10 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

06:01, 04/01/2021

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những "mắt xích" quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương...

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) là một trong những “mắt xích” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Xác định được tầm quan trọng đó, những năm qua, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, mở rộng thêm nhiều ngành nghề đào tạo để từ đó góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhiều lao động địa phương.
 
Đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích cao trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
 
Các lớp học nghề phù hợp với thực tiễn tại địa phương
 
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm qua, thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã 3 lần ban hành, sửa đổi Đề án để thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT phát huy hiệu quả, Ban Chỉ đạo Đề án của các huyện đã tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của đông đảo người lao động trên địa bàn, dự báo tình hình việc làm và thu nhập của học viên sau khi học nghề, từ đó mở các lớp đào tạo nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương và nhu cầu của người học. Cùng với đó, công tác đào tạo nghề kết hợp với tư vấn giới thiệu việc làm được thực hiện thường xuyên; tỷ lệ người lao động có việc làm sau khi học nghề chiếm tỷ lệ khá cao...
 
Đơn Dương là huyện được tỉnh chọn để triển khai 1 mô hình dạy nghề nông nghiệp, 1 mô hình dạy nghề phi nông nghiệp và 1 mô hình dạy nghề cho bà con dân tộc thiểu số. Trung tâm Dạy nghề Đơn Dương đã tổ chức 76 lớp với 1.955 học viên, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 55% người học, với ngành nghề đào tạo gồm: Trồng trọt, chăn nuôi - thú y, sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, móc len... Lao động sau khi học nghề trồng trọt đã được các công ty trên địa bàn tuyển dụng; số còn lại học nghề nông nghiệp đều áp dụng được kỹ năng, kiến thức vào sản xuất tại gia đình, trong đó, nhiều người đã tăng thu nhập từ 2-4 lần trên cùng diện tích đất canh tác, nhờ áp dụng kỹ thuật sản xuất mới, phát triển chăn nuôi bò sữa tăng lên.
 
Xã nông thôn mới Tân Hội (huyện Đức Trọng) đã mở 4 lớp dạy nghề cho 145 người. Các lớp này đã giúp nhiều nông dân hình thành các mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao, góp phần giảm thời gian nông nhàn cho lao động nữ.
 
Tương tự, mở nhiều lớp dạy nghề tại các huyện khác như trồng, chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, VietGAP tại huyện Lâm Hà, Di Linh; nuôi cá, kỹ thuật trồng rừng, nghề thợ xây để cung cấp cho các công ty xây dựng trên địa bàn huyện Đam Rông, Bảo Lâm; liên kết với các cơ sở sản xuất tranh thêu tay để dạy nghề - nhận hàng gia công tại nhà ở các địa phương như Bảo Lộc, Bảo Lâm; đan mây tre tại các huyện phía Nam; chăm sóc cà phê cho bà con dân tộc thiểu số các xã nghèo huyện Lạc Dương; dệt, móc len tại Lâm Hà, Bảo Lộc, Di Linh, Lạc Dương; nhóm nghề du lịch dịch vụ, sấy hồng khô theo công nghệ Nhật Bản tại Đà Lạt... có hiệu quả cao. Trong các mô hình trên, vai trò của doanh nghiệp trong sử dụng lao động, thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm và gắn với các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất của địa phương là những yếu tố góp phần quyết định hiệu quả dạy nghề. Kết quả tăng thu nhập sau học nghề tại nhiều lớp nghề là nguyên nhân chính góp phần thu hút đông đảo người học nghề.
 
86,2% lao động có việc làm sau đào tạo nghề
 
Có thể thấy rằng, sau 10 năm triển khai đề án, đã huy động được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trung tâm nông nghiệp, trung tâm hướng nghiệp tham gia dạy nghề cho LĐNT. Việc không phân biệt cơ sở dạy nghề trong hoặc ngoài công lập thuộc ngành Lao động -Thương binh và Xã hội tham gia vào đề án đã tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh trong dạy nghề, phù hợp với chủ trương xã hội hóa.
 
