Nông thôn phải là ''nơi đáng sống, nơi quay về''

04:09, 09/09/2021

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân...

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. 
 
Năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đạt 62.800 ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Văn Việt
Năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng phấn đấu đạt 62.800 ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Văn Việt
 
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM là chương trình lớn, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và xác định là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững và ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; tạo tiền đề hiện thực hóa khát vọng hùng cường, hạnh phúc của dân tộc.
 
Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng xác định, xây dựng NTM là cơ hội tập trung mọi nguồn lực để phát triển khu vực nông thôn, tạo tiền đề quan trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao - lợi thế cạnh tranh của địa phương; do đó, nhiều năm qua chương trình xây dựng NTM được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát. Điều đặc biệt của chương trình xây dựng NTM, chính nông dân vừa là chủ thể vừa là người được hưởng lợi. Đây là cốt lõi để cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng để Chương trình lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
 
Có thể thấy, từ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy; sự quản lý, điều hành hiệu quả của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và tinh thần hưởng ứng tham gia tích cực của Nhân dân đã làm cho Chương trình đạt nhiều thành tựu: Kết cấu hạ tầng nông thôn (điện - đường - trường -trạm) được đầu tư nâng cấp khá khang trang, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, văn hóa và môi trường nông thôn chuyển biến tích cực.
 
Đến nay, toàn tỉnh có 101/111 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 18 xã đạt NTM nâng cao; 3 địa phương được công nhận huyện NTM (Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh); 2 thành phố (Đà Lạt, Bảo Lộc) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Cát Tiên, Lâm Hà đã đạt các tiêu chí NTM, đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đạt chuẩn NTM.
 
Huyện Đơn Dương được lựa chọn 1 trong 4 huyện của cả nước xây dựng mô hình huyện NTM kiểu mẫu; hiện nay, Đơn Dương đang thực hiện Đề án xây dựng huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019 - 2025. Huyện Đức Trọng triển khai Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017 - 2020.
 
Hiệu quả từ xây dựng NTM đã tác động lớn đến sự phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng; nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Sản xuất tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng, đã hình thành các vùng kinh tế tập trung, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng vùng, từng khu vực, góp phần tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Phát triển các loại nông sản chính như: Rau, hoa diện tích khoảng 28.000 ha, cà phê 174.000 ha, chè 12.000 ha và chăn nuôi bò sữa 24.000 con. Bên cạnh đó, khôi phục, phát triển một số ngành nghề như: Cây ăn quả trên 23.600 ha, dâu tằm đạt 9.100 ha... 
 
Bộ mặt nông thôn Lâm Đồng có nhiều khởi sắc; đặc biệt, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được đầu tư nâng cấp, thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng rất khang trang, hiện đại; đời sống mọi mặt của Nhân dân cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 ước đạt 38 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm đáng kể, cuối tháng 6/2021 còn 1,32%. Tham gia bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; 93% số xã có bác sĩ, 100% thôn, bản có nhân viên y tế. Công tác giáo dục trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số được quan tâm; 100% xã đạt chuẩn xóa mù chữ; 100% xã có điện lưới quốc gia. Đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Đến nay, có 93,8% hộ được công nhận Gia đình văn hóa; 95% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 94,6% xã đạt chuẩn văn hóa NTM…
 
Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát hết sức phức tạp trên thế giới, trong nước và một số địa phương trong tỉnh, Lâm Đồng vẫn khẳng định sẽ là hậu phương vững chắc của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; đã và đang cung ứng nông sản cho các tỉnh, thành vùng tâm dịch COVID-19. Mỗi ngày, Lâm Đồng cung cấp hàng nghìn tấn rau, củ, quả kịp thời, chất lượng cho các tỉnh, thành. Đồng thời, Lâm Đồng đang ưu tiên trồng các loại rau ngắn ngày nhằm khẩn trương cung cấp cho các địa phương bạn cùng vượt qua khó khăn chiến thắng dịch bệnh.
 
Về phía địa phương, Lâm Đồng đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, mạnh mẽ với phương châm “Phòng thủ chặt, tấn công thần tốc”, “Chống dịch như chống giặc”, ưu tiên sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh”. Đảm bảo cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm và những mặt hàng thiết yếu, không để người dân thiếu ăn, thiếu các nhu yếu phẩm…
 
Bên cạnh hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ an sinh xã hội, hoạt động sản xuất cho các tỉnh, thành phía Nam, tỉnh còn tạo mọi điều kiện, hỗ trợ đón công dân Lâm Đồng từ vùng dịch, vùng thực hiện giãn cách xã hội trở về địa phương để phòng, chống dịch COVID-19. Đúng như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV: “Mục tiêu cuối cùng của chương trình nông thôn mới có thể chỉ tiêu nọ kia không đạt được, nhưng phải làm sao cho nông thôn là nơi đáng sống, nơi chúng ta quay về. Hình ảnh xúc động những ngày dịch COVID-19 vừa rồi hàng trăm nghìn người, thậm chí cả triệu người từ thành thị trở về nông thôn để tránh dịch đã cho thấy rất nhiều ý nghĩa của vùng nông thôn”.
 
Nhân dân Lâm Đồng nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, cùng cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Tập trung phát triển sản xuất, nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm, rau, quả, các mặt hàng thiết yếu, nhằm đảm bảo cuộc sống của Nhân dân trong tỉnh; đồng thời “chia lửa” kịp thời cho các tỉnh bạn; thực sự là hậu phương vững chắc của cả nước. Tất cả là một gam màu sáng, một bức tranh ở vùng nông thôn đáng sống này…
 
KIỀU NINH