Khi thanh niên tiên phong lập nghiệp

08:06, 28/06/2018

Những năm gần đây, đội ngũ thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Tà Nung (TP Đà Lạt) đã có ý thức hơn trong việc lập nghiệp. Và họ đã biến những triền đất sỏi đá, có giá trị kinh tế thấp thành nơi tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Những năm gần đây, đội ngũ thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Tà Nung (TP Đà Lạt) đã có ý thức hơn trong việc lập nghiệp. Và họ đã biến những triền đất sỏi đá, có giá trị kinh tế thấp thành nơi tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
 
Mô hình trồng hoa đồng tiền của thanh niên ở xã Tà Nung. Ảnh: Đ.T
Mô hình trồng hoa đồng tiền của thanh niên ở xã Tà Nung. Ảnh: Đ.T
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tà Nung, chị Cil Múp K’Plơm thông tin: Hiện nay, toàn xã có 257 thanh niên là hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; trong đó, có 117 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) sinh hoạt tại các chi đoàn trực thuộc Đoàn xã. Trước đây, đa phần thanh niên ở địa phương làm nương rẫy, làm thuê làm mướn, nhưng giờ đây họ đã bước đầu tự chủ về kinh tế, đầu tư nhà kính để trồng hoa, rau, củ, quả...
 
Năm 2015, Cil Ha Điền (đoàn viên Thôn 5) phá bỏ vườn cà phê già cỗi để xây dựng nhà kính trồng hoa đồng tiền với diện tích 1.200 mét vuông. Theo anh Cil Ha Điền, với diện tích cà phê trên thì thu nhập chỉ chừng 7 - 8 triệu đồng/năm. Mọi chi tiêu trong gia đình anh chỉ trông chờ vào khoản tiền ấy nên khó khăn là điều không thể tránh khỏi. Nhận thấy việc trồng hoa đồng tiền mang lại thu nhập cao, Cil Ha Điền đã quyết tâm lập nghiệp, huy động nguồn vốn để hình thành khu vườn. Đến nay, kinh tế gia đình anh đã có sự bứt phá đi lên, trừ mọi chi phí mỗi tháng vườn hoa đồng tiền mang về cho anh trên 10 triệu đồng. 
 
Thành công với mô hình trồng hoa đồng tiền nhưng chàng thanh niên Cil Ha Điền không giữ điều đó cho riêng mình. Nhiều thanh niên địa phương đã được anh chia sẻ kinh nghiệm để phát triển các mô hình trồng hoa đồng tiền. Gia đình chị Lơ Mu Ka Xôi (đoàn viên Thôn 2) trước đây cũng canh tác cà phê, nhưng kể từ khi được Cil Ha Điền tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm chị đã quyết tâm đầu tư nhà kính trồng hoa đồng tiền. Chị Lơ Mu Ka Xôi chia sẻ: “Phần lớn thanh niên đồng bào DTTS mình không có điều kiện về kiến thức hay nguồn vốn, chính vì vậy có những mô hình làm ăn kinh tế hay ở địa phương thì mình rất dễ để học hỏi. Trồng hoa mang lại thu nhập cao hơn cà phê, mặt khác thu nhập cũng đến nhanh hơn, tháng nào cũng có đồng ra đồng vào để trang trải cho cuộc sống. Trước đây, gia đình tôi chỉ trông chờ vào nguồn thu từ cây cà phê, ăn uống, con cái ăn học đều từ đây ra cả, nhiều lúc túng thiếu lắm...”. 
 
Có thể nói việc lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương của những thanh niên đồng bào DTTS ở xã Tà Nung đã thổi một luồng gió mới, thay đổi hẳn thói quen canh tác của người dân nói chung và thanh niên nói riêng. Nếu như trước đây, trong tiềm thức của những ĐVTN nơi đây thì chung quy chỉ có canh tác cà phê và một số cây trồng khác. Nhưng chỉ trồng trọt theo kiểu “độc canh” phụ thuộc vào thời tiết, còn việc đầu tư nhà kính, sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao thì chỉ thấy ở các địa phương khác. Việc đầu tư và bước đầu thành công của Cil Ha Điền, Lơ Mu Ka Xôi đã đặt nền móng cho nhiều mô hình thanh niên địa phương dám nghĩ, dám làm, dám lập nghiệp...
 
Anh Cil Lý Hoàng Thắng (đoàn viên Thôn 2), trước đây canh tác vài sào cà phê, thời gian rảnh rỗi thì vác cuốc đi làm thuê làm mướn đến nay anh đã sở hữu nhà kính trồng ớt chuông, nguồn thu nhập từ cây ớt chuông đã giúp gia đình anh cải thiện được cuộc sống, sắm được nhiều vật dụng đắt tiền trong gia đình. Hay, anh Liêng Hót The (Thôn 2) cũng mạnh dạn vay mượn, huy động nguồn vốn của gia đình để xây dựng nhà kính trồng rau, củ, quả. Liêng Hót The chia sẻ rằng, mình làm nhà kính để trồng rau, củ, quả, vào những lúc thu hoạch thì mình có thuê một số nhân công là thanh niên trên địa bàn; hy vọng rằng, tới đây cũng có nhiều thanh niên đồng bào DTTS mình lập nghiệp bằng hướng đi mới này. Nhiều lúc trong khi làm việc mình cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, để mai này những thanh niên đó lập nghiệp bằng hướng đi này thì cũng không khỏi bỡ ngỡ, có một chút kinh nghiệm làm vốn. 
 
Theo Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tà Nung thì số lượng thanh niên lập nghiệp bằng việc xây dựng nhà kính, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của đội ngũ thanh niên trên địa bàn xã vẫn còn giới hạn. Nhưng sự thành công bước đầu của các thanh niên vùng đồng bào DTTS đã khẳng định rằng thói quen canh tác, suy nghĩ và nhận thức của đội ngũ trẻ đã có bước thay đổi rõ rệt.
 
ĐỨC TÚ