân 100% vốn kế hoạch giao hàng năm. Trong đó, tiểu dự án Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng có tổng vốn thực hiện 15 tỷ 46 triệu đồng. Cụ thể, đầu tư 14 tỷ 317 triệu đồng/ 58 công trình đường giao thông (năm 2020 dự kiến xây dựng 13 công trình đường giao thông); 729 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp 4 công trình đường giao thông, với tổng chiều dài đường giao thông nông thôn được bê tông hóa trên 21,5 km.
 
Ông Ka Sung - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đơn Dương cho biết, các hạng mục công trình được đầu tư thuộc Chương trình 135 đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong các khâu quy hoạch, lựa chọn các công trình, giám sát công trình đảm bảo dân chủ, công khai rộng rãi tới Nhân dân. Các hạng mục cơ bản được đảm bảo quy mô thiết kế chất lượng, phát huy tác dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân.
 
Theo đánh giá của UBND huyện Đơn Dương, chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2020 nói chung và Chương trình 135 nói riêng đã đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa đã thay đổi với nhiều khởi sắc mới. Hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đến nay, tình trạng nhà tạm bợ, dột nát đã được giải quyết; nhu cầu điện, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường nông thôn được cải thiện đáng kể. Mặt bằng dân trí từng bước được nâng cao, hệ thống trường lớp ở vùng sâu, vùng xa đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của học sinh.
 
Nâng cao thu nhập cho người dân
 
Đối với Tiểu dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, giai đoạn 2016 - 2019, huyện Đơn Dương được bố trí tổng kinh phí là 2 tỷ 422 triệu đồng, đầu tư hỗ trợ trên 50 tấn phân bón các loại, gần 40 máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất và 20 con bò sinh sản. Tổng số hộ đươc thụ hưởng và tham gia các mô hình sản xuất là 265 hộ. Quá trình thực hiện dự án đã được lồng ghép một số chương trình, chính sách trên địa bàn như chương trình khuyến nông, khuyến lâm, trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, vay vốn,...
 
Đến nay,100% thôn thuộc diện hỗ trợ của Chương trình 135 đã được tiếp cận với giống cây trồng, vật nuôi mới, trên 60% hộ nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức kinh nghiệm sản xuất. Từ đó, nhận thức và tập quán sản xuất của đồng bào có nhiều chuyển biến rõ nét, năng lực sản xuất được nâng cao.
 
Đến nay, huyện Đơn Dương chỉ còn thôn Kăn Kil thuộc thị trấn D’ran tiếp tục thực hiện Chương trình 135. Cùng với sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân trong thôn, bộ mặt vùng ĐBDTTS nơi đây cũng đã có sự chuyển biến đáng kể, nhất là sự thay đổi trong tư duy làm ăn của bà con. Đường sá, nhà cửa được xây dựng khang trang. Người dân dần mở rộng diện tích trồng các loại rau thương phẩm, mang lại thu nhập ổn định. Chị Ma Hà (thôn Kăn Kil) có 2 sào đất trồng đậu leo, bắp cải, mỗi năm trồng được 3 vụ. Chị chia sẻ, nhờ được Nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn chuyển đổi diện tích cây cà phê năng suất thấp sang trồng các loại rau mà những năm gần đây, gia đình chị có thu nhập đều đặn hơn. Nhà chị có 3 đứa con thì cả 3 đứa đều được đi học. Con đường đến trường được đổ bê tông khang trang, nhờ vậy mà đã bớt nhọc nhằn hơn mỗi mùa mưa bão.
 
UBND huyện Đơn Dương đã phân bổ cho thôn Kăn Kil 169,5 triệu đồng để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, 48 triệu đồng hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trong năm 2020. Hiện, UBND thị trấn D’Ran đang triển khai thực hiện. Theo ông Đinh Văn Hoàng - Chủ tịch UBND thị trấn D’Ran: Nhờ những sự hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình 135 mà người dân mạnh dạn đầu tư phân bón, chủ động nguồn nước tưới, chuyển đổi sang giống mới có năng suất cao hơn, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích của người dân. Sự chuyển biến tư duy và chủ động phát triển kinh tế đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của người ĐBDTTS tại địa phương ngày càng được cải thiện.
 
Năm 2020 là năm cuối của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020. Theo Trưởng phòng Dân tộc huyện Đơn Dương Ka Sung, Chương trình 135 đã có sự tác động tích cực đối với vùng ĐBDTTS. Mặc dù vậy, do nguồn vốn cấp về còn thấp nên một số công trình cần huy động thêm nguồn vốn trong Nhân dân. Công tác huy động nguồn lực còn gặp nhiều hạn chế do đa số các thôn ĐBKK đời sống Nhân dân còn khó khăn. Tuy nhiên, Ban vận động của các thôn đã tuyên truyền và chỉ rõ những lợi ích trong đầu tư công trình, từ đó, nhiều hộ dân đã đồng thuận đóng góp, thêm tiền, góp ngày công, hiến đất để xây dựng, hoàn thành các công trình.
 
VIỆT QUỲNH