Kể chuyện trồng cây bên Lăng Bác (kỳ I)

05:09, 06/09/2021

Ngày ngày, những đoàn người vẫn nối nhau đi trong cảm xúc thiêng liêng. Hàng triệu trái tim cùng tụ hướng về đây, nơi yên nghỉ cuối cùng của Bác...

Ngày ngày, những đoàn người vẫn nối nhau đi trong cảm xúc thiêng liêng. Hàng triệu trái tim cùng tụ hướng về đây, nơi yên nghỉ cuối cùng của Bác. Ở trên Lăng mặt trời đi qua, cả quảng trường rạo rực một sức sống vĩnh cửu. Bác sống mãi ngàn đời giữa lòng đất Việt, giữa hương sắc của muôn loài hoa lá, cỏ cây…
 
Kỳ I: Lăng Bác không thể là một đền đài tĩnh lặng
 
Tình cờ thú vị, tôi được gặp người phụ trách công việc thi công trồng cây tạo không gian xanh bên Lăng Bác gần 50 năm trước. Ông là Tiến sĩ Nguyễn Đăng Khôi, nguyên Phân viện trưởng Phân viện Sinh học Đà Lạt thuộc Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Ngày đầu thu này, tôi đã được nhà khoa học nay đã ở tuổi 85 tái hiện câu chuyện xúc động về những tháng ngày mà ông mãi mãi khắc ghi vào tâm khảm…
 
Viếng Lăng Bác. Ảnh: Đăng Khoa
Viếng Lăng Bác. Ảnh: Đăng Khoa
 
Đến những ngày trước lúc đi xa, Bác vẫn không đồng ý việc cho xây dựng Lăng Người. Nhưng duy nhất một lý do mà Bác chấp nhận đề nghị của Bộ Chính trị là xin cho được ướp thi hài để đến ngày nước nhà thống nhất, đồng bào miền Nam được nhìn thấy Bác. Ngày Quốc khánh năm 1973, Bộ Chính trị phát lệnh khởi công Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Lăng Bác được thiết kế theo phong cách Việt Nam, hình khối kiến trúc giống như một ngôi nhà năm gian, nhiều cột trụ và có bậc tam cấp. Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Xây dựng Đỗ Mười được giao trọng trách Trưởng ban phụ trách xây dựng Lăng Bác…
 
- Thưa TS Nguyễn Đăng Khôi! Theo chúng tôi được biết thì hồi đó các bạn Liên Xô (cũ) đã giúp đỡ chúng ta thiết kế, vật liệu xây dựng, trang thiết bị kỹ thuật và cử đoàn chuyên gia qua hỗ trợ. Vậy sáng kiến “không gian xanh Lăng Bác” là do ai đề ra?
 
- Không ai đề ra cả mà chính chúng ta đã thực hiện theo tư tưởng, phong cách của Người. Sinh thời, Bác yêu thiên nhiên, yêu cỏ cây, hoa lá, chim muông. Lúc quy tiên, hãy để Bác được sống giữa mùa Xuân vĩnh cửu Việt Nam. Không gian nơi yên nghỉ của Người không thể là một đền đài tĩnh lặng…
 
Tiểu ban cây xanh được thành lập với sự tham gia của nhiều ban, ngành. TS Nguyễn Đăng Khôi hồi đó là cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Việt Nam, được giao nhiệm vụ phụ trách tiểu ban này. 
 
- Để thiết kế thành công, chúng tôi đã về quê Bác, vào nhà sàn làm việc của Người để nghiên cứu, với mong muốn làm sao cho những loài cây Việt Nam thân quen từ thuở thiếu thời đến ngày Bác đi xa đều có mặt ở nơi yên nghỉ cuối cùng của Người. Không gian xanh phải thể hiện được sở thích, tâm hồn của Bác, bảo đảm phù hợp với tổng quan kiến trúc, điều kiện sinh thái và tôn thêm vẻ đẹp của Lăng. 
 
TS Khôi cho biết, bản thiết kế cây xanh ở khu vực Lăng Bác và Quảng trường Ba Đình đã được thể hiện trên cơ sở nghiên cứu bố cục cảnh trí cổ truyền kết hợp với chức năng của công trình kiến trúc hiện đại. Các vườn cây được tổ chức theo hình khối đối xứng, hàng lối ngay thẳng, xén tỉa gọn gàng, phù hợp với hình thức công trình Lăng. Các loại cây được trồng đều có lá xanh quanh năm, có hoa màu sắc nhã nhặn, đảm bảo sự yên tĩnh và trang nghiêm. Hai màu hoa chủ đạo là trắng và đỏ. Trắng trong như tâm hồn Bác, đỏ thắm như ngọn cờ cách mạng. Trong không gian ấy là sự góp mặt của đại diện hương sắc mọi miền Tổ quốc. Hoa lá là tinh túy mang tính đặc thù của thiên nhiên ở mỗi vùng đất, hoa lá thay tấm lòng của muôn dân Việt Nam cùng tỏa hương, khoe sắc bên hương linh Cha già Dân tộc. “Chúng tôi muốn thể hiện không gian nơi Bác yên nghỉ là một khu vườn đặc sắc theo phong cách Việt Nam. Không có loài hoa lá nào xa lạ với Người và không xa lạ với miền quê nào cả”, TS Nguyễn Đăng Khôi nói… 
 
