10 năm dạy nghề lao động nông thôn (bài 1)

06:10, 31/10/2022
Sau 10 năm triển khai chỉ thị của Trung ương, Lâm Đồng đã cụ thể hóa việc dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với các chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Qua đó góp phần không nhỏ vào chiến lược đổi thay diện mạo “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” không ngừng phát triển. Đồng thời, nhìn nhận xác đáng những vấn đề tồn tại để hoạch định mục tiêu “phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp”, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động trong tương lai. 
 
Bài 1: Cả hệ thống vào cuộc 
 
Để thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Ban Bí thư về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” (gọi tắt là Chỉ thị số 19), Lâm Đồng đã xây dựng, ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch hướng đến tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề lao động nông thôn. Một trong những điểm nổi bật đó là đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề trong tỉnh. 
 
Các cơ sở dạy nghề bổ sung nhiều danh mục nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Ảnh: Việt Hùng
Các cơ sở dạy nghề bổ sung nhiều danh mục nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Ảnh: Việt Hùng
 
Ngay sau khi Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có công văn chỉ đạo các ban Đảng, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, các thành ủy, huyện ủy và đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy quán triệt sâu sắc nội dung chỉ thị nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên về vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nông dân. Từ đó, xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch 5 năm, hàng năm một cách có hiệu quả. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp với các đoàn thể thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với Chương trình xây dựng Nông thôn mới; khảo sát nhu cầu đào tạo nghề của lao động tại địa phương, đánh giá nhu cầu việc làm của xã hội, lựa chọn đào tạo các ngành nghề phù hợp với thực tiễn cũng và cơ cấu kinh tế của địa phương.
 
Bởi tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của đào tạo nghề sẽ đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng chất lượng sản phẩm nông nghiệp, phát triển ngành nghề nông thôn. Vì vậy các đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh triển khai luôn gắn với kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương trình xây dựng Nông thôn mới của tỉnh. Qua đó, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định “đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh” cùng chính sách thuộc “danh mục nghề và mức hỗ trợ học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh” giai đoạn 2014-2020 và quyết định “đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động tỉnh” cùng “danh mục nghề và mức hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho lao động tỉnh” giai đoạn 2016-2020... 
 
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, sau khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 19, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp. Cụ thể là tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; in ấn và cấp phát 5.000 tờ rơi, áp phích về chính sách hỗ trợ học nghề đến tận thôn, buôn và hộ gia đình; tuyên truyền trên trang thông tin của ngành, xây dựng website về dạy nghề của tỉnh. Các hội, đoàn thể phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như Trung tâm Dịch vụ việc làm tham gia tư vấn học nghề, tạo việc làm cho đoàn viên, hội viên; tổ chức hội nghị tư vấn tập trung, tư vấn tại hộ gia đình; tổ chức đưa người tham gia các ngày hội việc làm.... Từ đó, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến với nhiều lao động và được người dân tham gia tích cực. 
 
Theo thống kê, toàn tỉnh có 39 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 5 trường cao đẳng đó là Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng, Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc và Cao đẳng Du lịch Đà Lạt (từ tháng 8/2022, các trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng và Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt sáp nhập thành trường Cao đẳng Đà Lạt). Đáng chú ý trong đó Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt được chọn đầu tư để phát triển thành trường chất lượng cao và là trường thực hiện đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc gia. Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo nghề của Lâm Đồng còn có 2 trường trung cấp, 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (gồm 11 trung tâm thuộc UBND các huyện, thành phố và 7 trung tâm ngoài công lập) và 14 doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp. Số cán bộ quản lý và giáo viên của mạng lưới cơ sở dạy nghề trên toàn tỉnh là 1.225 người, trong đó cán bộ quản lý 175 người, còn lại là giáo viên. Về trình độ của giáo viên có chuyên môn trên đại học 145, đại học 426, cao đẳng 90, trung cấp 376 và trình độ khác 13 người. 
 
Theo ghi nhận, mạng lưới cơ sở dạy nghề và lực lượng quản lý, đào tạo nêu trên đã đáp ứng tốt nhu cầu học nghề của lao động trong tỉnh những năm qua.
(CÒN NỮA) 
 
TUẤN LINH - XUÂN TRUNG