Lâm Đồng tiếp cận CMCN 4.0 trên 3 trụ cột

09:02, 10/02/2019

Trên nền tảng hiện có của Lâm Ðồng, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được nhận diện với 3 trụ cột đó là: Xây dựng Ðà Lạt trở thành Thành phố thông minh, Chính quyền điện tử và nông nghiệp thông minh. Với cơ chế, chính sách kịp thời và phù hợp, từ 3 trụ cột này đang mở ra cho Lâm Ðồng nhiều cơ hội phát triển.

Trên nền tảng hiện có của Lâm Ðồng, bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) được nhận diện với 3 trụ cột đó là: Xây dựng Ðà Lạt trở thành Thành phố thông minh, Chính quyền điện tử và nông nghiệp thông minh. Với cơ chế, chính sách kịp thời và phù hợp, từ 3 trụ cột này đang mở ra cho Lâm Ðồng nhiều cơ hội phát triển.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh thăm trang trại rau của Lâm Đồng - địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo tỉnh thăm trang trại rau của Lâm Đồng - địa phương dẫn đầu
cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Chính quyền điện tử
 
Hơn 3 năm qua, Lâm Đồng đã xúc tiến xây dựng Chính quyền điện tử. Theo đó, đề án phê duyệt xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh phiên bản 1.0 đang triển khai từ nay đến 2019 sẽ tiến hành nâng cấp, triển khai nhân rộng hệ thống một cửa liên thông và dịch vụ hành chính công đến 50% các đơn vị UBND cấp xã. Phát triển các dịch vụ công mức độ 3 và 4, đảm bảo cung cấp 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 10% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hiện có 606 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 đang được các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh áp dụng, trong đó có 164 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.  
 
Xây dựng hệ thống xử lý nghiệp vụ nội bộ phục vụ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công việc. Duy trì và nâng cấp hệ thống thư điện tử công vụ hiện tại, tăng dung lượng lưu trữ và nâng cấp hệ thống máy chủ, hệ thống bảo mật email, đảm bảo cung cấp hộp thư điện tử cho 98% cán bộ, công chức nhà nước các cấp. Nâng cấp một số ứng dụng đáp ứng Kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh như: ứng dụng quản lý, thanh tra, khiếu nại, tố cáo; quản lý kế toán tài chính; quản lý tài sản. Triển khai hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bao gồm: phổ cập máy tính, mạng LAN, mạng WAN, các giải pháp an toàn, an ninh thông tin; nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho 70% UBND cấp xã.
 
Tăng cường công tác cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, như: thủ tục đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày xuống còn 2 ngày… 
 
Chuyển động rõ rệt nhất trong cải cách thủ tục hành chính là ngành Thuế đang nỗ lực bắt kịp bước tiến đổi mới với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo ra môi trường tương tác giữa cơ quan quản lý thuế và doanh nghiệp, người dân trong việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thông qua việc kết nối mạng internet. Khách hàng nhận kết quả đã nộp thuế, giải quyết hoàn thuế bằng phương thức điện tử một cách nhanh chóng tại một địa chỉ duy nhất là Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Theo thống kê của Cục Thuế Lâm Ðồng, đến nay đã có trên 99% doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng, 100% hồ sơ hoàn thuế đã được thực hiện và giải quyết hoàn thuế bằng phương thức điện tử và có tới 95,4% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. 
 
Nông nghiệp thông minh
 
Với lợi thế kinh tế là nền nông nghiệp công nghệ cao đang dẫn đầu cả nước và dẫn đầu nhóm địa phương thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Lâm Đồng hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thông minh chính là tiếp cận thực tế nhất, vì nền tảng nông nghiệp công nghệ cao là bệ phóng để tiến đến nông nghiệp thông minh.
 
Thành phần nông nghiệp thông minh 4.0 gồm 7 yếu tố: Công nghệ quản trị, kinh doanh tài chính; robot nông nghiệp; thiết bị bay không người lái; tế bào quang điện; công nghệ nhà kính, thủy canh, khí canh; công nghệ đèn LED và thiết bị cảm biến IoT. Trong 7 thành phần này, Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng được là: Công nghệ nhà kính, thủy canh, khí canh; công nghệ đèn LED và thiết bị cảm biến IoT. 
 
