Phác họa kiến trúc Thành Phố Trẻ

08:02, 12/02/2013

Sau 2 năm chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, Bảo Lộc đang từng bước hình thành một “phong cách” kiến trúc phù hợp với định hướng và chức năng là đô thị công nghiệp; đồng thời, cũng là trung tâm thứ hai của tỉnh Lâm Đồng.

Sau 2 năm chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, Bảo Lộc đang từng bước hình thành một “phong cách” kiến trúc phù hợp với định hướng và chức năng là đô thị công nghiệp; đồng thời, cũng là trung tâm thứ hai của tỉnh Lâm Đồng.

Công viên hồ Đồng Nai - diện mạo mới của Bảo Lộc
Công viên hồ Đồng Nai - diện mạo mới của Bảo Lộc


Trong một diễn đàn về xây dựng Đề án phát triển kinh tế Bảo Lộc theo hướng nhanh và bền vững, yêu cầu cần xác định một cấu trúc đô thị đặc trưng cho thành phố Bảo Lộc đã được ông Lê Hoàng Phụng - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Bảo Lộc, khẳng định: “Sau khi hình thành thành phố, Bảo Lộc phải tiếp tục phát triển theo hướng một đô thị mới. Về quy hoạch mở rộng không gian đô thị, Bảo Lộc cần nghiên cứu và có một tầm nhìn chiến lược, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho thành phố trong tương lai. Đây không chỉ là yêu cầu của Bảo Lộc mà còn nằm trong định hướng phát triển tổng thể của tỉnh Lâm Đồng. Trong tương lai không xa, Bảo Lộc sẽ hướng đến các tiêu chí của một đô thị có quy mô lớn hơn”.

Kiến trúc sư Trần Đức Lộc, Trưởng Phòng Quy hoạch (Sở Xây dựng Lâm Đồng), cho rằng: “Mặc dù những nhà hoạch định chiến lược đã xác định phải xây dựng Bảo Lộc trở thành đô thị trung tâm công nghiệp, nhưng cũng không thể vì “nặng” tính công nghiệp mà quên mất rằng, đây là một thành phố nằm trên cao nguyên, một thành phố giữa màu xanh của núi đồi, của chè, cà phê và dâu tằm. Hay nói cách khác, đô thị công nghiệp Bảo Lộc phải có nét đặc trưng của một đô thị cao nguyên. Và, vì Bảo Lộc đang ở giai đoạn quy hoạch, định hình nên việc xây dựng một kiến trúc riêng có, là điều hoàn toàn có thể”.

Để thực hiện định hướng này, ngay sau khi thành lập thành phố, nhiều hội nghị, hội thảo về quy hoạch, định hình cấu trúc đô thị của thành phố đã được tổ chức, nhằm tham khảo và cân nhắc một số mô hình kiến trúc sẽ áp dụng để định hình “khuôn mặt” thành phố trong những năm tới. Cũng theo kiến trúc sư Trần Đức Lộc, thì nên xác định hình thái cấu trúc đô thị của Bảo Lộc là thành phố trên cao nguyên xanh. Có nghĩa là trong quá trình quy hoạch, xây dựng, phải tôn trọng địa hình, tôn trọng văn hoá, nhân văn, đặc trưng kinh tế vùng miền của vùng đất này. Nếu không đảm bảo hướng đi này, thì trong 10 năm nữa, đô thị Bảo Lộc sẽ dễ dàng bị “nhầm lẫn” với bất kỳ một đô thị công nghiệp khác.

 Từ cuối năm 2011, một số công trình phục vụ định hướng này đã được thành phố Bảo Lộc triển khai. Trong số này phải kể đến là công trình thượng nguồn hồ Đồng Nai, đã hoàn thành sau hơn 10 năm giải toả, đền bù, cải tạo, nâng cấp. Công trình hình thành là điểm “nhấn” đẹp và rõ nét hơn cho bộ mặt của thành phố. Không chỉ tôn tạo về mặt kiến trúc cảnh quan, công trình còn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân thành phố vào mùa lễ hội. Cạnh đó là công trình Khách sạn Ngân hàng Dâu tằm (Viseri). Sau nhiều năm cải tạo, nay khách sạn đã bước vào giai đoạn hoàn thành, vẫn trung thành với lối kiến trúc đặc trưng từng là biểu tượng của thời “hoàng kim” của cây dâu, con tằm trên đất Bảo Lộc. Các khu dân cư phục vụ nhu cầu tái định cư cho người dân trong các vùng dự án cũng hình thành theo lối kiến trúc hiện đại, như công trình Khu dân cư tái định cư Dự án Trường Đại học Tôn Đức Thắng (xã Lộc Châu), Khu dân cư kế cận Khu công nghiệp Lộc Sơn… Một số công trình khác đã và đang hoàn thành cũng góp phần tạo nên chức năng là “Trung tâm thứ hai về kinh tế, văn hoá, xã hội” của tỉnh, như Siêu thị Co-op Mart Bảo Lộc, Chợ trung tâm Hà Giang, Trung tâm Văn hoá - Thể thao Bảo Lộc…

