Những trái tim thổn thức với rừng

08:12, 12/12/2014

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà - cái tên khá quen thuộc đối với những ai thích khám phá. Nơi đây không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, mà còn có những người con của núi đang ngày đêm giữ nhịp sống cho rừng.

Vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà - cái tên khá quen thuộc đối với những ai thích khám phá. Nơi đây không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vỹ, mà còn có những người con của núi đang ngày đêm giữ nhịp sống cho rừng.
 
 Ha Trái, một thành viên CBET đang diễn giải cho du khách về cây rừng
Ha Trái, một thành viên CBET đang diễn giải cho du khách về cây rừng
 
Họ là thành viên của nhóm Du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (CBET) ở xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương thuộc Vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà. Dự án “Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng được thực hiện từ 5 năm nay. CBET được thành lập nhằm tăng cường tính ổn định của môi trường, xã hội, văn hóa, để những người tham gia trực tiếp quản lý nguồn tài nguyên của chính mình.
 
Họ chính là những người dân tộc Cil, sinh ra trên mảnh đất Đa Nhim. Tuổi thơ, kỷ niệm và tình yêu của họ tất cả đều gắn với rừng. Trước đây bà con chỉ biết sống dựa vào rừng và thích đi vào rừng đơn giản vì đó là nơi mang lại sự thoải mái “đi xa rừng thấy nóng, thấy ngột ngạt khó chịu, chỉ trở về với rừng mới thấy thoải mái dễ chịu hơn nhiều”. Rồi “qua những lớp tập huấn và nhiều lần trực tiếp dẫn đoàn là các nhà khoa học tới tham quan và nghiên cứu hệ sinh thái tại VQG, chúng tôi hiểu hơn về rừng và nhất là tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống. Rừng không chỉ quan trọng đối với riêng bà con nơi đây, mà rừng còn quan trọng đối với cả bà con dưới xuôi, bởi nếu không có rừng thì sẽ có lũ lụt, hạn hán.” - Cil Phi Crieu Ha Trái (27 tuổi), thành viên nhóm CBET chia sẻ.
 
Có dịp cùng đi và trò chuyện với những thành viên CBET mới thấy được họ yêu rừng như thế nào. Liêng Hot Ha Kim (26 tuổi) hiểu từng ngọn cây, con suối trong rừng. Mỗi lần dẫn du khách đi tham quan các tuyến, anh như trở thành một nhà khoa học, nhà diễn giải chính hiệu. Anh hào hứng giới thiệu với du khách hầu hết những loại cây trên tuyến đi. Mùa nào thức nấy, Ha Kim hồn nhiên giới thiệu rồi cho vào miệng mình ăn ngon lành những trái muối, trái dâu rừng… Và đôi khi anh vô tư vục đầu vào dòng nước mát lạnh chảy ra từ khe đá. Khách đi nhóm của Ha Kim trở về lúc nào cũng tỉnh táo, vui vẻ vì đã gội đầu, uống nước suối và mang theo những chùm hoa, quả rừng. 
 
Nếu như Ha Kim hiểu từng cây rừng thì Cil Phi Crieu Thani (36 tuổi) lại là người hiểu rất nhiều về những câu chuyện của người xưa gắn với rừng và cả ý nghĩa tên mỗi ngọn núi, con dốc trong rừng. Thani được xem là “người dẫn đường cá tính”, vì ngoài việc diễn giải môi trường, Thani còn là người lôi cuốn du khách qua những câu chuyện của dân tộc mình. Anh kể về những ngọn núi, cây Pơ Mu, cây thông hai lá… cây nào cũng có linh hồn, núi nào cũng có lịch sử như con người. Đó là lý do bà con không chặt cây bừa bãi. Và không chỉ với du khách, ngay cả với gia đình, bà con hàng xóm mình, Thani cũng là người diễn giải về rừng đầy uy tín. Thani nói “Mình muốn bà con không chặt rừng làm nương rẫy bừa bãi nhiều như trước đây nữa. Nếu mình có 2, 3 mẫu đất mà không có tiền đầu tư, không có kiến thức để sản xuất, thì cũng không bằng người chỉ có 5, 6 sào mà đầu tư hiệu quả”. Chợt nghĩ, nếu ai cũng như Thani thì rừng sẽ mãi thắm sắc xanh.
 
Còn Ha Trái, anh cũng có cách yêu rừng của riêng mình. Mỗi lần đi rừng thấy rác của ai trong đoàn vứt xuống anh đều chú ý lượm lên. Với Ha Trái “nếu một người vứt một cái rác nhỏ thì không sao, nhưng nếu trăm người vứt, ngàn người vứt thì rồi đây tuyến đường mình đi sẽ trở thành bãi rác, chứ không còn trong sạch như ban đầu”. Các anh ở Trung tâm du lịch của VQG kể lại, có lần Ha Trái dẫn đoàn, một thành viên vô tình vứt rác xuống, mọi người đi tiếp còn Ha Trái lặng lẽ đi về cuối đoàn và nhặt rác cho vào túi áo. Người vứt rác ấy đã nhìn thấy và nói lời xin lỗi với Ha Trái. Và bất cứ CBET nào khi dẫn khách, ai cũng mang theo túi bóng để nhặt rác giữa rừng. 
 
Tất cả họ quen từng gốc cây dốc núi, từng loài chim và cả sâu bọ trong rừng. Họ biết kinh nghiệm đi rừng phải bước nhanh để tránh vắt bám, kinh nghiệm tránh ruồi vàng… Có lẽ vì đã đi rừng quá nhiều nên mọi thứ trong rừng từ cây cỏ đến con vật đều quen với hơi thở của các anh. Có lẽ đó là lý do chúng tôi mang theo những vết vắt cắn, sẹo ruồi vàng đốt về thành phố, còn các anh - những người sống mãi với rừng thì không bị. “Tụi anh sống không thể thiếu rừng mà” - Thani lại cười bộc bạch.
 
Anh K’ Vâng, Tổ trưởng Tổ Du lịch sinh thái tại Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường, VQG Bidoup Núi Bà nhận định: “Các bạn làm du lịch cộng đồng chính là linh hồn của hình thức du lịch này ở Bidoup. Ngoài những hiểu biết vốn có về rừng, các bạn còn không ngừng học hỏi, hoàn thiện mỗi ngày bởi rừng luôn chứa nhiều bí ẩn. Các bạn tìm tới những già làng để thu thập những câu chuyện về phong tục, văn hóa của chính dân tộc mình. Đó không chỉ là cách làm tốt công việc, tăng thêm thu nhập mà quan trọng hơn đó chính là cách họ giữ rừng và giữ gìn văn hóa của cha ông”.
 
Những cô gái, chàng trai người bản địa làm du lịch cộng đồng đang là nhân tố quan trọng khiến nhiều du khách muốn đến với mảnh đất này. Bởi nơi đây không chỉ có vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vỹ của núi rừng Bidoup mà có lẽ còn bởi vì nơi này có những trái tim luôn thổn thức vì rừng.
 
Ngọc Ngà