Lợi thế của Lâm Đồng là người nông dân, doanh nghiệp luôn nhạy bén và năng động trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Thành phần kinh tế tri thức đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chiếm ưu thế sẽ quyết định thành công trong xây dựng nông nghiệp thông minh tại Lâm Đồng. Hiện cả nước có khoảng 30 trang trại, doanh nghiệp ứng dụng IoT, trong đó Lâm Đồng chiếm 50%. Các doanh nghiệp, trang trại ở Lâm Đồng đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT trong sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là rau, hoa, dâu tây đạt doanh thu 5 - 8 tỷ đồng/ha. Nhằm tạo đột phá vào nông nghiệp thông minh, với kinh nghiệm từ những chính sách phù hợp thực tế và phát huy mọi nguồn lực đã thực hiện thành công chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gần 15 năm qua, dự báo Lâm Đồng sẽ có nhiều trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp thông minh vào năm 2019, trở thành tỉnh đầu tiên trong nước có trang trại nông nghiệp thông minh 4.0.
 
Ðà Lạt - Thành phố thông minh vào năm 2025
 
Từ năm 2016 đến nay, một số địa phương trên cả nước như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh đã xúc tiến triển khai chiến lược xây dựng thành phố thông minh, bắt đầu với việc khẩn trương xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh. Ở các thành phố lớn, quá trình này tập trung vào một số lĩnh vực thiết yếu như: giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh; ở một vài tỉnh có điều kiện đặc thù như Đà Lạt tập trung vào việc phát triển du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh.
 
Đề án xây dựng Đà Lạt trở thành Thành phố tThông minh (giai đoạn 2018 - 2025) với kế hoạch chi tiết trên 9 lĩnh vực: Chính quyền số, quy hoạch đô thị, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, thành phố an toàn, y tế thông minh, giáo dục thông minh và môi trường bền vững. Đề án được Trung ương thông qua tháng 7/2018, đặt ra mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành Thành phố thông minh thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. 
 
Mục tiêu đến năm 2025, thành phố Đà Lạt cơ bản trở thành Thành phố thông minh, hiện đại của Việt Nam. Theo đó, thành phố Đà Lạt sẽ tập trung nâng cấp, bổ sung hoàn thiện các ứng dụng viễn thông - thông tin nội bộ trong cơ quan nhà nước phục vụ quản lý trên địa bàn; xây dựng hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, phân tích dữ liệu lớn, dự báo, hạ tầng và dữ liệu cho đô thị thông minh; quản lý chuỗi giá trị phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản; cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh phục vụ du khách… Lộ trình thực hiện đề án chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2018 - 2020) sẽ thiết lập nền tảng công nghệ dùng chung cho thành phố thông minh và triển khai các lĩnh vực ưu tiên như: chính quyền số, quy hoạch đô thị; giai đoạn 2 (2021 - 2025) sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp trên nền tảng dùng chung các ứng dụng và mở rộng, cải tiến theo hướng ngày càng thông minh hơn.
 
Tầm nhìn thông minh, cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp để bứt phá
 
Trong 3 trụ cột  nêu trên, việc xây dựng nền nông nghiệp thông minh sẽ là yếu tố quyết định để Lâm Đồng bứt phá phát triển mang tính đặc thù từ lợi thế so sánh của địa phương. 
 
Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 6 diễn ra từ ngày 11-13/12/2018, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa IX đã thông qua 2 nghị quyết quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đó là: Nghị quyết ban hành chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Nghị quyết phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
Theo đó, khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ nhận được các chính sách đặc thù khuyến khích về tín dụng; hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của doanh nghiệp; hỗ trợ đầu tư cơ sở bảo quản chế biến... Hàng năm, tỉnh sẽ dành 5% vốn chi ngân sách của địa phương cho ngành nông nghiệp và sử dụng vốn lồng ghép từ các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù này. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tỉnh sẽ có những chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dụng liên kết; hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị, hạ tầng phục vụ liên kết; hỗ trợ khuyến nông, đào tạo, tập huấn; hỗ trợ 70% chi phí mua giống, bao bì, nhãn mác sản phẩm...  
 
Tầm nhìn thông minh, cơ chế chính sách kịp thời, hợp lý sẽ kích hoạt Lâm Ðồng phát triển tương xứng với tiềm năng và điều kiện đặc thù của địa phương. 
 
Tỉnh đã tiến hành rà soát quy hoạch phát triển ngành, địa phương và các sản phẩm chủ lực theo xu thế của CMCN 4.0; tiến hành xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn và hàng năm để triển khai các quy hoạch ngành như: quy hoạch bưu chính viễn thông, quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, quy hoạch công nghệ thông tin, chương trình mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020; xây dựng chương trình hợp tác phát triển Khu công nghệ thông tin giữa Lâm Đồng và TP Hồ Chí Minh để đảm bảo tính liên kết vùng trong triển khai, phát triển công nghệ thông tin; quyết định của tỉnh về phê duyệt các vấn đề then chốt trong kế hoạch nghiên cứu khoa học công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp với các nội dung theo xu thế CMCN 4.0.
 
DIỆU HIỀN