Thực trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động nữ phi chính thức tại Đà Lạt

03:11, 30/11/2021

(LĐ online) - Ngày 30/11, Trường Đại học Đà Lạt phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo Thực trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động nữ trong khu vực phi chính thức tại TP Đà Lạt và các yếu tố ảnh hưởng. 

(LĐ online) - Ngày 30/11, Trường Đại học Đà Lạt phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội thảo Thực trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động nữ trong khu vực phi chính thức tại TP Đà Lạt và các yếu tố ảnh hưởng. 
 
Các tác giả của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Đà Lạt trình bày tham luận
Các tác giả của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Đà Lạt trình bày tham luận
 
Hội thảo nhằm tìm hiểu về thực trạng tiếp cận các dịch vụ xã hội của lao động nữ phi chính thức và các yếu tố ảnh hưởng. Từ đó, đề xuất những mô hình, chương trình hỗ trợ hiệu quả cho nhóm đối tượng yếu thế này nhằm hướng đến mục tiêu công bằng, bình đẳng và đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân. Hội thảo được tổ chức cũng nhằm chào mừng thành công của Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
 
Theo nghiên cứu xã hội học do Trường Đại học Đà Lạt thực hiện, tại TP Đà Lạt có khoảng 18.000 phụ nữ trong độ tuổi lao động; trong đó, có hơn 16.000 lao động nữ làm việc ở các cơ sở kinh tế cá thể, phi nông, lâm nghiệp và lực lượng lao động nữ di cư từ nơi khác đến làm việc trong khu vực phi chính thức hơn 8.400 người. Hầu như các lao động này không có việc làm ổn định nên không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Do đó, không điều kiện và sự hiểu biết để tham gia các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giới thiệu việc làm hoặc vay vốn sản xuất kinh doanh và chịu nhiều hình thức bất bình đẳng giới trong việc làm, tuyển dụng và là nạn nhân của nạn bạo hành và xâm hại tình dục.
 
Hội thảo với các tham luận đã tập trung vào việc tiếp cận dịch vụ xã hội và ảnh hưởng của lao động nữ phi chính thức như: Thực trạng và ảnh hưởng của việc tiếp cận bảo hiểm xã hội; thực trạng tiếp cận việc làm và trợ giúp pháp lý; thực trạng tiếp cận nhà ở, nước sạch, giáo dục và thông tin; thực trạng tiếp cận các dịch vụ công tác xã hội. 
 
Tại hội thảo, các đại biểu dành thời gian thảo luận những vấn đề liên quan đến thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiếp cận xã hội của lao động nữ phi chính thức. Qua đó tìm ra nguyên nhân và cụ thể hóa những nhu cầu của lao động nữ phi chính thức để tổ chức các hoạt động hỗ trợ liên quan, đồng hành cùng chị em phụ nữ trong các hoạt động nâng cao đời sống, phát triển kinh tế và hỗ trợ về tinh thần, tâm lý xã hội…
 
TUẤN HƯƠNG