* * *
 
Tiếp dòng ký ức của TS Nguyễn Đăng Khôi: Lăng Bác là trung tâm Quảng trường Ba Đình và cũng là trung tâm Thủ đô, việc trồng cây, hoa, cỏ ở đây phải nghiên cứu chọn lọc, có sắp xếp theo thiết kế, phối kết chặt chẽ giữa kiến trúc của Lăng, kiến trúc xung quanh cùng với không gian quảng trường. Cây, hoa, cỏ trồng ở đây phải mang màu sắc dân tộc, phong phú, đẹp, đồng thời tiêu biểu cho thực vật miền nhiệt đới xanh tươi bốn mùa. Phải căn cứ vào những yêu cầu về kích thước, chiều cao, hình dạng tán lá, màu sắc và sinh thái cây trồng, làm cho cây không choán kiến trúc mà làm nền và phối kết với không gian kiến trúc một cách chặt chẽ. Đồng thời, phải nghiên cứu kết hợp với những khu vực lân cận có cây cối đã trồng để tạo nên sự hài hòa, thống nhất.
 
Vườn cây xanh trong Phủ Chủ tịch. Ảnh: Đăng Khoa
Vườn cây xanh trong Phủ Chủ tịch. Ảnh: Đăng Khoa
 
Chúng tôi, những người được giao trách nhiệm trồng cây quanh Lăng Bác đã mang hết trí tuệ và tâm hồn vào công việc. Điều cốt yếu là làm sao vừa đạt được các yêu cầu nêu trên, vừa thể hiện được một phần phong cách và tâm hồn của Bác. Dù đã đi khắp bốn biển năm châu, Bác vẫn là “người Việt Nam” với ý nghĩa sâu sắc nhất, đầy đủ nhất của danh từ đó. Tính dân tộc đậm sâu trong con người Bác, chỉ riêng trong việc trồng cây cũng đã thấy rõ. Bác đã đi qua nhiều con đường bạch dương châu Âu, nhiều dặm liễu phương Bắc, nhưng Bác vẫn ưa thích cây đa thân thuộc. Tết trồng cây đầu tiên do Bác phát động vào mùa Xuân năm 1960, Bác đã trồng cây đa ở Vườn hoa Thống Nhất - Hà Nội. Tết trồng cây cuối cùng của Bác, Xuân 1969, Bác trồng cây đa ở đồi Vật Lại, Hà Tây. Quanh ngôi nhà sàn Bác ở và làm việc ở Thủ đô là hàng rào râm bụt như quê nội Làng Sen. Cạnh đó là những cây dừa, cây bưởi và đặc biệt là cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi ra tặng Người. Trên bàn làm việc của Bác, phảng phất hương thơm những bông huệ, loài hoa có sắc hương cao khiết. Sáng sáng tập thể dục xong, Bác hái mấy bông hoa nhài. Vườn nhà Bác, đêm hè, thơm nức mùi dạ hương và quanh ao cá là những cây tường vy nở hoa rực rỡ trong ngày Tết Độc lập. Những cây ăn quả, cây hoa được Bác ưa thích đều là những cây đặc sản của đất nước Việt Nam. Bởi vậy, chúng tôi, những người trồng cây quanh nơi Bác an nghỉ cũng thực hiện theo tinh thần ấy.
 
Có thiết kế rồi phải thi công ngay. Chúng tôi đến từng địa phương cùng Nhân dân chọn cây mang về vườn ươm tại Hà Nội. Mặt bằng giải phóng đến đâu trồng cây đến đó. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đặt những bầu cây đầu tiên trong nỗi nhớ thương Người và lan tỏa niềm xúc động mênh mang.
 
 Hai bên cửa chính của Lăng được trồng hai cây đại là loại cây không cao, cành mập khỏe, dáng đẹp, cổ kính, hoa trắng thơm, vừa tôn vẻ trang nghiêm của công trình kiến trúc, vừa làm giảm bớt sự khô lạnh của khối đá lớn. Hai dãy vạn tuế trồng trước hai lễ đài phụ có thân thẳng đứng, lá sum suê tựa hai hàng tiêu binh. Cả hai loại cây đều sống lâu năm tượng trưng cho sự trường cửu. Trong các ô vuông và xung quanh sân sau Lăng trồng các cây cảnh, cây hoa có hương thơm như ở quanh nhà sàn của Bác: mộc, nhài, dạ hương, tường vi và một số cây đồng bào miền Nam gửi ra như lâm tiên, mai tứ quý và cây ngâu trắng…
 
Để tạo cho không gian sau hai lễ đài phụ một không khí sâu lắng, đồng thời thống nhất với khu lưu niệm nên hai bên phía sau là hai vườn cảnh trồng các loại cây có dáng và hoa đẹp như mai, lựu, ngọc bút, song mai Đông Mỹ, mai vàng Khu 5 và Trị Thiên, mai tứ quý, sứ đỏ Nam Bộ và các giống đào trong đó có đào bạch Lạng Sơn, đào hồng Tây Bắc, đào thẫm Nhật Tân. 
 
