Về Đức Trọng với ''ý tưởng khởi nghiệp'' của học sinh

06:11, 03/11/2021

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng Trần Đức Lợi nhận xét: Cuộc thi "Học sinh với ý tưởng khởi nghiệp" trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến khá phức tạp...

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Lâm Đồng Trần Đức Lợi nhận xét: Cuộc thi “Học sinh với ý tưởng khởi nghiệp” trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến khá phức tạp nhưng các đơn vị đã quan tâm sâu sắc đến công tác triển khai thực hiện. Các dự án của học sinh thể hiện rõ tính chuyên nghiệp qua ý tưởng kinh doanh. Trong 23 dự án tham gia, có 14 dự án đoạt giải, huyện Đức Trọng đứng đầu tỉnh với 4 giải (Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích). 
 
Tác giả Đỗ Phạm Ngọc Trân (trái) và tác giả Võ Thị Anh Tú
Tác giả Đỗ Phạm Ngọc Trân (trái) và tác giả Võ Thị Anh Tú
 
•  TRUYỀN THỐNG HỌC SINH NGHIÊN CỨU KHOA HỌC 
 
Thầy giáo Nguyễn Quốc Túy - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GDĐT nhận xét: “Học sinh với ý tưởng khởi nghiệp” là cuộc thi có chất lượng hơn cả cuộc thi học sinh nghiên cứu khoa học - kỹ thuật vì đòi hỏi tính ứng dụng vào thực tế rất cao. Cuộc thi được Bộ GDĐT tổ chức 4 năm nay, tỉnh Lâm Đồng đều tham gia và năm nào cũng có dự án lọt vào chung khảo, trong đó đã đoạt giải Ba”. Năm 2021 này, giải cấp tỉnh, tăng 6 dự án so với năm 2020; Sở GDĐT đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 8 giải Khuyến khích và chọn 2 dự án tham gia cuộc thi cấp quốc gia. 
 
Huyện Đức Trọng là vùng đất có phong trào học sinh say mê nghiên cứu khoa học nhiều năm nay, trở thành điểm sáng của ngành Giáo dục Lâm Đồng. Cuộc thi “Học sinh với ý tưởng khởi nghiệp” tỉnh Lâm Đồng năm 2021, Đức Trọng vượt 2 trường THPT chuyên của tỉnh và 2 thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc về số lượng và chất lượng đoạt giải. Một giải Nhất thuộc về Đức Trọng với Dự án “Bút và dung dịch rửa tay” của học sinh Đỗ Phạm Ngọc Trân, lớp 12A1, Trường THPT Đức Trọng, giáo viên hướng dẫn Nguyễn Trương Quỳnh Anh; một trong hai giải Nhì cũng thuộc về Đức Trọng là Dự án “Zulivi.vn - Trang thương mại điện tử cung cấp dược liệu, thảo mộc chất lượng cao” của học sinh Võ Thị Anh Tú, lớp 12A7, Trường THPT Chu Văn An, giáo viên hướng dẫn Nguyễn Ngọc Bảo. Ngoài ra, Đức Trọng đoạt giải Ba Dự án “COFFEE-LEAF TEA - Hướng phát triển mới giàu tiềm năng cho cây cà phê, thuộc lĩnh vực công nghiệp, chế tạo sản phẩm” của học sinh Trần Hà Hoài Điệp, lớp 12A1, Trường THPT Hoàng Hoa Thám và giải Khuyến khích Dự án “Sản xuất và kinh doanh túi giấy từ rác thải hữu cơ trường học” của học sinh Nguyễn Thị Hoàn Mỹ, lớp 12A3, Trường THPT Chu Văn An. 
 
•  TỪ SẢN XUẤT CHẾ PHẨM ĐẾN KINH DOANH QUA MẠNG
 
Đó là 2 dự án đoạt giải cao nhất của huyện Đức Trọng chúng tôi giới thiệu, vì khuôn khổ bài báo có hạn. “Bút và dung dịch rửa tay” thuộc lĩnh vực chế tạo sản phẩm. Đề tài mang tính thời sự rất cao về phòng, chống đại dịch COVID-19. Ban giám khảo đã chấm 88.0/100 điểm. Ngày 20/10, Sở GDĐT quyết định chọn dự án này cùng một trong 2 giải Nhì (“Dự án kinh doanh Plasper” của 5 học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long) tham Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2021 (SV-STARTUP-2021) do Bộ GDĐT tổ chức. 
 
