Cánh đồng nửa tỷ

08:02, 12/02/2013

Đơn Dương xứ sở của cây rau thương phẩm, nhưng để chọn ra cái nôi gieo trồng chuyên canh lơ-ghim lâu đời nhất phải nói đến xã Lạc Lâm. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, vậy mà từng mảnh vườn, thửa ruộng vẫn nặng lòng với rau xanh, đồng hành cùng người nông dân trong cuộc mưu sinh không ngừng nghỉ dù chỉ một mùa vụ.

Đơn Dương xứ sở của cây rau thương phẩm, nhưng để chọn ra cái nôi gieo trồng chuyên canh lơ-ghim lâu đời nhất phải nói đến xã Lạc Lâm. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, vậy mà từng mảnh vườn, thửa ruộng vẫn nặng lòng với rau xanh, đồng hành cùng người nông dân trong cuộc mưu sinh không ngừng nghỉ dù chỉ một mùa vụ.

Cà chua Lạc Lâm có năng suất, chất lượng đứng đầu huyện Đơn Dương
Cà chua Lạc Lâm có năng suất, chất lượng đứng đầu huyện Đơn Dương

 
Ngót nửa thế kỷ rau xanh

Cư dân Lạc Lâm sinh sống dọc theo quốc lộ 27, phía Đông Bắc dựa lưng vào những dãy núi, rừng thông có nơi cao trên 1.500m so với mực nước biển, án ngữ phía trước mặt là dòng sông Đa Nhim tạo thành địa hình lòng chảo ven sông. Với vị trí địa lý này, thung lũng lòng chảo bên sông chỉ cung cấp cho cư dân khoảng 344ha đất phù sa thích hợp gieo trồng cây rau các loại, chiếm 15% diện tích tự nhiên của xã. Ngoài sông Đa Nhim, ven suối Lạc Sơn, suối M’răng còn có những rẻo đất hẹp trồng trọt và là nguồn mạch chính tưới tắm cho đồng rau xanh ngát bốn mùa, nguồn nước sinh hoạt của người dân. Phác thảo điều kiện thổ nhưỡng, thuỷ văn như thế để thấy, mặc dù hạn hẹp về diện tích sản xuất nông nghiệp song nền canh nông nơi đây vẫn đóng góp cho kinh tế xã tới 70% tổng thu nhập. Ông Nguyễn Văn Tuyến, 57 tuổi đến định cư ở Lạc Lâm từ lâu cho hay: Đất đai ven sông Đa Nhim xưa kia là rừng dầu rậm rạp khiến cỏ lau, búi sậy cũng không mọc được. Người dân dùng cuốc chim móc đất đánh bật từng gốc dầu mà thành hình vườn tược từ những năm 50 của thế kỷ trước. Đa số người dân Lạc Lâm là người Bắc di cư vào sinh sống vốn chịu thương chịu khó làm lụng, lại quen việc canh điền, riết rồi tạo dựng cái nôi của vùng rau ở trấn D’ran từ thuở ấy. Cứ hết trồng sú lại khoai tây, hai loại cây trồng này luân phiên qua năm này tháng nọ đến nay cũng ngót nửa thế kỷ trôi qua. “Người dân Lạc Lâm xây dựng nhà cửa, mua đất, tậu vườn, cho con cái học hành đỗ đạt cũng từ sự cưu mang của cây rau” - lão nông Nguyễn Văn Tuyến cho hay.

