Nối mạch truyền thống của tờ báo Đảng

04:08, 19/08/2021

Một triết gia cổ đại từng nói: "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông". Lịch sử là những câu chuyện về thời đã qua...

Một triết gia cổ đại từng nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Lịch sử là những câu chuyện về thời đã qua. Nó sẽ qua bởi đó là quy luật của tiến trình phát triển, nhưng những hồi niệm sẽ vẫn là những dòng ký ức tươi nguyên, làm giá trị đắp bồi cảm hứng cho hiện tại và tương lai mai sau. Ở ngôi nhà lớn Báo Lâm Đồng của chúng tôi cũng vậy. Trong dòng chảy xuyên suốt 44 năm, các thế hệ đồng nghiệp vẫn luôn có mặt bên nhau, chia sẻ, tạo cảm hứng và cùng nối mạch truyền thống của một hành trình chung của những người làm báo Đảng trên mảnh đất Nam Tây Nguyên tươi đẹp…
 
Nhà báo Hồ Lan, Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng tặng học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: Chính Thành
Nhà báo Hồ Lan, Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng tặng học bổng cho các em học sinh nghèo vượt khó thôn Đạ Nghịch, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc. (Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021). Ảnh: Chính Thành
 
Tôi có thói quen, cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày Báo Lâm Đồng phát hành số đầu tiên là lại lật từng trang của số báo đầu tiên ấy để chiêm ngắm và tìm kiếm trong đó những cảm xúc xưa cũ. Báo Lâm Đồng số 1, phát hành ngày 19/8/1977, tờ báo in bằng công nghệ typo đã hơn bốn thập niên mà màu mực vẫn tươi nguyên những dòng chữ, khuôn hình nhuốm màu lịch sử. Trên số báo ấy, ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là bản tin cùng bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên trang nhất, vị Đại tướng của Nhân dân trẻ trung màu áo nhà binh trong chuyến thăm và làm việc tại Lâm Đồng với tư cách là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Trong chuyến công tác ấy, bác Giáp đã về Nam Ban, khu kinh tế mới vừa mới hình thành của người Hà Nội. Cũng trên số Báo Lâm Đồng đầu tiên là những tin, bài, ảnh động viên Nhân dân tích cực tăng gia sản xuất và ghi nhận những chiến công trong cuộc đấu tranh, triệt phá tổ chức phản động Fulro đang quấy nhiễu cuộc sống bình yên ở các buôn làng…
 
Ngày đó, chỉ mới hai năm nước nhà thống nhất. Đất nước vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh tàn khốc còn bao nỗi gian truân. Các vị làm báo tiền bối của chúng tôi mới rời cây súng, rời cánh rừng chiến khu trở về để tiếp tục làm người lính trên mặt trận mới. Khi nhận lệnh của cấp ủy chuẩn bị xây dựng bộ máy và sớm phát hành tờ báo Đảng - Cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng, họ đã gặp biết bao khó khăn. Để có số báo đầu tiên ấy, tôi cảm nhận, các chú, các anh đã nhiều đêm không ngủ. Tôi cứ hình dung những gương mặt đăm chiêu, đầy lo lắng với nhiệm vụ mới mẻ của Chủ nhiệm Phạm Thuần và nhất là ba vị lãnh đạo trực tiếp Hồ Phú Diên, Văn Thảo Nguyên, Vũ Thuộc ngồi bên bàn họp của Ban Biên tập để hình thành nội dung, markét của số báo đầu tiên. Tôi cứ hình dung về những cuộc “hành quân” về cơ sở bằng xe đạp của bảy phóng viên đầu tiên, để kịp mang về những bản tin, bức ảnh đầu tiên cho số báo đầu tiên. Những người phục vụ, những người thợ sắp chữ nhà in cũng bắt đầu làm quen với quy trình xuất bản. Mỗi người mỗi việc, họ đã dành tất cả trí tuệ, sức lực và tâm huyết để ngày 19/8/1977, số báo đầu tiên ấy ra đời rạo rực khí thế chào mừng Cách mạng tháng Tám thành công và kỷ niệm 32 năm Quốc khánh. Không được chứng kiến cảm xúc vỡ òa của những người khởi đầu nền móng khi số báo đầu tiên chuyển về tòa soạn, được đặt lên bàn làm việc của các vị lãnh đạo, về cơ sở với cán bộ, Nhân dân, nhưng là đồng nghiệp hậu bối, tôi có thể hình dung được niềm hạnh phúc lớn lao của họ. Và tôi nghĩ, dòng mạch truyền thống vẫn âm ỷ ấm nóng trải dài trên hành trình suốt 44 năm của tờ báo Đảng đã được bắt đầu từ những cảm hứng của lần “đầu tiên” ấy…
 
