Đơn Dương: Hướng đến một chính quyền số

05:12, 10/12/2021

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khối cơ quan nhà nước các cấp tại địa phương, gắn với cải cách hành chính, nâng cao năng lực hoạt động...

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khối cơ quan nhà nước các cấp tại địa phương, gắn với cải cách hành chính, nâng cao năng lực hoạt động, tăng hiệu quả tương tác giữa chính quyền cùng người dân và doanh nghiệp đang được huyện Đơn Dương hướng đến. 
 
Việc tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ được thực hiện trên phần mềm một cửa thuận tiện cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát. Trong ảnh: Tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa UBND huyện Đơn Dương
Việc tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ được thực hiện trên phần mềm một cửa thuận tiện cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát. Trong ảnh: Tiếp nhận và trả kết quả tại Bộ phận một cửa UBND huyện Đơn Dương
 
•  ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
 
Theo UBND huyện Đơn Dương, trong năm 2021, huyện đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại địa phương, trong đó đã có trên 3,8 tỷ đồng xây dựng các phòng họp trực tuyến cho 10/10 xã, thị trấn trên địa bàn.
 
Về cơ bản, hệ thống mạng truyền dẫn cáp quang đến nay đã được phủ kín đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu trao đổi thông tin của người dân.
 
Ở cấp huyện, toàn bộ các phòng ban, đơn vị chuyên môn được trang bị đầy đủ với 126 máy tính để bàn, máy tính xách tay phục vụ cho công việc hằng ngày. Hầu hết các đơn vị đều kết nối Internet cho toàn bộ bộ phận chuyên môn, thuận tiện cho công việc.
 
Đến nay, hệ thống mạng nội bộ (LAN), hệ thống văn phòng điện tử eOffice cũng đã được triển khai cho toàn thể cán bộ, công chức của các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, UBND các xã, thị trấn. Huyện yêu cầu các phòng ban, đơn vị, các địa phương tăng cường trao đổi thông tin qua hệ thống văn phòng điện tử eOffice. 
 
Hệ thống một cửa điện tử hiện đại của huyện đến nay cũng hoạt động ổn định, góp phần thúc đẩy công tác cải cách hành chính (CCHC) của huyện. Việc tiếp nhận và luân chuyển hồ sơ được thực hiện trên phần mềm một cửa, thuận tiện cho việc theo dõi, kiểm tra, giám sát. Qua hệ thống này, người dân có thể tra cứu được tình trạng xử lý hồ sơ của mình; lãnh đạo huyện cũng trực tiếp giám sát được công việc và thái độ giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) làm việc tại bộ phận một cửa để chỉ đạo, chấn chỉnh kịp thời trong giải quyết công việc.
 
Đơn Dương đến nay đã thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến cấp huyện, trong đó có 74 thủ tục mức độ 4, 54 thủ tục mức độ 3, các thủ tục còn lại ở mức độ 2. 
 
Đơn Dương lâu nay đã triển khai hệ thống thư điện tử công vụ rộng rãi cho các cơ quan, đơn vị, toàn thể CBCCVC các đơn vị thuộc UBND huyện cũng như xã, thị trấn. Huyện yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc việc sử dụng hộp thư này trong công việc. Riêng trang thông tin điện tử huyện yêu cầu đơn vị chức năng phải thường xuyên cập nhật thông tin, nhất là các văn bản pháp quy của huyện. 
 
Hệ thống họp trực tuyến của huyện cũng đang được vận hành tốt, đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt từ tỉnh đến huyện. Huyện cũng đang đưa vào sử dụng hệ thống họp trực tuyến tại 10/10 xã, thị trấn, đồng thời triển khai 108 chứng thư số trên địa bàn; công tác đảm bảo an toàn thông tin được huyện chú trọng và quan tâm đúng mức. 
 
•  HƯỚNG ĐẾN MỘT CHÍNH QUYỀN SỐ 
 
Trong năm 2022 và những năm đến, Đơn Dương cho biết vẫn tiếp tục tăng cường ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động, gắn với CCHC, ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên dụng và chuyên ngành, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
 
Cụ thể, huyện tiếp tục duy trì tốt hoạt động hệ thống văn phòng điện tử eOffice đang có, tăng cường ứng dụng chữ ký số trong cơ quan chính quyền, nhằm đáp ứng nhu cầu gửi nhận văn bản điện tử, tích hợp vào các hệ thống thông tin giao dịch giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và người dân, xác thực nhanh chóng và an toàn. 
 
Yêu cầu của huyện đặt ra là toàn bộ CBCCVC cấp huyện và xã, thị trấn hoàn thành tốt công việc trên môi trường mạng; toàn bộ hệ thống mạng LAN và Internet hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trong các ngành, các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Huyện sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư và hoàn thiện hạ tầng CNTT, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, tăng kết nối, đảm bảo an toàn, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử.
 
Đơn Dương cũng đặt ra mục tiêu toàn bộ phần mềm quản lý văn bản và điều hành của huyện sẽ được kết nối liên thông qua trục liên thông văn bản của tỉnh và liên thông lên trục liên thông văn bản quốc gia, phục vụ việc gửi nhận văn bản điện tử. Huyện phấn đấu 90% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật) dưới dạng văn bản điện tử; tối thiểu 70% hồ sơ công việc tại huyện và 40% hồ sơ công việc tại các xã, thị trấn được xử lý trên môi trường mạng.
 
Huyện cũng đặt ra yêu cầu rút ngắn từ 30-50% thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy thông qua việc gửi tài liệu, gửi thông tin trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành hoặc hộp thư điện tử công vụ.
 
Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp được huyện đặt lên hàng đầu, trong đó tiếp tục duy trì hoạt động và khai thác có hiệu quả hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, một cửa liên thông tại UBND cấp huyện và cấp xã, thị trấn. 
 
Theo đó, huyện tiếp tục nâng cao hiệu quả và chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tăng cường việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đơn Dương cũng sẽ tiếp nhận và giải quyết toàn bộ TTHC đã công bố ở mức độ 3, mức độ 4 trực tuyến giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn huyện; đồng thời tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của huyện đạt từ 20% trở lên; toàn bộ hồ sơ giải quyết TTHC được thực hiện thông qua hệ thống một cửa điện tử hiện đại.
 
Yêu cầu tối thiểu của huyện trong những năm đến là 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; toàn bộ dịch vụ công trực tuyến được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng; huyện sẽ công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến được xử lý bằng hồ sơ điện tử; 50% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến. 
 
Để đáp ứng được nhiệm vụ này, Đơn Dương cho biết sẽ tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực về CNTT, có khả năng tiếp cận, chuyển giao công nghệ, quản trị hệ thống mạng, quản trị các cơ sở dữ liệu và các ứng dụng chuyên ngành của từng đơn vị. Huyện sẽ chú ý đào tạo chuyên sâu về CNTT cho một số chuyên viên của các cơ quan, đơn vị để có năng lực quản lý điều hành toàn bộ hệ thống thông tin của huyện trong thời gian đến.
 
GIA KHÁNH