Khuyến học Việt Nam 25 năm hình thành và phát triển

06:10, 02/10/2021

(LĐ online) - Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học nên phong trào khuyến học thời nào cũng có.

 

(LĐ online) - Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học nên phong trào khuyến học thời nào cũng có. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S trao tặng học bổng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S trao tặng học bổng "tiếp sức đến trường" cho các em học sinh vượt khó học giỏi tại Trường THCS Quang Trung (TP Bảo Lộc). Ảnh: K.P
 
Thời phong kiến, thế kỷ XV, vua Lê Thái Tổ đã ban chiếu khuyến học, kêu gọi nhân dân mở mang sự học nước nhà. Đầu thế kỷ XX, một phong trào khuyến học khởi đầu từ miền Trung và trở thành cao trào khi Đông Kinh Nghĩa Thục được phát động. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đúng một ngày hôm sau Chủ tịch Hồ Chí Minh độc tuyên ngôn độc lập, ngày 03/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra ba nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện ngay: “Chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm”. 
 
Về chống giặc dốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lời kêu gọi gửi Nhân dân cả nước đã vạch rõ: “Khi xưa Pháp cai trị nước ta, chúng thi hành chính sách ngu dân, không muốn cho dân ta biết chữ để dễ lừa dối và bóc lột dân ta. Số người Việt Nam thất học so với người trong nước là 95% nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ” và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nay chúng ta đã giành được độc lập, một trong những công việc phải được thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí. Chính phủ gia hạn trong một năm, tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ. Chính phủ đã tập hợp một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của dân chúng”.
 
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong một thời gian ngắn nạn mù chữ đã cơ bản được thanh toán, phần lớn nhân dân đã biết đọc, biết viết chuyển sang giai đoạn học bổ túc văn hóa. Qua học tập trình độ dân trí được nâng cao, mọi người dân quán triệt được đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước nên tham gia tích cực và có hiệu quả vào công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước và tiến hành hai cuộc kháng chiến kéo dài gần 30 năm bảo vệ nền độc lập và sự thống nhất đất nước.
 
Sau khi nước nhà hoàn toàn độc lập và thống nhất, cuối năm 1986, Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng đã thông qua đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mà bước đầu tiên là đổi mới kinh tế. Đầu năm 1994, Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII) của Đảng đánh giá đổi mới kinh tế đã giành được thành tựu quan trọng, khó khăn, thách thức của những năm sau ngày thống nhất đất nước đã được khắc phục. Đến Đại hội lần thứ VIII (1996) của Đảng, chủ trương công nghiệp hóa gắn liền với hiện đại hóa đã chính thức được thông qua.
 
Lúc này trên thế giới, Cách mạng khoa học công nghệ đã đạt được những tiến bộ vượt bậc và ngày càng phát triển. Nhiều nước đã chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Trước tình hình đó, một số đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, đứng đầu là Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng trong tình hình mới để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải nâng cao hơn nữa trình độ dân trí, nhanh chóng xây dựng một nguồn nhân lực với kiến thức và trình độ tay nghề ngày càng được nâng cao, mà một mình ngành giáo dục đào tạo không thể đáp ứng xuể, phải có một tổ chức xã hội phối hợp và hoạt động song song với hệ thống nhà trường, động viên Nhân dân tham gia mới giải quyết được yêu cầu.
 
Tiếp thu nhận thức này, một số cán bộ tâm huyết với việc chấn hưng nền giáo dục để phát triển đất nước; trong đó, có nhiều nhà giáo tập hợp lại mở cuộc vận động xây dựng một tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu này. Vào ngày 29/02/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 112/QĐ-TTg thành lập tổ chức xã hội với tên gọi là Hội Khuyến khích và hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo Việt Nam gọi tắt là Hội Khuyến học Việt Nam.
 
Ngày 02/10/1996, Đại hội thành lập Hội Khuyến học Việt Nam đã được tiến hành tại thủ đô Hà Nội. Hơn 200 đại biểu đại diện cho những người tâm huyết với công cuộc chấn hưng nền giáo dục nước nhà về dự. Đại hội đã bầu Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân là Chủ tịch Hội và suy tôn Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch danh dự.
 
Hội Khuyến học Việt Nam có nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển và bồi dưỡng nhân tài phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 3 yếu tố nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài là 3 điều kiện cần và đủ cho sự phát triển của mỗi quốc gia, sự tồn tại của mỗi dân tộc.
 
Phong trào khuyến học, khuyến tài được triển khai theo tư tưởng Hồ Chí Minh về sự học “Học, học nữa, học mãi, học không bao giờ cùng” mà đối tượng đầu tiên là những người đang tham gia sản xuất, kinh doanh, tức là nhân lực hiện hành cần được nâng cao kiến thức, nâng cao tay nghề, vừa làm, vừa học, để theo kịp sự tiến bộ của khoa học và công nghệ trên thế giới. Mặt khác, Hội vận động hội viên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX “Đẩy mạnh học tập trong Nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập”.
 