Ngoài mục tiêu phát triển đô thị trung tâm công nghiệp của tỉnh, Bảo Lộc còn xác định phải trở thành một đô thị có sức ảnh hưởng với các đô thị lớn phía Nam, như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Phan Thiết… và là đầu mối giao thông giữa Lâm Đồng với các tỉnh khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và duyên hải Nam Trung Bộ. Chính vì xu thế này mà trong tương lai, thành phố sẽ mở rộng không gian đô thị theo nhiều hướng; đồng thời, hình thành nhiều phân khu chức năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của một đô thị hiện đại. Tuyến đường Bảo Lộc - Dầu Giây nằm trong kế hoạch nâng cấp phục vụ Dự án Tổ hợp Bauxit Nhôm Tân Rai (Bảo Lâm) cũng là một thuận lợi giúp thành phố Bảo Lộc thực hiện mục tiêu này.

Công trình thượng nguồn hồ Đồng Nai - được cải tạo từ khu “xóm sình”
Công trình thượng nguồn hồ Đồng Nai - được cải tạo từ khu “xóm sình”

 

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch đô thị phải dựa trên bản sắc văn hoá của cư dân bản địa. Nghĩa là phải đặt người dân vào vị trí trung tâm trong quá trình làm quy hoạch. Không thể xây dựng một thành phố hiện đại, với những toà nhà cao tầng kiên cố, nguy nga để dành cho những người quanh năm chỉ biết đến đồi chè, nương dâu.

Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Trần Văn Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng, việc quy hoạch xây dựng thành phố phải trung thành với mục tiêu “tạo cảnh quan kiến trúc hài hoà giữa kiến trúc hiện đại và kiến trúc mang bản sắc cao nguyên”. Và vì vậy, ở mỗi công trình kiến trúc phải tạo được nét đặc thù của đô thị cao nguyên. Trong cảnh quan kiến trúc cần có khu vui chơi, nơi thư giãn, có những trục nối với những khu vực công viên, giải trí; ngoài ra, phải tận dụng, sử dụng rừng hiện hữu và các hồ nước để xây dựng các khu nghỉ dưỡng dã ngoại, tham quan. Đối với Bảo Lộc, theo kiến trúc sư Đỗ Tế Dương, thành viên Hội Kiến trúc sư Lâm Đồng, quá trình quy hoạch phải nghĩ đến những khu vực chế biến nông sản để phục vụ cho nhu cầu sống của người dân. Có như vậy thì mới phát huy được cái “hồn” của một đô thị công nghiệp đặc trưng miền núi.

Bảo Lộc là một cao nguyên có vẻ đẹp tuyệt vời của núi và đồi, mênh mông, khoáng đạt mà không đơn điệu; sừng sững uy nghi mà không nặng nề, thô kệch. Bảo Lộc là một thành phố cao nguyên với những nét riêng hiếm có. Những người đi trước đã xây đắp vùng đất này bằng tình yêu, sự trân trọng đối với một tặng vật của thiên nhiên. Chúng ta may mắn được thừa hưởng nên hãy nhận lấy với tình yêu và trách nhiệm để tiếp tục xây đắp nó xứng tầm với một thành phố công nghiệp trên cao nguyên xanh - kiến trúc sư Lê Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội Kiến trúc sư Bảo Lộc, đã bày tỏ như vậy. Đây có lẽ cũng là mong muốn của tất cả những người đã sinh sống, yêu mến mảnh đất này, luôn mong muốn diện mạo của thành phố Bảo Lộc không lẫn lộn giữa hàng trăm đô thị công nghiệp khác trong cả nước.

Hải Uyên