Theo chân những người giữ rừng

06:06, 30/06/2022
Bao đời nay, đồng bào dân tộc Tây Nguyên nói chung đều sống dựa vào rừng núi. Văn hóa - văn minh Tây Nguyên cũng gắn liền với núi rừng. Rừng là nơi cho bà con nước uống, thức ăn, cả thuốc chữa bệnh. Với bà con, rừng là nhà và vô cùng thiêng liêng. Chính vì vậy, những năm qua, chính sách giao rừng cho các hộ dân là người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên bảo vệ là một trong những giải pháp đang cho thấy phát huy hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng rất thiết thực.
 
Quá trình tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng của những người làm công tác QLBVR cũng gặp không ít những khó khăn do địa hình phức tạp, nguy hiểm rình rập, đi lại khó khăn
Quá trình tuần tra, kiểm tra, bảo vệ rừng của những người làm công tác QLBVR cũng gặp không ít những khó khăn do địa hình phức tạp, nguy hiểm rình rập, đi lại khó khăn
 
Từ TP Đà Lạt, theo Quốc lộ 27, chúng tôi qua huyện Lâm Hà để đến Đam Rông. Vừa qua khỏi địa phận của huyện Lâm Hà là chúng tôi đã chạm phải rừng. Và suốt hành trình đi đến trung tâm huyện, hay đi theo hướng nào chúng tôi cũng thấy rừng xung quanh. Bốn phía ở huyện này hình như đều là rừng. Nói như vậy để thấy rằng, diện tích đất rừng của huyện Đam Rông chiếm tỉ lệ rất lớn và trong giai đoạn phức tạp như hiện nay, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở vùng này đầy thách thức.
 
•  RỪNG GẮN BÓ TRUYỀN ĐỜI 
 
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là ở Trạm Quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) Liêng Srônh, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Sêrêpốk . Thật may mắn khi chúng tôi đến đúng vào lúc cán bộ kiểm lâm và các hộ, tổ nhận khoán QLBVR đang tổ chức buổi họp để phân công tuần tra, kiểm tra rừng. Đặt vấn đề xin được cùng theo chân đoàn đi tuần rừng, chúng tôi được bà con nhiệt tình chở bằng xe gắn máy đi sâu vào khu vực rừng thuộc xã Liêng Srônh hiện đang được giao khoán cho một số hộ dân là người dân tộc bản địa quản lý, bảo vệ.
 
Trên những chiếc xe gắn máy, nhóm chúng tôi luồn lách theo lối mòn dưới những tán cây lúc quang, lúc rậm khiến thỉnh thoảng cả người chở và người ngồi sau phải cúi rạp về phía trước để tránh bị cây đâm vào mặt. Một số đoạn thì đường vừa trơn, vừa dốc vô cùng nguy hiểm. Điểm đến cuối cùng là làng con Yah nằm lọt thỏm giữa rừng.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm đếm những cây rừng to cao 2, 3 người ôm, dừng lại bên một gốc cây to, anh Ha Sấp - Tổ trưởng Tổ QLBVR tự hào chia sẻ: "Tổ của anh gồm có 7 hộ gia đình đều là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng này, được Nhà nước tin tưởng giao khoán quản lý, bảo vệ 174 ha rừng. Mỗi tuần, các tổ viên đều tham gia họp cùng với Trạm QLBVR Liêng Srônh để phân công các tổ viên trực, tổ chức kiểm tra rừng nhằm kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm và nắm bắt tình hình. Đa số các tổ viên trong tổ coi rừng như là đất của nhà mình nên đều có ý thức cao và trách nhiệm với việc nhận khoán bảo vệ rừng".
 
Cùng chung suy nghĩ đó, chia sẻ với tôi, hầu hết các hộ nhận khoán bảo vệ rừng trong tổ của anh Ha Sấp đều có chung một suy nghĩ rằng, rừng xanh vốn đã như suối nguồn thấm vào từng mạch nước, thớ đất, gắn bó truyền đời, truyền kiếp với mỗi con người ở vùng đất này. Và việc được Nhà nước giao khoán quản lý, bảo vệ lại càng tiếp thêm sức mạnh và nhân thêm tình yêu, trách nhiệm đối với rừng của họ, vì vậy mà bà con rất có ý thức trách nhiệm trong công tác QLBVR. 
 
K’Hân, một tổ viên được giao quản lý, bảo vệ Tiểu khu 194, 195 thuộc BQLR Liêng Srônh cho biết, gia đình anh được giao khoán QLBVR từ năm 2014. Do hiện nay có hiện tượng một số kẻ xấu xúi giục bà con phá rừng, lấn chiếm đất rừng nên công tác tuần tra, bảo vệ càng phải thường xuyên và chiếm khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, bản thân anh vẫn cảm thấy rất vui khi được Nhà nước tin tưởng và giao công việc này. “Việc được giao khoán QLBVR ngoài giúp gia đình có thêm thu nhập từ quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng thì đó còn là niềm tự hào của gia đình tôi, bởi vì được Nhà nước tin tưởng. Sinh ra trên mảnh đất Đam Rông này, giữa những cánh rừng, vì vậy với chúng tôi rừng chính là nhà, là quê hương. Khi được Nhà nước tin tưởng giao khoán QLBVR, chúng tôi rất vui và xem đó là trách nhiệm cao cả của cả gia đình, dòng tộc và luôn nỗ lực làm việc một cách tốt nhất”. 
 
