Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số

02:01, 01/01/2023
Năm 2022, tỉnh Lâm Đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - Xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1920 (gọi tắt Chương trình). Chương trình triển khai đến năm 2025 với 10 dự án, trong đó có Dự án Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 
 
Công trình sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao của Trường PTDT nội trú THPT Lâm Đồng do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ khánh thành tháng 12/2022
Công trình sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao của Trường PTDT nội trú THPT Lâm Đồng do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ khánh thành tháng 12/2022
 
Chương trình triển khai thực hiện tại Lâm Đồng gồm 77 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm và 44 thôn có 15% dân số trở lên là người DTTS thuộc 12 huyện, thành phố. Mục tiêu cụ thể là 100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường, học sinh trong độ tuổi học tiểu học, học sinh trung học cơ sở đạt từ 95-99,5%. Cùng với đó, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%, hỗ trợ dinh dưỡng cho 100% trẻ em suy dinh dưỡng. Vùng DTTS đạt 50% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người vùng DTTS. 
 
Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gồm có 4 tiểu dự án. Đó là: Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú, bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng DTTS. Nội dung thực hiện gồm: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 8 trường phổ thông nội trú, bán trú, có học sinh bán trú; nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất cho 46 khối phòng/công trình ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và phòng công vụ giáo viên; nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất/khối phòng/công trình phục vụ bổ sung, nâng cấp các công trình phụ trợ khác; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số giáo dục phục vụ giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh đồng bào DTTS. 
 
Bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vùng DTTS bao gồm: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho CBCCVC nhóm đối tượng 2, 3 và 4; lực lượng công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng DTTS. Dạy tiếng DTTS cho CBCCVC cấp huyện; lực lượng công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng DTTS. 
 
Với tiểu Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS bao gồm: Xây dựng các mô hình đào tạo nghề, đặt hàng đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán của vùng DTTS gắn với giải quyết việc làm và hiệu quả việc làm sau đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ người lao động thuộc vùng DTTS để đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Cùng đó, chuẩn hóa kỹ năng lao động và kết nối hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm. Cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người đồng bào DTTS. Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng DTTS. Tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài; kiểm tra, giám sát đánh giá các nội dung theo mục tiêu của tiểu dự án và đề xuất điều chỉnh trong quá trình thực hiện. 
 
Với tiểu Dự án Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai kế hoạch ở các cấp gồm: Xây dựng tài liệu và đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc; ưu tiên các nội dung giới thiệu về cách tiếp cận, phương pháp và các mô hình giảm nghèo thành công. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh cho các đối tượng trực tiếp thực hiện kế hoạch… Thực hiện nâng cao năng lực chuyên sâu phù hợp với điều kiện, đặc điểm của các nhóm địa bàn; ưu tiên các xã còn yếu về năng lực làm chủ đầu tư về thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù; ưu tiên những thôn sẽ trực tiếp thực hiện những dự án, công trình cụ thể; tập trung các nội dung còn thiếu, còn yếu của cán bộ cơ sở, đại diện cộng đồng… Phát triển giáo dục, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực triển khai thực hiện đến hết năm 2025. Dự kiến nhu cầu vốn là 431.286 triệu đồng, bao gồm vốn sự nghiệp 308.775 triệu đồng và vốn đầu tư phát triển 122.511 triệu đồng.
 
Người lao động đồng bào DTTS được trang bị kiến thức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Người lao động đồng bào DTTS được trang bị kiến thức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
 
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ GDĐT được giao đầu mối triển khai 2 nhiệm vụ: Đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc và đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDT nội trú, bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng DDTS. Cuối tháng 11 vừa qua, lãnh đạo Bộ này cho biết, nội dung nâng cao chất lượng dạy và học đối với trường PTDT nội trú, bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú, Bộ đang tập trung xây dựng tài liệu, học liệu và cấp phát cho các nhà trường. Đồng thời, triển khai việc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDT nội trú, bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú về các nội dung quản lý và giáo dục đặc thù. Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập. Trong đó, một số nội dung đầu tư chưa được thể hiện trong Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số quy định hiện hành chưa đầy đủ, không còn phù hợp thực tế… gây khó khăn cho địa phương thực hiện. Nguồn vốn, tiến độ giải ngân, xác định đối tượng, địa điểm đầu tư,... cũng là những vướng mắc hiện nay. Đối với ngành GDĐT cần tăng cường công tác quản lý và điều hành, tiếp tục rà soát những khó khăn vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình tổ chức thực hiện Chương trình. UBND tỉnh cùng việc khẩn trương hoàn thiện ban hành các quy định về quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện còn là quản lý, chỉ đạo chặt chẽ, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện giữa các dự án, tiểu dự án. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để phổ biến, vận động Nhân dân vùng DTTS và miền núi tham gia tích cực việc triển khai thực hiện Chương trình.
 
MINH ĐẠO