Môi trường đầu tư thông thoáng: Tiền đề chắp cánh doanh nghiệp vươn xa

07:02, 11/02/2013

Với quan điểm thu hút đầu tư để phát huy nội lực, thu hút đầu tư để khai thác ngoại lực, thu hút đầu tư để cùng nhau phát triển, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung tạo ra một môi trường thông thoáng, minh bạch trong thu hút đầu tư...

Với quan điểm thu hút đầu tư để phát huy nội lực, thu hút đầu tư để khai thác ngoại lực, thu hút đầu tư để cùng nhau phát triển, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung tạo ra một môi trường thông thoáng, minh bạch trong thu hút đầu tư. Sự đồng hành kịp thời đó đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo tiền đề chắp cánh cho các doanh nghiệp vươn xa trong xu thế hội nhập.

Sản xuất thuốc tân dược tại Công ty cổ phần Dược – Ladophar Lâm Đồng
Sản xuất thuốc tân dược tại Công ty cổ phần Dược – Ladophar Lâm Đồng


Tạo môi trường đầu tư thông thoáng

Theo thống kê mới đây của ngành chức năng, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 2.644 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực chế biến nông - lâm - khoáng sản, sản xuất cơ khí, thuỷ điện, du lịch, xây dựng… Hàng năm, các doanh nghiệp trong tỉnh đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, đồng thời đóng góp khoảng 70% tổng thu ngân sách tại địa phương.

Thời gian qua, Lâm Đồng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi và thân thiện đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Theo đó, tỉnh đã áp dụng các chính sách ưu đãi theo quy định có lợi nhất cho các nhà đầu tư. Mặt khác, các thủ tục hành chính được công khai minh bạch hoá, thực hiện theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”, áp dụng theo quy trình ISO và mô hình khung để nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, bước đầu tạo tâm lý tốt cho cộng đồng các doanh nghiệp. Công tác thanh, kiểm tra được tăng cường nhằm hạn chế tệ nạn lợi dụng quyền hạn của một bộ phận cán bộ công chức gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhằm tạo môi trường thông thoáng, thân thiện với các nhà đầu tư, Lâm Đồng cũng đã chú trọng cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền với doanh nghiệp theo hướng “Chính quyền đồng hành với doanh nghiệp”, từ đó tổ chức nhiều hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc giữa chính quyền các cấp với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo, tập huấn quản trị doanh nghiệp, cải tiến và thay thế công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu, giải quyết hàng tồn kho, hướng dẫn kê khai thuế, hải quan… được các sở, ngành triển khai đã giúp cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, cải tiến chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, vững tin trong hội nhập kinh tế quốc tế. Những cơ chế chính sách thu hút đầu tư của tỉnh được ban hành đã làm cho tình hình thu hút đầu tư, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Lâm Đồng ngày càng được cải thiện đáng kể. Nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động đã tạo điều kiện tốt cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết công ăn việc làm, ổn định và nâng cao đời sống cho một bộ phận dân cư và tăng thu ngân sách.

Sản xuất ván ghép thanh tại Công ty Hà Gia Phát (KCN Phú Hội)
Sản xuất ván ghép thanh tại Công ty Hà Gia Phát (KCN Phú Hội)


Hướng tới việc thu hút đầu tư có chọn lọc

Một số nhà đầu tư cho biết, tuy chủ trương của tỉnh là tạo ra một môi trường thông thoáng, minh bạch, thân thiện trong thu hút đầu tư, nhưng một trong những vấn đề bức xúc nhất của các doanh nghiệp là khi đi làm thủ tục đăng ký đầu tư gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Kết quả đánh giá chỉ số cạnh tranh (PCI) năm 2011 đối với 63 tỉnh, thành trong cả nước, thì Lâm Đồng chỉ xếp ở vị trí thứ 61/63. Qua chỉ số PCI trên cho thấy, tuy cơ chế, chính sách đã có, nhưng để đưa những cơ chế, chính sách ấy đến với doanh nghiệp, nhà đầu tư lại không phải là chuyện dễ dàng, nhất là việc quảng bá, tuyên truyền về thu hút đầu tư của tỉnh còn nhiều hạn chế. Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Tư - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Lâm Đồng cho biết: “Mặc dù tỉnh đã có nhiều giải pháp, dành nhiều nguồn lực hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nhưng hiệu quả đạt được chưa như mong muốn. Nguyên nhân chính là do công tác điều phối thống nhất nguồn lực và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp giữa các ngành, các cấp chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến phân tán, chồng chéo và có trường hợp gây lãng phí các nguồn lực hỗ trợ. Về cải cách thủ tục hành chính tuy đã có nhiều chuyển biến nhưng qua so sánh kết quả PCI năm 2011, cho thấy nhiều chỉ tiêu thành phần PCI của tỉnh vẫn còn hạn chế hơn các tỉnh có thứ hạng trung bình trong cả nước. Hiện Lâm Đồng đã có cổng thông tin điện tử, cùng nhiều website của các ngành, địa phương nhưng nội dung chưa thiết thực và không đầy đủ thông tin cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp”.

Trong 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế chung, cũng như việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát nên phần lớn các nhà đầu tư, doanh nghiệp đều gặp khó khăn về vốn, thị trường... Cùng đó, Lâm Đồng cũng cơ cấu lại việc thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc nên việc thu hút đầu tư có phần chậm lại. Chính vì vậy, từ năm 2011 đến nay chỉ thu hút được 65 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký trên 1,5 ngàn tỷ đồng và 13 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 31 triệu USD.

Trước thực trạng đó, tại buổi làm việc đánh giá nhiệm vụ hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ mới đây, đồng chí Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Lâm Đồng từ năm 2013, phải đứng ra làm đầu mối hỗ trợ cho các doanh nghiệp về các thủ tục pháp lý, trước mắt là hỗ trợ các thủ tục đầu tư cho doanh nghiệp.

Phát huy những kết quả đạt được, hiện Lâm Đồng đang tiếp tục cơ cấu lại việc thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc, trong đó ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều lao động, chiếm ít diện tích, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm năng lượng. Đây được xem là hướng đi tất yếu để Lâm Đồng sớm tạo bước “đột phá, tăng tốc”.

HỒNG HẢI