5 năm thực hiện đề án xã hội hóa y tế

06:01, 22/01/2021

Thực hiện các nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh về xã hội hóa y tế, trong 5 năm qua, ngành Y tế đã huy động được các nguồn lực trong xã hội tham gia công tác xã hội hóa y tế...

Thực hiện các nghị quyết của HĐND, UBND tỉnh về xã hội hóa y tế, trong 5 năm qua, ngành Y tế đã huy động được các nguồn lực trong xã hội tham gia công tác xã hội hóa y tế. Qua đó, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận các kỹ thuật cao; hạn chế chuyển viện, giảm tải tuyến trên, giảm chi phí cho người bệnh và gia đình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của Nhân dân…
 
TTYT Di Linh mua máy siêu âm 4D phục vụ bệnh nhân từ nguồn XHH.
TTYT Di Linh mua máy siêu âm 4D phục vụ bệnh nhân từ nguồn XHH.
 
Theo Sở Y tế, việc thực hiện đề án xã hội hóa (XHH) y tế giai đoạn 2016-2020 căn cứ vào Nghị quyết số 29/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh, Quyết định số 2731/QĐ-UBND ngày 9/12/2016 của UBND tỉnh và Nghị quyết số 157/2019/NQ-HĐND ngày 7/12/2019 của HĐND tỉnh. Đặc biệt đặt trong bối cảnh hệ thống y tế công lập được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. 
 
Hiện hệ thống cơ sở khám chữa bệnh (KCB) công lập bao gồm: 6 bệnh viện đa khoa (BVĐK), chuyên khoa tuyến tỉnh;1 trung tâm kiểm soát bệnh tật (có Khu điều trị phong Di Linh và Phòng khám đa khoa thực hiện công tác KCB); 12 trung tâm y tế (TTYT) huyện, thành phố (10 bệnh viện tuyến huyện); 23 phòng khám đa khoa và nhà hộ sinh khu vực; 142 trạm y tế xã, phường, thị trấn (100% đạt chuẩn quốc gia về y tế). Công tác XHH trong KCB  bao gồm: Khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chính hoặc thứ Bảy, Chủ nhật; khám bệnh, phẫu thuật, thủ thuật theo yêu cầu; thành lập phòng, giường điều trị theo yêu cầu; xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng theo yêu cầu; vận chuyển người bệnh theo yêu cầu. Nguồn thu từ XHH đạt 271 tỷ đồng, trong đó: Khám bệnh, phẫu thuật, thủ thuật 126 tỷ đồng; phòng, giường điều trị 58 tỷ đồng; xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng 77 tỷ đồng; vận chuyển người bệnh 10 tỷ đồng.
 
Lĩnh vực y tế dự phòng đã triển khai XHH: Cung ứng và tiêm vắc xin dịch vụ; khám, quản lý sức khỏe người lao động; phun hóa chất diệt khuẩn, diệt côn trùng; khám sức khỏe, chăm sóc sức khỏe răng miệng cho học sinh. Nguồn thu XHH đạt 127 tỷ đồng, trong đó: Cung ứng và tiêm vắc xin dịch vụ 98 tỷ đồng; khám, quản lý sức khỏe người lao động 29 tỷ đồng.
 
Hoạt động liên doanh, liên kết lắp đặt máy móc thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh đã triển khai tại: BVĐK Lâm Đồng (máy tán sỏi ngoài cơ thể); TTYT Đơn Dương (hệ thống máy X quang số hóa); TTYT Đức Trọng (hệ thống máy X quang số hóa; hệ thống chụp cắt lớp vi tính); TTYT Di Linh (hệ thống máy X quang số hóa) với nguồn thu 21 tỷ đồng.
 
Một số hoạt động khác như: Nhà thuốc bán lẻ trong bệnh viện (BVĐK Lâm Đồng, BVĐK II Lâm Đồng, BV Nhi; hướng dẫn thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cho thuê trang thiết bị, dụng cụ chăm sóc người bệnh tại nhà (chủ yếu là bình oxy, máy tạo oxy); thu gom, xử lý chất thải y tế cho các phòng khám tư nhân (TTYT các huyện); hợp đồng mở các lớp đào tạo, cơ sở thực hành; hoạt động cho thuê căn tin, quầy thuốc, quầy bán hàng, bãi giữ xe, đặt trụ ATM.
 
Hệ thống y tế ngoài công lập hiện có 513 cơ sở hành nghề y tư nhân toàn tỉnh gồm: 1 bệnh viện đa khoa tư nhân (BV Hoàn Mỹ Đà Lạt 200 giường); 6 phòng khám đa khoa; 425 phòng khám chuyên khoa, cơ sở dịch vụ y tế, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; 81 Phòng khám, cơ sở chẩn trị y học cổ truyền; 828 cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm; 3 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược; 825 nhà thuốc, quầy thuốc; 17 cơ sở dịch vụ phòng bệnh; 10 cơ sở cung cấp dịch vụ tiêm phòng ở người; 4 cơ sở dịch vụ hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn; 3 cơ sở đo, kiểm môi trường lao động và 3 dịch vụ vận chuyển người bệnh. 
 
Xã hội hóa công tác dân số - KHHGĐ đã triển khai các dịch vụ tránh thai phi lâm sàng: Triển khai tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai bao cao su và thuốc uống tránh thai tại các địa bàn không thuộc diện miễn phí. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại đạt 77%. Xã hội hóa dịch vụ nâng cao chất lượng giống nòi: sàng lọc trước sinh (tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 70%). Đánh giá những mặt làm được khi thực hiện đề án XHH y tế,  được sự quan tâm chỉ đạo của  Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội; huy động được các nguồn lực trong xã hội tham gia công tác XHH y tế. Tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với các kỹ thuật cao; hạn chế chuyển viện, giảm tải tuyến trên, giảm chi phí cho người bệnh và gia đình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB của Nhân dân. Tạo điều kiện cho nhân viên y tế có điều kiện thực hành các kỹ thuật y học hiện đại; giúp cải thiện đời sống cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, một số địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nên hạn chế trong việc XHH y tế như: Đam Rông, Lạc Dương, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Cát Tiên. Các loại hình XHH cần vốn đầu tư lớn: BV tư nhân, trung tâm chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao… chưa thu hút được các nhà đầu tư. Số giường bệnh ngoài công lập còn thấp (1,49 giường bệnh/vạn dân); giá thu các dịch vụ XHH còn phải trích để thực hiện cải cách tiền lương. Còn lúng túng khi triển khai NĐ 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017.
 
Mục tiêu của ngành Y tế tỉnh đến năm 2025: Đạt tỷ lệ 25 giường bệnh/vạn dân, trong đó giường bệnh tư nhân - XHH chiếm 15 - 20%. Có ít nhất 2 đơn vị công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ chi thường xuyên. Khuyến khích đầu tư thành lập Bệnh viện tư nhân, các loại hình y tế ngoài công lập, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất: 2 BVĐK; 10 PKĐK; 500 phòng khám chuyên khoa, cơ sở dịch vụ y tế; 100 phòng khám, phòng chẩn trị y học cổ truyền. Cơ sở bán lẻ thuốc đạt trên 1,2/2.000 dân. Đạt tỷ lệ 8,5 - 9 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ 1,25 dược sỹ đại học/vạn dân. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%. Lâm Đồng trở thành trung tâm dược liệu của cả nước.
 
AN NHIÊN