Hiệu quả của tín dụng chính sách trong giảm nghèo bền vững ở Lâm Hà

06:08, 02/08/2022
Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78, ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Lâm Hà, đến thời điểm này, có thể khẳng định rằng vai trò của chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng Nông thôn mới.
 
Giao thông vùng nông thôn Lâm Hà ngày càng khang trang
Giao thông vùng nông thôn Lâm Hà ngày càng khang trang
 
•  GIÚP NHIỀU HỘ NGHÈO CÓ ĐIỀU KIỆN CẢI THIỆN CUỘC SỐNG
 
Qua 20 năm triển khai thực hiện, có thể khẳng định rằng, mục tiêu vốn tín dụng chính sách đã giúp các hộ nghèo có điều kiện cải thiện cuộc sống. Ở vùng nông thôn như Lâm Hà, nguồn vốn tín dụng chính sách còn góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi (tín dụng đen), giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên thoát nghèo. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội mà rất nhiều người nghèo đã được vay, sử dụng vốn hiệu quả, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các khu vực, hoàn thành Chương trình xây dựng Nông thôn mới của các xã. 
 
Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lâm Hà, giai đoạn 2002-2022 có tổng số 13.219 lượt hộ nghèo trên địa bàn huyện đã được vay vốn với số tiền 308,6 tỷ đồng; 16.787 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề được vay vốn với số tiền 146,3 tỷ đồng; các đối tượng vay vốn để giải quyết việc làm theo Nghị quyết 120, ngày 11/4/1992 của Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) có 2.450 lượt khách hàng/80,7 tỷ đồng; Các đối tượng chính sách, người lao động đi lao động ở nước ngoài được vay vốn với 218 lượt người/12,8 tỷ đồng. Ngoài các đối tượng trên còn có 5.310 lượt hộ cận nghèo cũng được vay vốn với số tiền 195,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn có các đối tượng những xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 cũng được vay vốn tín dụng theo từng giai đoạn.
 
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 2,2 triệu đồng/người/năm của huyện năm 2002 lên 52 triệu đồng/người/năm vào năm 2021. Theo từng giai đoạn, đồng vốn tín dụng đã góp phần giúp 3.968 hộ thoát nghèo từ 9,6% xuống còn 2,75% trong giai đoạn 2010-2015. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,61% xuống còn 1,61% và cuối năm 2021 còn 0,98%. Nhìn chung, tỷ lệ hộ nghèo trung bình giảm từ 0,5-1% mỗi năm. 
 
Bên cạnh đó, đồng vốn tín dụng còn hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn vay ưu đãi để có thể đến trường, không phải bỏ học khi khó khăn về tài chính và người lao động có đủ điều kiện cũng được vay để đi lao động ở nước ngoài, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực. 
 
•  CẦN TĂNG MỨC CHO VAY VÀ MỞ RỘNG ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC VAY VỐN
 
Để đạt được kết quả này, ngoài sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện ủy, HĐND và UBND huyện, còn có vai trò rất lớn của các ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn, đặc biệt là Tổ cho vay ủy thác hỗ trợ vốn vay đến người dân để thực hiện có hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nguồn vốn và hạn mức cho vay để thực hiện chương trình tín dụng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là nguồn vốn cho vay để giải quyết việc làm. Đối tượng thụ hưởng cũng mới chỉ giới hạn trong phạm vi nhất định, các hộ gia đình có mức sống trung bình chưa được tiếp cận.
 
Để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả của tín dụng đối với người nghèo và chính sách khác góp phần tích cực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân kiến nghị Nhà nước cần quan tâm tăng thêm mức cho vay và mở rộng đối tượng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, cần có nhiều nguồn vốn hơn nữa cho chính sách này. Nghiên cứu quan tâm duy trì và mở rộng việc làm đối với những xã về đích nông thôn mới giai đoạn 2022-2025; có cơ chế chính sách và huy động mọi tầng lớp Nhân dân gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội để góp phần bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
 
NGUYỄN NGHĨA