Sau 10 năm, đến nay tất cả các xã của 12 huyện, thành phố đều tổ chức được lớp học nghề hoặc lao động trên địa bàn xã tham gia học nghề. Đây là kết quả phối hợp của sở, ngành, đoàn thể, đặc biệt là vai trò tích cực trong triển khai chính sách, tư vấn chọn nghề, vận động của chính quyền, đoàn thể các xã, các huyện, đã góp phần tích cực nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông thôn, nông nghiệp, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế; nâng tỷ lệ qua đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
 
Dạy nghề tại các xã nghèo, thôn nghèo, dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo được ưu tiên, với trên 50% người học thuộc địa bàn có đối tượng này. Các đối tượng ưu tiên của đề án được hưởng lợi chính sách với gần 50% được hỗ trợ học nghề.
 
Dạy nghề tiếp tục gắn với nhu cầu của nông dân và các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh, của huyện, góp phần tích cực trong giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, thay thế tập quán sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm, truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng sâu, vùng xa. Những người học các nhóm nghề nông nghiệp đều áp dụng được kiến thức, kỹ năng được học để giảm chi phí vật tư, phân bón, nước tưới, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm nông nghiệp, mạnh dạn tăng diện tích đất nông nghiệp có mái che, sản xuất cây trồng, vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế... Các ngành nghề phi nông nghiệp, nghề phục vụ nông nghiệp, nông thôn đã góp phần nâng cao năng suất lao động, bảo đảm việc làm cho hàng trăm thanh niên ở huyện Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông... Các chị em khuyết tật ở nhiều huyện, thành phố như Đà Lạt, Bảo Lộc, Lạc Dương… sau khi học nghề tiểu thủ công nghiệp góp phần giải quyết thời gian nông nhàn, tăng thu nhập cho LĐNT; một số hợp tác xã, tổ sản xuất liên kết sản xuất hàng hóa ở các vùng khó khăn của huyện Lạc Dương, Di Linh, Cát Tiên, Bảo Lộc đã được thành lập.
 
Trong giai đoạn 2021 - 2025 và mục tiêu đến năm 2030, tỉnh đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể như: Tỷ lệ qua đào tạo trong các ngành, lĩnh vực đạt 85%; trong đó, tỷ lệ lao động có trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đạt khoảng 72%; 90% lao động được đào tạo nghề có việc làm; 80% lao động trong ngành du lịch được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, chuyên môn, nghiệp vụ đạt trình độ sơ cấp trở lên. Mỗi năm đào tạo nghề cho 36 ngàn lao động; trong đó, 60% số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành nông, lâm nghiệp; lao động nghề phi nông nghiệp được đào tạo trình độ sơ cấp đạt 30%. Trong đó, hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng cho 5.000 người/năm từ các chương trình, dự án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn...
 
10 năm qua, số LĐNT được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 43.651 người; trong đó, lao động nữ chiếm 54,4%, đối tượng ưu tiên hỗ trợ học nghề chiếm 46,75%. Cụ thể: Lao động nghề nông nghiệp: 28.432 người, chiếm 65,1%; đào tạo nghề phi nông nghiệp: 15.291 người, chiếm 34,9%. Tổng số người có việc làm sau đào tạo nghề: 37.618 người, chiếm 86,2%. Trong đó, có 1.172 người được doanh nghiệp tuyển dụng; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm là 7.568 người; thành lập hợp tác xã, tổ sản xuất là 316 người và tự giải quyết việc làm: 25.941 người.
 
Chính sách của đề án đã hỗ trợ đào tạo nghề cho 46,8% đối tượng ưu tiên. Đặc biệt, giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ cho 62% đối tượng ưu tiên học nghề. Số lao động sau học nghề có việc làm chiếm 86,2%; trong đó, nông nghiệp đạt 89,2%, phi nông nghiệp đạt 80,6%.
 
NHẬT MINH