Và đúng như lời tâm sự của anh, hiện nay, việc giữ rừng đối với gia đình anh K’Hân đã trở thành truyền thống mà ngay cả những đứa trẻ nhỏ nhất trong gia đình cũng được cha mẹ dạy và nhắc nhớ, hiểu và ý thức được rằng, lên rẫy, lên rừng là để bảo vệ rừng.
 
•  KHÔNG CÓ DÂN, KHÓ QUẢN LÝ
 
Đam Rông có diện tích đất lâm nghiệp chiếm khoảng 77% diện tích tự nhiên; trong đó hầu hết bà con đang sinh sống trên địa bàn huyện là người đồng bào dân tộc thiểu số với 8.787 hộ/35.018 nhân khẩu (chiếm 74,4% dân số của toàn huyện) chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Để nhận được sự ủng hộ và chung tay của đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác QLBVR, các ban quản lý rừng ở huyện Đam Rông thời gian qua đã đến từng thôn tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Theo thống kê mới nhất, đến nay, địa phương đã giao 38.763 ha rừng cho tổ chức, hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số nhận quản lý, bảo vệ. Trong đó, giao khoán cho 1.231 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với diện tích 29.401 ha; giao khoán cho cộng đồng Thôn 6, xã Liêng Srônh với diện tích 382,5 ha; giao khoán cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an huyện, xã quản lý 5.654,5 ha; các chủ rừng nhà nước tự quản lý 2.043,8 ha; các doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng thực hiện 1.281,5 ha. 
 
Chia sẻ với chúng tôi về công tác QLBVR ở khu vực này, Phó Ban QLRPH Sêrêpốk cho biết: Ban hiện được giao quản lý 50.996,2 ha rừng. Hiện có 51 cán bộ, viên chức và người lao động tham gia công tác QLBVR làm việc tại Ban và 10 trạm QLBVR đóng trên địa bàn 6 xã. Với lực lượng khá mỏng này, nếu không có sự tham gia của người dân thì rất khó có thể quản lý được diện tích rừng rất lớn. 
 
Và thực tế cũng cho thấy, từ khi triển khai giao khoán các diện tích quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng, hộ gia đình thì ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt, qua đó không chỉ công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng tốt hơn mà còn giảm thiểu được việc chặt phá rừng làm nương của người dân địa phương và các vụ khai thác gỗ trái phép. Mừng hơn nữa là người dân còn có thêm thu nhập từ kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng để cải thiện cuộc sống, từ đó họ đã sống có trách nhiệm, yêu rừng hơn. Bà con nhận khoán bảo vệ rừng cũng cho thấy ngày càng đoàn kết, sát cánh cùng chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trong các hoạt động bảo vệ rừng bền vững. 
 
Hiện nay, Ban QLRPH Sêrêpốk đang thực hiện giao khoán QLBVR với diện tích 31.148,87 ha. Các tổ, tập thể nhận khoán thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng trên lâm phần nhận khoán, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ xảy ra vi phạm cao nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm lâm luật mới phát sinh. Thực tế thời gian qua, các tổ, tập thể nhận khoán cũng đã phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm, kịp thời báo cáo để phối hợp xử lý, ngăn chặn hiệu quả. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, qua công tác tuần tra rừng đã phát hiện 18 vụ vi phạm pháp luật, trong đó có 16 vụ xác định được đối tượng.
 
•  CẦN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TỐT HƠN
 
Chia tay với những người làm công tác QLBVR thuộc Ban QLRPH Sêrêpốk, chúng tôi đến với những cánh rừng thuộc quản lý của Ban QLRPH Phi Liêng. Mặc dù được giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng nhỏ hơn nhiều so với Sêrêpốk, tuy nhiên, đây lại là địa bàn khá nóng và phức tạp do người dân sống ven rừng, gần rừng, xen kẽ với rừng nhiều.
 
Để nâng cao ý thức và gắn trách nhiệm của người dân với công tác QLBVR; ngoài việc thực hiện giao khoán bảo vệ cho người dân địa phương, Ban QLRPH Phi Liêng còn tổ chức ký các bản cam kết đối với các hộ dân sinh sống ven rừng, gần rừng không được lấn chiếm đất rừng, chặt phá rừng. Ngoài ra, đến nay, Ban QLRPH Phi Liêng cũng đã giao cho 278 hộ, 15 tổ, 12 thôn trên địa bàn 2 xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng với diện tích 5.665,40 ha quản lý, bảo vệ. Các tổ hộ nhận khoán thường xuyên tổ chức tuần ra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm lâm luật.
 
Có thể thấy rằng, chương trình giao khoán cho người dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số gốc địa phương QLBVR thời gian qua đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình tìm hiểu, lắng nghe những ý kiến chia sẻ từ người dân nhận khoán và các cấp quản lý rừng, địa phương cơ sở tại huyện Đam Rông có thể nhận thấy, công tác QLBVR hiện vẫn còn những bất cập. Chi phí chi trả dịch vụ môi trường rừng so với chi phí sinh hoạt và mức sống hiện nay vẫn còn khá thấp, chưa đáp ứng được cuộc sống của người dân. Một số hộ dân kiến nghị rằng, Nhà nước cần quan tâm xây dựng chính sách hỗ trợ tốt hơn đối với những hộ, tổ nhận khoán QLBVR, tăng thêm phí chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bởi, có như vậy thì người dân mới có thể toàn tâm toàn ý, và sống chung thủy với rừng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi đất trở thành tài sản có giá trị cao và thực tế cũng cho thấy đang có những kẻ cơ hội lợi dụng sự nhẹ dạ, hạn chế về pháp luật, khó khăn về kinh tế của bà con ở các địa phương để tiếp tay cho chúng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.
 
Phóng sự: NGUYỄN NGHĨA