“Bút và dung dịch rửa tay” với ý tưởng chính là sản phẩm sản xuất và kinh doanh về bút viết 2 đầu (một đầu, mực viết trên giấy và một đầu chứa dung dịch xịt rửa tay), kích thước nhỏ gọn, tiện lợi mang đi nhiều nơi và sử dụng được nhiều lần. Dung dịch là công thức đặc biệt, khử khuẩn, có nhiều tác dụng tốt đối với bề mặt da. Bút còn kèm linh kiện nhỏ để thực hiện một số thao tác cảm ứng trên thiết bị công nghệ. Theo tác giả, sản phẩm chưa xuất hiện trên thị trường, có thể sử dụng lâu dài. Đề tài khảo sát về nhu cầu học sinh sử dụng nước rửa tay khô, giá mua các loại bút viết trên thị trường để khẳng định tính cần thiết của dự án. Tác giả cũng cho biết, sản phẩm được dùng nguyên liệu rẻ, dễ kiếm (chiết từ tinh dầu cây tía tô); lợi nhuận 6 tháng đầu là 45 triệu đồng, thời gian hoàn vốn 3-5 tháng; 6 tháng tiếp lợi nhuận 114 triệu đồng/tổng doanh thu 486 triệu đồng... Tác giả Đỗ Phạm Ngọc Trân chia sẻ: Ý tưởng hình thành từ xem chương trình thời sự truyền hình, sau đó, được sự hỗ trợ tận tình của cô giáo Quỳnh Anh, sự động viên ủng hộ của nhiều người, em tiếp tục nung nấu, tìm tòi, vượt qua nhiều trở ngại quá trình khảo sát để hoàn thiện. Từ nguồn nguyên liệu sạch làm dung dịch rửa tay, sản phẩm được thêm đầu cảm ứng cho cây bút để thực hiện một số thao tác trên các thiết bị công nghệ. “Con nghĩ, điều khó khăn nhất là làm sao có thể truyền tải được hết ý tưởng đến giám khảo và những lợi ích của sản phẩm đến người tiêu dùng. Con mong sản phẩm tiếp cận với nhiều người tiêu dùng sẽ góp phần tích cực trong phòng dịch”, Ngọc Trân nói.
 
Dự án “Zulivi.vn - Trang thương mại điện tử cung cấp dược liệu, thảo mộc chất lượng cao” thuộc lĩnh vực kinh doanh tác động xã hội. Ý tưởng dự án này là xây dựng trang thương mại điện tử cung cấp dược liệu, thảo mộc chất lượng cao cho khách hàng trong ngành Y học cổ truyền. Dự án xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm y học cổ truyền, nhằm hướng đến khách hàng có sự lựa chọn sản phẩm đa dạng (cả vật tư và thiết bị y tế) chất lượng, minh bạch giá cả và các chính sách phục vụ hài lòng. Theo tính toán của tác giả, lợi nhuận ròng sau 3 tháng 11%; 6 tháng cuối năm đầu 12% và tăng trưởng năm thứ 2 là 16%, năm thứ 3 là 23%. Với 350 khách hàng, năm đầu đạt doanh thu dự kiến 3,2 tỷ đồng, lợi nhuận trên 361 triệu đồng; năm thứ 2 có 1.700 khách hàng, doanh thu dự kiến 11,9 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1,9 tỷ đồng; năm thứ 3 có 3.500 khách hàng, doanh thu dự kiến 24,5 tỷ đồng, lợi nhuận gần 5,6 tỷ đồng. Dự án được Ban giám khảo chấm 86.0/100 điểm. Mặc dù có nhiều khó khăn với một đề tài khá phức tạp, nhất là thị trường thảo dược, nhưng sự nỗ lực, đam mê, biết phát huy lợi thế có bố là lương y và sự hướng dẫn của giáo viên, Anh Tú đã đi đến thành công. Em nói: “Từ sự thấu hiểu thực trạng, em mong muốn xây dựng một thương hiệu cung cấp dược liệu, thảo mộc chất lượng cao thông qua mô hình thương mại điện tử, từ đó giúp cho quá trình mua bán dược liệu trở nên an toàn và tiện lợi hơn”. 
 
Cuộc thi đòi hỏi nhiều tiêu chí thẩm định: tính cần thiết, lợi ích đối với cộng đồng, xã hội; tính khả thi kinh doanh; tính độc đáo, sáng tạo; tiềm năng về doanh thu, lợi nhuận, khả năng tăng trưởng, tác động xã hội; các kênh truyền thông; khả năng thuyết trình và vốn kiến thức các lĩnh vực. Với những yêu cầu đó, kết quả 2 dự án điểm qua ở trên đã xứng đáng, đặc biệt khơi dậy phong trào say mê sáng tạo và nghiên cứu, hướng lợi ích về cộng đồng trong học sinh nói riêng và tuổi trẻ nói chung. 
 
MINH ĐẠO