Chương trình ''Máy tính cho em'' - tâm huyết và kỳ vọng của nhà giáo

02:10, 21/10/2021

Năm học mới 2021 - 2022 được khai giảng cũng là lúc ngành Giáo dục phát động Chương trình "Máy tính cho em". Không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chương trình còn là tâm huyết và hy vọng của biết bao nhà giáo.

Năm học mới 2021 - 2022 được khai giảng cũng là lúc ngành Giáo dục phát động Chương trình “Máy tính cho em”. Không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chương trình còn là tâm huyết và hy vọng của biết bao nhà giáo.
 
Phòng Giáo dục và Đào tạo - Liên đoàn Lao động thành phố Đà Lạt hưởng ứng Chương trình “Máy tính cho em”
Phòng Giáo dục và Đào tạo - Liên đoàn Lao động thành phố Đà Lạt hưởng ứng Chương trình “Máy tính cho em”
 
LAN TỎA TỪ Ý NGHĨA NHÂN VĂN SÂU SẮC
 
Kết thúc một tháng vận động, kể từ ngày Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lâm Đồng phát động Chương trình “Máy tính cho em” (17/9/2021), trở lại Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh, tôi mang theo niềm tin lớn vào sự thành công của chương trình. Ông Ngô Văn Sơn, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh vui vẻ nói: Hiện đã kết thúc đợt vận động ủng hộ chương trình, nhưng còn không ít đơn vị đăng ký sẽ tiếp tục ủng hộ thêm, có lẽ chúng tôi phải gia hạn chương trình thêm mấy ngày tới nữa.
 
Theo ông Sơn, chương trình được phát động cũng là thời điểm cả xã hội đang hướng về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với việc ủng hộ “Quỹ phòng, chống COVID-19” và “Ủy hộ công nhân khó khăn do COVID-19”,… 
 
Nhưng có lẽ đây là chương trình thiết thực, lại phục vụ ngay cho hoạt động dạy và học phù hợp với tình hình công tác phòng, chống dịch bệnh, nên đã nhận được sự đồng thuận cao không chỉ trong ngành giáo dục mà lan tỏa đến các cấp, các ngành và toàn xã hội.
 
Ngay trong buổi lễ phát động tại Sở Giáo dục và Đào tạo, 3 lãnh đạo là Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng ủng hộ Chương trình với số tiền 50 triệu đồng, đây vừa là sự chia sẻ của cá nhân các lãnh đạo với hoạt động dạy và học của thầy, trò, vừa thể hiện sự quan tâm, ý chí quyết tâm của tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. 
 
Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, không tổ chức phát động ở từng đơn vị nhưng có lẽ hơn ai hết, hơn 22 ngàn cán bộ nhà giáo, người lao động thuộc gần 700 đơn vị trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh, ai nấy đều thấu hiểu ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà tích cực ủng hộ ít nhất một ngày lương cho chương trình. Đến nay, chương trình đã tiếp nhận được hơn 1,6 tỷ đồng, sẵn sàng cho phương án hỗ trợ máy tính bảng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
 
TÂM HUYẾT VÀ HY VỌNG Ở CHƯƠNG TRÌNH
 
Được giới thiệu, tôi vượt đèo đến với huyện Đam Rông - nơi mà theo lời của Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh là “Giáo dục còn gặp nhiều khó khăn”, chứng kiến những lớp học có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, lớp học mà thầy - trò chỉ hoạt động thông qua công cụ truyền thống “bảng đen, phấn trắng”,… mới thực sự cảm nhận được mục đích của chương trình có ý nghĩa thiết thực đến nhường nào.
 
Không giấu được niềm vui mừng, thầy giáo Bùi Văn Lộc - người đã từng giảng dạy tại tỉnh Hưng Yên được chuyển đến công tác tại 3 xã Đầm Ròn đã mấy năm nay chia sẻ: Các em học sinh ở đây đang chịu thiệt thòi rất nhiều so với các em học sinh ở đô thị phát triển, nhất là về cơ sở vật chất, đồ dùng học tập và các thiết bị nghe nhìn… Thầy giáo Lộc cũng bày tỏ sự tin tưởng chương trình sẽ mang đến công cụ giúp các em học sinh ở đây dễ dàng tiếp nhận nhiều kiến thức bổ ích.
 
Có lẽ hiểu hơn ai hết về giáo dục vùng sâu, vùng xa đang thiếu gì và cần gì, chính là người thầy đã dành cả tuổi thanh xuân với hơn 20 năm gắn bó “ăn cùng, ở cùng, dạy học cùng” với lớp lớp học sinh từ thuở “bó đuốc soi đường”, “ngọn đèn dầu thắp sáng” nơi đây - thầy giáo Nguyễn Hồng Dự, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đạ M’Rông tâm sự: Ngay khi chương trình được phát động, 100% cán bộ, nhà giáo, nhân viên của trường đã đăng ký với công đoàn để được ủng hộ ngay, người ít nhất cũng bằng một ngày lương. Chúng tôi chỉ mong các em học sinh ở đây sớm được tiếp cận công nghệ giáo dục hiện đại như học sinh vùng phát triển.
 
Cũng cùng suy đó, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Duy Huyên - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) cho biết, không chỉ là công cụ phục vụ cho giải pháp tình thế khi các nhà trường thực hiện dạy - học online để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, mà máy tính rất cần trong quá trình dạy - học chương trình giáo dục đổi mới sau năm 2020. Học sinh ở vùng phát triển đã cần, nhưng học sinh ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn càng cần hơn nhiều vì “sóng và máy tính” sẽ là phương tiện hữu ích nhất, con đường ngắn nhất giúp các em tìm đến tri thức của nhân loại. 
 
Vì vậy Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã triển khai chương trình rất sớm, cán bộ, nhà giáo cũng nhiệt tình ủng hộ. Với gần 15 triệu đồng từ sự góp sức của hơn 40 người, số tiền tuy chưa lớn nhưng đây là tâm huyết của những người làm giáo dục, hy vọng chương trình sẽ sớm đạt được mục tiêu đề ra.
 
Có thể nói, chương trình được phát động rộng khắp từ Trung ương đến cơ sở, huy động mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ, chắc chắn sẽ thành công, san sẻ những khó khăn, vất vả về điều kiện học tập của học sinh, giáo viên trong giai đoạn hiện nay, và sẽ sớm giúp học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập, được bình đẳng trong tiếp cận học tập.
 
ĐỨC THIỆM