Lịch sử của một tờ báo là những số báo liên tục kế nhau theo ngày tháng mà trên những con chữ, khuôn hình luôn gắn với những tên tuổi, những con người cụ thể. Hôm nay, lại thêm một lần lật lại những trang báo cũ, tôi bùi ngùi hồi tưởng những gương mặt thân quen, những người đã khuất. Lịch sử báo chí Lâm Đồng ghi nhận công lao của họ, các thế hệ làm Báo Lâm Đồng sẽ mãi mãi nhớ về họ với tấm lòng tri ân sâu sắc. Đó là các vị lãnh đạo như cố Chủ nhiệm Phạm Thuần; các cố Tổng Biên tập Hồ Phú Diên, Trần Mạnh Cừ, Trần Hữu Lục, Nguyễn Thanh Đạm; các cố Phó Tổng Biên tập Văn Thảo Nguyên, Hà Tuyết Mai; cố Thư ký Tòa soạn Nguyễn Đăng Cương. Rồi những đồng nghiệp đã mãi mãi rời xa tổ ấm Báo Lâm Đồng nhưng ký ức về họ thì mãi mãi sống trong những chuyện kể ấm áp của ngày hôm nay: Nguyễn Văn Du, Võ Quang Hải, Việt Hưng, Khắc Dũng, anh Hải lái xe, chị Coi tạp vụ… 
 
* * *
 
Ngày 19/8/2017, kỷ niệm 40 năm ngày “báo mình” phát hành số đầu tiên, các thế hệ làm Báo Lâm Đồng đã có dịp hội ngộ cùng ôn lại ký ức về một thời đã qua. Tôi thật sự ấn tượng với lời kể của nhà báo Nguyễn Mậu Siệc, nguyên Tổng Biên tập, về chuyện tác nghiệp của các nhà báo trong thời bao cấp và giai đoạn đầu công cuộc Đổi mới. Xin được dẫn lại:“Cuối năm 1986, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã tác động trực tiếp đến nền báo chí. Báo Lâm Đồng đã chủ động tự đổi mới chính mình để theo kịp với thời cuộc. Ngôi nhà 22 Hùng Vương thêm lần nữa lại được chứng kiến nhiều cuộc họp của lãnh đạo Ban Biên tập, Phòng Tòa soạn, Phòng Phóng viên diễn ra sôi nổi…”. Và: “Vào cuối năm 1986, sau khi có loạt bài về “Những việc cần làm  ngay” của N.V.L đăng trên Báo Nhân Dân, anh em phóng viên trong cơ quan rất hào hứng chờ đợi thái độ của Ban Biên tập để triển khai. Rất may, thời gian ấy, anh Trần Hữu Lục vừa được đề bạt Tổng Biên tập và rất ủng hộ chủ trương chống tiêu cực trên báo. Tôi là Phó Tổng Biên tập phụ trách nội dung nên đã chủ động thảo luận với anh Trần Hữu Lục và đã nhất trí quan điểm chung là phải đẩy mạnh chống tiêu cực trên báo nhưng không được dàn trải, chủ yếu tập trung vào những vụ việc nổi cộm, đúng trọng tâm, trọng điểm…”.
 
Phóng viên Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng) tác nghiệp ghi nhận, phản ánh công tác kiểm soát phòng, chống dịch của các lực lượng tuyến đầu tại Chốt số 1 đèo Chuối. Ảnh: Hữu Sang
Phóng viên Khánh Phúc (Báo Lâm Đồng) tác nghiệp ghi nhận, phản ánh công tác kiểm soát phòng, chống dịch của các lực lượng tuyến đầu tại Chốt số 1 đèo Chuối. Ảnh: Hữu Sang
 
Kế thừa những giá trị mà những người đi trước đã dày công xây đắp, thời chúng tôi bắt đầu với Báo Lâm Đồng từ 30 năm trước cũng từng được làm việc trong một môi trường dù lắm khó khăn nhưng thật thú vị. Đó là những ngày lương thấp, nhuận bút chưa cao nhưng lòng nhiệt tâm xây dựng “thương hiệu” Lâm Đồng không thấp. Tôi còn nhớ cảm giác sướng chảy nước mắt khi đồng nghiệp mang về tòa soạn một đề tài “độc”. Có những khuya khó ngủ vì chờ đợi số báo nhiều tin, bài hay ngày mai. Làm sao có thể quên những buổi quá chiều dăm ba đứa ngồi ở Phòng Tòa soạn, bóp trán nghĩ đề tài, tranh luận chuyện làm nghề rồi cãi nhau chí chóe. Cái thời mà những cây bút tung hoành dọc ngang trên tờ báo: Tổng Biên tập Phạm Vĩnh với nét chữ đọc khó như “thư pháp” giữ mục “Câu chuyện chiều thứ bảy” vừa sâu vừa cay. Phó Tổng Biên tập Thanh Đạm đang học ở Hà Nội gửi về những trải nghiệm đường xa; Minh Tự thích tang bồng hồ thỉ; Mạc Hồng Kỳ, Kim Anh, Hàng Tình, Văn Phong, Khắc Dũng, Văn Việt, Minh Đạo… cày xới khắp Nam Tây Nguyên và ra cả tỉnh bạn để hầu công chúng những phóng sự - điều tra mà tận bây giờ nhớ lại “tít” vẫn thấy thú vị. Mạc Do Hùng trầm tư “sản xuất” tản văn. Trần Đức Tài làm thông tin quốc tế… Nhớ về những năm tháng đó cũng thật sự biết ơn những cây bút nổi tiếng đã nhiệt tình với Báo Lâm Đồng như Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Hoàng Nhuận Cầm, Dương Thuấn, Trần Thế Thành, Nguyễn Thụy Kha, Lê Minh Quốc, Lê Tây Sơn, Vi Thùy Linh, Lê Thanh Phong, Lại Văn Long… Tên tuổi và tác phẩm của họ đã góp phần làm cho các ấn phẩm sinh động và đa chiều hơn, một phần giúp cho Đà Lạt Nguyệt san vượt ra khỏi phạm vi Lâm Đồng, có mặt trên các sạp báo Sài Gòn, Hà Nội…
 
* * *
 
44 năm đi qua, hôm nay đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên Báo Lâm Đồng vẫn tiếp tục phát huy những truyền thống gần nửa thế kỷ các thế hệ đi trước dày công vun đắp. Báo Đảng phát triển không ngừng, không phụ lòng tin của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng. Từ thời kỳ đầu với 10 ngày một số rồi rút ngắn 7 ngày, 5 ngày; lượng phát hành chưa cao. Đến nay, tờ Lâm Đồng gần như xuất bản hằng ngày; mỗi kỳ phát hành hơn 8.000 tờ với hình thức đẹp, nội dung phong phú. Ngoài ra, báo còn xuất bản thêm tờ Lâm Đồng điện tử, hằng ngày có hơn hai mươi nghìn lượt truy cập. Báo Lâm Đồng mỗi ngày càng giàu thêm thông tin, tính chiến đấu và phản biện nâng cao. Nhiều tuyến tin, bài của báo đã góp phần cung cấp thông tin, dữ liệu, tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh xử lý các vấn đề phát sinh trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhân dân cũng tìm đến báo như một địa chỉ tin cậy của họ…      
 
So với các thời kỳ trước, đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, phóng viên hôm nay được đào tạo bài bản về kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ và lý luận chính trị. Điều kiện làm việc, các thiết bị kỹ thuật của cơ quan và mỗi cá nhân cũng được trang bị đầy đủ, hiện đại hơn nhiều. Một thế hệ đàn em, đàn cháu giờ đã trưởng thành, nhiều người đã là cán bộ chủ chốt. Họ tiếp nối hành trình “thương hiệu” báo Đảng bằng sắc thái mới, trong điều kiện mới. Dưới sự lãnh đạo sát sao của Tỉnh ủy - UBND tỉnh, Tổng Biên tập Hồ Thị Lan cùng tập thể lãnh đạo Báo Lâm Đồng đã xây dựng, củng cố tờ báo phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ “Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Lâm Đồng; tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân Lâm Đồng”.  Với tinh thần đổi mới, quyết liệt, Ban Biên tập đã lãnh đạo, dẫn dắt đội ngũ những người làm Báo Lâm Đồng hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ, đáp ứng ngày càng cao niềm tin cậy và kỳ vọng của Đảng và Nhân dân…
 
* * *
 
Đến hôm nay, khi mở trang báo Lâm Đồng mỗi ngày, trong tôi vẫn tràn đầy cảm xúc như một thời tuổi trẻ đã từng ấm áp trong ngôi nhà chung ấy. Dõi theo bước chân của các đồng nghiệp Báo Lâm Đồng hôm nay, tôi nghĩ về họ với niềm tự hào. Họ đã sống, đã làm việc với một tinh thần mới mẻ, hiện đại và năng động nhưng vẫn tiếp nối vẹn nguyên nguồn mạch truyền thống với những giá trị tốt đẹp mà lớp cha anh đi trước từng vun bồi, xây đắp.
 
UÔNG THÁI BIỂU