Trong quá trình phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, Đại hội X của Đảng Đề ra: “Chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở, mô hình xã hội học tập” và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI thông qua Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo. Thực hiện chủ trương này, Hội đã tiếp cận khuyến cáo của UNESCO về “Giáo dục người lớn” như một chủ trương quan trọng gắn liền với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Người lớn chính là nhân lực hiện hành đang tham gia làm việc, sản xuất, kinh doanh, vừa làm vừa học. Đây là hình thức giáo dục không chính quy ngoài nhà trường mà các nước trên thế giới gọi là giáo dục người lớn.
 
Thực hiện Quyết định 112/2005/QĐ-TTg ngày 18/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập đến năm 2020, Hội Khuyến học đã tham gia xây dựng Đề án xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, đặt ra vấn đề học tập trong từng gia đình, dòng họ và cộng đồng như một động lực thúc đẩy người người học tập, nhà nhà học tập. Phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng hiếu học” được triển khai rộng trên cả nước, được Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng và đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi. Trong thời gian gần 10 năm thực hiện, cả nước đã có 8 triệu gia đình được công nhận “Gia đình hiếu học”, 65.203 dòng họ được công nhận “Dòng họ hiếu học” và 70.356 cộng đồng được công nhận “Cộng đồng hiếu học”.
 
Tỉnh Lâm Đồng đã có 35.647 gia đình được công nhận “Gia đình hiếu học”, 127 dòng họ được công nhận “Dòng họ hiếu học” và 720 cộng đồng được công nhận “Cộng đồng hiếu học”.
 
Năm 2015, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 281/QĐ-TTg phát động phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng với chủ trương xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập tiến tới xây dựng xã hội học tập. Đây là các mô hình được kế tục và phát triển qua các mô hình “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học” và “Cộng đồng hiếu học” của 10 năm trước.
 
Sau 5 năm thực hiện Đề án 281/QĐ-TTg, các mô hình xây dựng xã hội học tập đã có 16.635.366 gia đình đạt “Gia đình học tập” (tỷ lệ 72,11%); 84.785 dòng họ đạt “Dòng họ học tập” (tỷ lệ 66,51%); 89.048 cộng đồng đạt “Cộng đồng học tập” (tỷ lệ 65,38%) và 48.641 đơn vị đạt “Đơn vị học tập” (tỷ lệ 85,73%). 
 
Một trong những thành tựu nổi bật của Hội là sự phát triển và tác dụng của Quỹ khuyến học, là công cụ góp phần đắc lực phục vụ sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, góp phần thực hiện chủ trương công bằng trong giáo dục qua việc tặng học bổng và dụng cụ học tập cho học sinh nghèo hiếu học, đây là một chủ trương giàu tính nhân văn của các cấp Hội Khuyến học.
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ I của Hội Khuyến học Việt Nam (10/1996-6/1999) về việc xây dựng và phát triển tổ chức Hội Khuyến học trên toàn quốc, Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng được thành lập ngày 23/10/2000 đến nay đã gần 21 năm. Trong 21 năm qua, Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu to lớn. Về tổ chức Hội, đã phủ kín đều khắp các địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, có 12 Hội Khuyến học cấp huyện, 142 Hội Khuyến học cơ sở cấp xã, 2.720 Chi hội và Ban Khuyến học. Tổng số hội viên 219.080 đạt tỷ lệ 17% trên dân số toàn tỉnh. Về xây dựng các mô hình xã hội học tập, đến năm 2020, đã có 75,42% đạt “Gia đình học tập”, 48,97% đạt “Dòng họ học tập”, 91,97% đạt “Cộng đồng học tập” và 81,18% đạt “Đơn vị học tập”. 
 
Về xây dựng Quỹ khuyến học, được UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép thành lập Quỹ khuyến học và xây dựng “Quỹ tấm lòng vàng khuyến học Lâm Đồng”, 20 năm qua các cấp Hội trong tỉnh đã vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các gia đình hội viên với số tiền gần 223 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền trên đều sử dụng đúng mục đích: Tặng học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, khen thưởng học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh; hỗ trợ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục. 
 
Kỷ niệm 20 năm ngày thành lập, Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và nhiều bằng khen của UBND tỉnh, Hội Khuyến học Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
 
Phát huy truyền thống 25 năm của Hội Khuyến học Việt Nam và 20 năm xây dựng và phát triển của Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2021 - 2025 Hội Khuyến học các cấp tỉnh Lâm Đồng tiếp tục thi đua, phấn đấu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030; tham gia tích cực các phong trào do MTTQ Việt Nam tỉnh phát động; xây dựng tổ chức Hội ngày càng phát triển vững mạnh, vận động Nhân dân xây dựng các mô hình học tập, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 của Tỉnh ủy Lâm Đồng.
 
NGƯT NGUYỄN XUÂN NGỌC 
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng