Đưa cách mạng 4.0 thấm sâu vào đời sống

05:12, 16/12/2021

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống con người, công nghệ số đã thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính phủ số, xây dựng xã hội số.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi mọi mặt đời sống con người, công nghệ số đã thúc đẩy phát triển kinh tế số, chính phủ số, xây dựng xã hội số.
 
Đào tạo nguồn nhân lực là việc làm quan trọng đưa cách mạng 4.0 thấm sâu vào đời sống
Đào tạo nguồn nhân lực là việc làm quan trọng đưa cách mạng 4.0 thấm sâu vào đời sống
 
Chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời gian qua, Sở khoa học và Công nghệ Lâm Đồng (KHCN) đã hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận chuyển đổi số, phát triển, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ đủ sức đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. 
 
Thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2030 trên địa bàn Lâm Đồng, ngành KHCN đã triển khai các nhiệm vụ về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, phù hợp trong các lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, giáo dục, đào tạo và dạy nghề, giao thông, xây dựng, thông tin và truyền thông, tài nguyên và môi trường, quốc phòng, an ninh; các nhiệm vụ về nghiên cứu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh: áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất nông nghiệp GlobalGap, UTZ, Rainforest, Organic; ứng dụng công nghệ cao trong ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; ứng dụng công nghệ IoT trong quản lý chuỗi liên kết sản xuất và quy trình sản xuất, xây dựng Bigdata ngành nông nghiệp…; phát triển du lịch thông minh gắn với kinh tế số.
 
Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, Sở KHCN đã hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KHCN; hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ phát triển và ứng dụng công nghệ; nâng cao năng suất chất lượng thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, ISO 22000, HACCP, ISO 14001, ISO 50001, GlobalGap, sản xuất hữu cơ USDA… và các công cụ nâng cao năng suất như 5S, Lean, quản lý dòng chảy nguyên liệu MFCA… Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh, thương mại, thương mại điện tử, chuyển đổi số phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia, tạo thuận lợi trong quá trình thông quan khi xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
 
Chỉ riêng trong năm 2021, đã có 35 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình năng suất chất lượng; đã nghiệm thu kết quả thực hiện dự án tại 19 doanh nghiệp; hỗ trợ 11 dự án của 9 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý (FSSC 22000, ISO 22000, HACCP, ISO 14000, ISO 9001) và công cụ cải tiến năng suất chất lượng (5S). Giải quyết cho 3 doanh nghiệp vay vốn ưu đãi từ Quỹ khoa học và công nghệ với tổng số tiền là 6,6 tỷ đồng để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ trồng, chế biến chuối công nghệ cao; đổi mới công nghệ chế biến nông sản, phát triển sản phẩm OCOP; mua sắm máy móc phục vụ phát triển công nghiệp chế biến sâu (ngành dệt lụa). Hướng dẫn 33 doanh nghiệp tra cứu nhãn hiệu và thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa. Đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm củ năng Pró và quýt Dran, hoa hồng Langbiang. Hỗ trợ 3 địa phương xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Nếp quýt Đạ Tẻh, Atiso Đà Lạt, Măng cụt Bảo Lộc; quảng bá phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Cập nhật và dịch 209 tin cảnh cáo về rào cản kỹ thuật thương mại với các lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm, thiết bị năng lượng, khẩu trang, thiết bị điện, phương tiện vận tải, thuốc bảo vệ thực vật, đồ chơi trẻ em, thiết bị y tế, mỹ phẩm... của thị trường 26 nước và thông báo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan.
 
Xây dựng dữ liệu số ngành KHCN, Sở đã hệ thống và số hóa dữ liệu quản lý trong lĩnh vực KHCN gồm các cơ sở dữ liệu: tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, hàng rào kỹ thuật thương mại, nhiệm vụ KHCN, chuyên gia KHCN, tổ chức KHCN, sở hữu trí tuệ, vật liệu phóng xạ và thiết bị hạt nhân... Rà soát, hoàn thiện các quy định, thủ tục hành chính (TTHC) phù hợp với hoạt động của chính quyền số, đẩy mạnh xử lý hồ sơ, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, hạn chế tiếp nhận trực tiếp hồ sơ giấy; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm tiếp xúc trực tiếp, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Công khai 66 TTHC của Sở và liên thông giải quyết giữa các cơ quan trên môi trường mạng; 100% cán bộ, công chức, viên chức tham gia hộp thư công vụ để giải quyết, trao đổi công việc. 100% văn bản đến, văn bản đi được xử lý thông qua phần mềm điện tử; 100% văn bản được ký số của cơ quan. 
 
Quan tâm đến nguồn nhân lực, ngành KHCN tỉnh đã có nhiều chính sách ưu đãi, trọng dụng và tạo điều kiện cho các nhà khoa học, chuyên gia giỏi nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời huy động trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới trên địa bàn tỉnh. ThS. Võ Thị Hảo - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng định hướng: Tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2030 trên địa bàn Lâm Đồng, trong thời gian tới, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin là hết sức quan trọng và là ưu tiên hàng đầu, điều đó cần có sự đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai ứng dụng công nghệ cao, đưa cuộc cách mạng 4.0 thấm sâu vào cuộc sống.
 
QUỲNH UYỂN