Người trở về từ lòng biển

09:01, 28/01/2016

Thời gian ở bên nhau của đôi vợ chồng trẻ vừa có đứa con đầu lòng ấy, có lẽ chỉ tính được ở những đốt bấm tay. Một người ở núi cao, người kia ngoài khơi xa, ở sâu dưới lòng biển, đằng đẵng xa cách nhưng không vì thế mà tình yêu họ dành cho nhau vơi cạn. 

Thời gian ở bên nhau của đôi vợ chồng trẻ vừa có đứa con đầu lòng ấy, có lẽ chỉ tính được ở những đốt bấm tay. Một người ở núi cao, người kia ngoài khơi xa, ở sâu dưới lòng biển, đằng đẵng xa cách nhưng không vì thế mà tình yêu họ dành cho nhau vơi cạn. 
 
Anh Đăng và chị Long bất ngờ ngày gặp lại
Anh Đăng và chị Long bất ngờ ngày gặp lại
Sinh ra ở Đà Lạt, thành phố trên núi cao, nhưng chẳng hiểu sao lúc chào đời, Phạm Hải Đăng đã được cha mẹ đặt cho cái tên gần gũi với biển đến vậy. Có lẽ vì là một “ngọn đèn biển” nên cũng tự nhiên anh tìm đến với sóng gió biển khơi như một định mệnh. Học hết phổ thông, anh đăng ký hồ sơ thi vào Học viện Hải quân và giờ đã là một sĩ quan với quân hàm Thượng úy. Càng đặc biệt hơn, khi anh đang công tác tại Lữ đoàn 189, “cú đấm thép” của Hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam và anh là một trong số ít người lính của quân chủng này vinh dự được tuyển chọn và giao trọng trách “ngự trị” trên chiếc tàu ngầm kilo 636 HQ - 183 TP. Hồ Chí Minh, chiếc tàu ngầm từng được mệnh danh là “hố đen vũ trụ”.
 
Chị Nguyễn Thị Long, vợ anh là một giáo viên của Trường chuyên Thăng Long. Cô giáo, người vợ trẻ ấy có lẽ chưa hưởng hết ngọt ngào của những ngày yêu nhau, trong ấm nồng của đôi vợ chồng son thì đã cảm nhận được thiếu vắng trong những ngày xa cách. Vì công việc, anh ít về. Chị ở nhà bổn phận dâu con làm tròn, vợi bớt nhớ nhung khi anh chị có cô con gái nhỏ đầu lòng. Chị nói: “Những lần ôm con gọi điện cho chồng, cho anh nghe tiếng con bi bô, rồi nghe tiếng anh an ủi động viên, vỗ về yêu thương, dù xa cách cũng gần hơn rất nhiều”.
 
Anh thì vẫn kiệm lời, ít nói như tác phong người lính, chỉ biết: “Cảm ơn cô ấy vì đã thay tôi chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ, nuôi con nhỏ trong những ngày công tác xa nhà. Và hơn hết là tình yêu cô ấy dành cho tôi…”.
 
Đăng kể, ngày mới ra trường, đi xa cũng không thấy nhớ nhà nhiều lắm. Khi bố mẹ già, thấy muốn đường về gần hơn; có vợ, con nhỏ lại càng muốn đường về nhà ngắn lại. Nhưng đã “trót” mang màu áo lính, lại là lính biển nên phải biết chấp nhận tất cả, kể cả hy sinh. Đã là người lính, dù ở lực lượng nào, đơn vị nào đều phải có niềm tự hào, cả sự kiêu hãnh về màu áo, quân phục mình đang mặc, thì mới có thể phấn đấu và làm tròn nhiệm vụ. Anh chia sẻ: “Nói thì bảo là sách vở, giáo điều, nhưng được sống là làm việc, chiến đấu trong Quân chủng Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam, lại được chiến đấu trong đơn vị tàu ngầm, điều này luôn là niềm mơ ước của tôi. Không được ở bên vợ con nhiều, không có thời gian chăm sóc cho gia đình, nhưng có lẽ cha mẹ và vợ con cũng hiểu và cảm thông cho tôi”.
 
Tôi lại chợt nghĩ, học trò của chị Long ở Trường chuyên Thăng Long đương nhiên là những đứa học trò may mắn. Là giáo viên dạy môn Địa lý, lại có chồng là lính biển, đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời, chủ quyền của Tổ quốc, những bài giảng của chị sẽ sâu lắng hơn; những Trường Sa, Hoàng Sa, biển Đông sẽ gần hơn trong trí nhớ của đám học trò, khiến chúng thêm yêu đất nước, biết trân trọng và nâng niu những gì mà cha ông đã đánh đổi bằng xương máu để giữ gìn.
 
Anh vừa mới trở về Đà Lạt trong một cuộc giao lưu với các bạn trẻ về biển đảo, về những vất vả, cống hiến và hy sinh mà những người lính Hải Quân đã trải qua. Chưa kịp ghé nhà thăm gia đình, bất ngờ gặp lại chị và con gái nhỏ ở nơi cách nhà chừng vài cây số. Hạnh phúc vỡ òa, bất ngờ và vẫn vẹn nguyên như thưở mới yêu.
 
Với Phạm Hải Đăng và những người trở về từ lòng biển khơi như anh, họ vẫn đang từng ngày, từng giờ viết tiếp dài thêm những bản tình ca…
 
TUẤN LINH