Tập trung phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS

06:04, 06/04/2022
Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng được tỉnh Lâm Đồng tập trung thực hiện nhiều năm qua.
 
Nhiều giải pháp được tập trung thực hiện nhằm nâng cao thu nhập cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều giải pháp được tập trung thực hiện nhằm nâng cao thu nhập cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
 
Theo số liệu thống kê từ Ban Dân tộc tỉnh, Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc anh em cùng sinh sống với trên 70 ngàn hộ, 333 ngàn nhân khẩu, chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh. 
 
Trong những năm qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã thực hiện đầu tư toàn diện vùng DTTS. Các chính sách đầu tư có tác động lớn, làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo của nông thôn vùng DTTS; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn từng bước được đầu tư ngày càng hoàn thiện; sản xuất nông nghiệp phát triển; sự nghiệp giáo dục, y tế, an sinh xã hội được chú trọng. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS được đảm bảo; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường. Công tác quy hoạch, đào tạo, tạo nguồn cán bộ người DTTS được quan tâm; hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào DTTS không ngừng được kiện toàn, củng cố, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm nhanh, hiện còn khoảng 3,58% (2.793 hộ); có 73/77 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; có 45/49 xã và 80/129 thôn đặc biệt khó khăn đã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn III. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, nâng cao; niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước được nâng lên, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững, củng cố, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
 
Tuy nhiên hiện nay, vùng DTTS của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực thấp, KT-XH phát triển chậm, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do vùng đồng bào DTTS xuất phát điểm thấp, khí hậu khắc nghiệt; chính sách còn một số hạn chế, bất cập.
 
Với mục tiêu phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng vùng đồng bào DTTS, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh, nhiều giải pháp đang được Lâm Đồng triển khai thực hiện đồng bộ. Theo đó, ngoài chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền về công tác dân tộc, các giải pháp về: đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững và phát huy văn hoá các dân tộc, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế trong vùng đồng bào DTTS cũng được triển khai đồng bộ. Riêng đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS, Lâm Đồng tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế so sánh, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển mạnh kinh tế hàng hóa nhiều thành phần; chú trọng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, kinh tế tư nhân, gắn sản xuất với chế biến, kết nối với thị trường, tạo chuỗi sản phẩm, gia tăng giá trị. 
 
Cuộc thi giã gạo phô diễn sự nhanh nhẹn, đảm đang của các mẹ, các chị. Ảnh: Q.Uyển
Cuộc thi giã gạo phô diễn sự nhanh nhẹn, đảm đang của các mẹ, các chị. Ảnh: Q.Uyển
 
Chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, gồm: hệ thống giao thông, thuỷ lợi, nước sinh hoạt, điện sinh hoạt và sản xuất; thiết chế văn hóa, giáo dục, thông tin, chợ,..; quy hoạch, bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ở những nơi thiết yếu; giải quyết, bố trí hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đối tượng đặc biệt khó khăn phù hợp với điều kiện của từng địa phương theo đúng quy định của pháp luật.
 
Tạo môi trường thuận lợi và ưu đãi, khuyến khích để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư trong vùng DTTS; liên kết với các hộ dân phát triển sản xuất theo hướng xã hội hoá; đặc biệt là khuyến khích, phát huy tối đa nguồn lực, lợi thế, ý chí tự lực của Nhân dân trong đầu tư phát triển kinh tế ổn định, bền vững. 
 
Hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa nông sản theo chuỗi giá trị; ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất có hiệu quả, phù hợp với trình độ, phong tục tập quán của địa phương; liên kết tổ chức sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ ổn định sản phẩm, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, phát triển mạnh các sản phẩm OCOP.
 
Ưu tiên giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, phát triển rừng cho hộ đồng bào dân tộc để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, nâng cao ý thức bảo vệ rừng, đa dạng hoá sinh kế của người dân, thực hiện các chính sách để ưu tiên thu hút đầu tư vào vùng dân tộc vùng DTTS...
 
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ từng bước thu hẹp căn bản khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng trong tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các hộ đồng bào dân tộc được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hoá chất lượng cao; tiếp tục thực hiện nâng cao các chỉ tiêu về phát triển sản xuất, kinh tế, văn hoá, xã hội, giảm nghèo nhằm từng bước phát triển toàn diện, nhanh, bền vững và hội nhập, đảm bảo an ninh, quốc phòng ổn định vững chắc.
 
NGỌC NGÀ