Cánh đồng gần nửa tỷ

Mặc dù là xã thuần nông nhưng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Lạc Lâm chỉ dừng lại con số 475ha, trong đó có hơn 30ha đất chân ruộng nước trồng củ năng, còn lại bao nhiêu được người dân trồng rau bấy nhiêu. “Đất đai ít ỏi như vậy làm sao dám nói đến làm giàu. Điều quan trọng là Lạc Lâm phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đấy cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà chính quyền xã đặt ra nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là đối với cây rau thương phẩm” - Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tiến bộc bạch. Quá trình chuyển hoá nền nông nghiệp sang sản xuất theo hướng nông nghiệp cao chỉ mới diễn ra chưa đầy chục năm nay. Ban đầu từ sự hỗ trợ của Nhà nước xây dựng một vài mô hình thí điểm trồng rau cao cấp mang lại hiệu quả. Rồi thì kiên trì vận động nông dân thấy cái lợi của việc đầu tư canh tác theo hướng hàng hoá đem lại mà bắt tay vào làm. Nhờ vậy, nếu như năm 2005, thu nhập từ lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạt 57 tỷ đồng/năm thì đến năm 2010 đã tăng  gấp đôi, đạt khoảng 120 tỷ đồng. Còn năm 2012 này, tốc độ tăng trưởng đạt 17%, trong đó tổng thu nhập từ nông nghiệp đạt mức 187 tỷ đồng, chiếm 70% cả nền kinh tế xã. Nông dân Lạc Lâm sản xuất chủ yếu các loại rau từ cải thảo, tần ô, hành lá, xà lách, ngò đến cà chua, ớt tây, hành tây, khoai tây, đậu ve, bắp sú… Năng suất bình quân đạt khoảng 3,5 tấn/sào, có loại đạt gần 5 tấn/sào, đặc biệt nếu là rau cao cấp được trồng trong nhà lưới, nhà kính năng suất lên đến 12 tấn/sào/vụ gieo trồng. Thống kê của xã cho thấy, có tới hai phần ba diện tích trồng rau đã được người dân ứng dụng phủ bạt, gần 40ha được đầu tư nhà lưới, nhà kính và ngày càng được nông dân đầu tư hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt. Theo nông dân Lạc Lâm, khác với cây rau được nông dân canh tác theo kiểu truyền thống lâu nay, nếu được đưa vào nhà lưới, nhà kính và ứng dụng kỹ thuật tưới tiêu hiện đại, ngoài vốn đầu tư ban đầu ở mức cao ra nông dân sẽ có lợi nhiều mặt. Bên cạnh việc giảm thiểu đầu tư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn cho năng suất, chất lượng rau thương phẩm cao, còn giảm đáng kể ngày công lao động. Và một người có thể chăm sóc được 5 sào nếu được đầu tư theo hướng nông nghiệp cao vì ngày công bón phân, làm cỏ, xịt thuốc ít hơn cách thức gieo trồng truyền thống. Với sự tăng trưởng từ nền nông nghiệp, đồng rau Lạc Lâm mỗi năm cho thu nhập bình quân gần 400 triệu đồng/ha.

Và nông thôn mới

Hai trụ cột phát triển kinh tế của Lạc Lâm đó là sản xuất nông nghiệp và thương mại, tiểu thủ công nghiệp. Với hơn 100 xe tải các loại, Lạc Lâm có đội quân chuyên chở rau xanh đi các tỉnh, thành đông đảo nhất vựa rau Đơn Dương. Cùng với gần 70 vựa rau thu mua, đóng hàng xuất bán nơi khác góp phần đáng kể kích hoạt nền canh nông rau xanh nơi này phát triển. Tổng hợp doanh thu từ các trụ cột của nền kinh tế xã bao gồm: sản xuất nông nghiệp đạt 187,3 tỷ đồng, chăn nuôi đạt 63 tỷ đồng, thương mại và tiểu thủ công nghiệp đạt 59,3 tỷ đồng… nếu đem chia cho tổng số nhân khẩu trong xã, thu nhập bình quân đầu người năm 2012 này sẽ đạt mức trên 31 triệu đồng/năm. Đấy là chưa kể xã Lạc Lâm thu hút cả 1.000 lao động từ các nơi đến làm thuê trên đồng ruộng, vựa rau với mức thu nhập từ 120 - 150 ngàn đồng/ngày. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Tiến cho biết, con đường phát triển của Lạc Lâm sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh việc chuyển đổi giống chất lượng và ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Đồng thời giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế xã. Điều quan trọng đối với nông dân phải có vốn đầu tư. Theo chủ trương của huyện, hiện các ngân hàng cũng đã sẵn sàng cam kết cho vay vốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mức cho vay cao và thủ tục tiếp cận vốn đơn giản hơn trước đây. Mục tiêu của xã đặt ra trong năm 2013 này là nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 40 triệu đồng/năm cao nhất nhì huyện Đơn Dương. Qua đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 3%, tương đương vài chục hộ. Và khi kinh tế hộ gia đình phát triển, cùng với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Lạc Lâm sẽ sớm cán đích xã nông thôn mới. Chỉ tính riêng vốn huy động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, trong hai năm qua Lạc Lâm đã huy động 20 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện đường thôn, xóm của 5/10 thôn trong xã và các hạng mục hội trường thôn, điện thắp sáng cho dân.

Với diện tích đất đai ít ỏi, nông dân Lạc Lâm đang làm cuộc vượt thoát cái nghèo tiến đến làm giàu từ cây rau thương phẩm gắn bó bao nông hộ hơn nửa thế kỷ qua.

Phóng sự: Xuân Trung