Lấy trẻ làm trung tâm

06:11, 12/11/2021

Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là chuyên đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm 2016; và mới đây, Bộ tiếp tục chỉ đạo các Sở GDĐT phát huy triển khai giai đoạn 2021-2025. 

Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là chuyên đề được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) triển khai từ năm 2016; và mới đây, Bộ tiếp tục chỉ đạo các Sở GDĐT phát huy triển khai giai đoạn 2021-2025. 
 
Tạo môi trường hoạt động thân thiện và tươi vui cho trẻ
Tạo môi trường hoạt động thân thiện và tươi vui cho trẻ
 
•  KHI TRẺ LÀ TRUNG TÂM
 
Lấy trẻ làm trung tâm (LTLTT) nghĩa là tạo môi trường công bằng, an toàn, thân thiện, lành mạnh đối với trẻ em; kích thích tính chủ động, tích cực và sáng tạo của trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phát triển toàn diện trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non (CSGDMN). Cùng đó, nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm của cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên mầm non (GVMN) và cha mẹ trẻ trong thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện trẻ em mầm non. Việc xây dựng trường mầm non LTLTT đồng thời nhằm huy động và thống nhất trong quá trình tham gia của gia đình và xã hội.
 
Trước hết, đó là xây dựng môi trường nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Môi trường đó, gần gũi, thân thiện, an toàn về mặt thể chất và tinh thần đối với trẻ; trẻ thường xuyên được giao tiếp; hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ của giáo viên (GV) đối với trẻ và những người khác luôn mẫu mực… Về kế hoạch nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phải được thể hiện mục tiêu, phạm vi, mức độ, nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức hoạt động phù hợp...
 
Vấn đề đánh giá sự phát triển của trẻ là đánh giá đúng khả năng của mỗi trẻ để có những tác động phù hợp và tôn trọng những gì trẻ có; đánh giá kết quả giáo dục trẻ phải được dựa trên cơ sở sự thay đổi của từng trẻ; đánh giá sự tiến bộ của từng trẻ dựa trên mức độ đạt so với mục tiêu và kết quả mong đợi về giáo dục... Cuối cùng là sự phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ và cộng đồng. Theo đó, đa dạng hình thức tuyên truyền; có mối quan hệ hợp tác, chia sẻ giữa GV, nhà trường, cha mẹ trẻ và cộng đồng. Phối hợp với gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ em người dân tộc thiểu số và trẻ có hoàn cảnh khó khăn...
 
•  CỤ THỂ BẰNG NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
 
Đầu tháng 11/2021, Sở GDĐT Lâm Đồng cho biết, chọn 2 đến 3 CSGDMN đại diện vùng thuận lợi, vùng khó khăn để xây dựng mô hình điểm mỗi huyện, thành phố. Từ mô hình, chia sẻ các giải pháp, tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm ở địa phương điểm của Bộ GDĐT và đánh giá, xây dựng biện pháp nhân rộng mô hình...
 
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm có tác động lớn đến xây dựng trường mầm non LTLTT là công tác đào tạo, bồi dưỡng GV, CBQL. Thực hiện Quyết định số 33/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và CBQL giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, tại Lâm Đồng, theo Sở GDĐT, ưu điểm là GV, CBQL nhận thức rõ mục đích của việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng là căn cứ để đánh giá phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ... Tuy nhiên, hạn chế, khó khăn và vướng mắc là một số GV chưa được hưởng chế độ theo quy định trong việc tự đào tạo, bồi dưỡng nên chưa tạo được động lực. Các lớp đào tạo, bồi dưỡng thường tổ chức trong năm học nên ảnh hưởng việc sắp xếp, bố trí GV giảng dạy. Công tác bồi dưỡng ở một số địa phương chưa gắn với công tác tổ chức cán bộ, quy hoạch cán bộ, quy hoạch phát triển trường học,...
 
Giám đốc Sở GDĐT Phạm Thị Hồng Hải cho biết, từ nay đến năm 2025, Lâm Đồng sẽ đạt tỷ lệ 100% GV, CBQL được đào tạo chương trình mới đáp ứng yêu cầu về chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Tiếp tục tạo điều kiện để 100% GV, CBQL tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng được điều kiện thực hiện chương trình GDMN sau chỉnh sửa... Chúng tôi cũng được biết, ngày 8/11, Sở GDĐT đã chỉ đạo các phòng GDĐT cử học viên bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực trong trường mầm non trong 3 ngày (từ ngày 12-14/11/2021). Giám đốc Sở GDĐT cũng ký Quyết định phê duyệt dự toán và kế hoạch chọn nhà thầu bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực trong trường mầm non với tổng kinh phí trên 163 triệu đồng.
 
Chủ đề năm học 2021-2022 bậc học mầm non là “Xây dựng trường mầm non xanh - an toàn - thân thiện”. Nhiệm vụ cụ thể gồm: Đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ em trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý giáo dục; rà soát, sắp xếp và phát triển hệ thống mạng lưới trường, lớp; tăng cường cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng kiểm định và xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. 
 
Trong đó, theo Phó Giám đốc Sở GDĐT Lâm Đồng Huỳnh Quang Long, phấn đấu tỷ lệ huy động trẻ bình quân toàn tỉnh là: Nhà trẻ huy động đạt 25-30% trẻ; mẫu giáo đạt 85-92% trẻ; tiếp tục khảo sát nhu cầu xây dựng trường, lớp mầm non ở khu công nghiệp, khu đông dân cư, đáp ứng nhu cầu huy động trẻ ra lớp. Tăng tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và trường mầm non đạt kiểm định chất lượng giáo dục từ 2-3% so với năm học 2020-2021... Triển khai thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, Lâm Đồng thí điểm tại 4 trường điển hình là Mầm non Anh Đào, thành phố Đà Lạt; Mầm non Tu Tra, huyện Đơn Dương; Mầm non Sơn Ca, huyện Lạc Dương và Mầm non Hoa Hồng, thành phố Bảo Lộc.
 
MINH ĐẠO