Hàng ngọc lan có tán lá đường nét gọn, xanh sáng, hoa thơm dịu, kín đáo, tượng trưng cho sự dịu hiền, nhân đức, được trồng sau hai bức tường lưu niệm làm hàng cây phông. Cùng với hàng rào râm bụt ở phía dưới, hàng cây vừa có tính chất ngăn cách, nhưng vẫn nối với không gian sau Lăng. Cây tre là biểu tượng bất khuất của dân tộc, tre được trồng ở hai bên lễ đài phụ, tạo thành hai khối cây cao thẳng vững chắc, góp phần kết thúc phần kéo dài theo chiều ngang công trình. Ở các vườn hoa tiếp giáp Lăng và Quảng trường còn trồng hàng cây pơmu của các dân tộc rẻo cao Tây Bắc; cây thông reo của Thanh Hóa, Quảng Ninh.
 
Đường Hùng Vương chạy qua trước Lăng là con đường mà trong các ngày lễ lớn, các đoàn duyệt binh, diễu hành đi qua. Đi trên con đường này, chúng ta thấy hàng cây tán rộng, lá to, đó là chò nâu. Chò nâu dáng hiên ngang, hùng dũng, là một loại cây đặc hữu mọc nhiều ở tỉnh Phú Thọ. Cây của đất Tổ trồng trên đường Hùng Vương thật là phù hợp.
 
Đường Bắc Sơn được trồng hai hàng cây có chiều cao khác nhau mỗi bên. Đây là con đường nằm trên trục chính của Lăng cho nên không gian cần phải thoáng rộng để tăng thêm tầm nhìn vào Lăng, vì vậy hàng cây bóng mát lớn được trồng xích sang hai bên, sát tường rào. Loại cây được chọn trồng là chò nước mọc nhiều ở rừng Nam Bộ, thân cao lớn, dáng khỏe. Hàng cây dáng thấp mọc sát lề đường là cây ban của núi rừng Tây Bắc, hoa to, thơm dịu, năm cánh màu phớt tím, nở rộ vào mùa xuân. Hoa ban đã in sâu vào tình cảm người dân, tượng trưng cho tình yêu chung thủy, tượng trưng cho lòng trung thành tuyệt đối của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đối với Đảng, với Bác Hồ. Trên đường Bắc Sơn còn có một bồn hoa ở chính giữa chạy dài theo trục đường, quanh năm là một thảm cây màu đỏ.
 
Xung quanh Quảng trường Ba Đình và sau Lăng Bác do ít công trình kiến trúc nên trồng những lùm cây lớn, tán đậm, khỏe như cây đa, cây sanh để tăng thêm sự cổ kính và góp phần tạo không gian hoàn chỉnh. Đôi chỗ điểm thêm phượng đỏ cho quảng trường thêm phần rực rỡ trong mỗi dịp sinh nhật Bác 19/5. Ở đây cũng đã trồng một số cây đa nhân giống từ cây đa Tân Trào lịch sử.
 
Việc chọn các loại cây như những biểu trưng cốt cách mỗi vùng miền kết hợp với thảm cỏ xanh quảng trường đã làm cho không gian xanh Lăng Bác mang đậm sắc thái dân tộc. Cây cỏ trồng ở đây không nhiều loại nhưng là những loại đẹp nhất, quý nhất, tiêu biểu cho các miền, các dân tộc, các địa danh lịch sử. Đặc biệt, còn là sự lựa chọn các loại cây mà lúc sinh thời Bác hằng ưa thích.
 
* * *
 
Chúng tôi đã tuyển chọn cây, hoa quý từ mọi miền Tổ quốc. Để về tới Hà Nội, các bụi trúc Pác Bó, cây đa Tân Trào, cây pơmu Lào Cai, cây hoa ban Lai Châu, Sơn La, Nghĩa Lộ, cây đào bạch Lạng Sơn đã phải vượt biết bao đèo dốc trên mấy trăm cây số đường trường. Đặc biệt là những cây cảnh quý từ Nam Bộ, từ Khu 5 đã được chuyển ra Thủ đô trong hoàn cảnh máy bay địch còn ngày đêm phá suốt cung đường Trường Sơn…
 
(CÒN NỮA)
 
UÔNG THÁI BIỂU
(Ghi theo lời kể của Tiến sĩ Nguyễn Đăng Khôi)