Khai thác vốn quý từ thổ cẩm K'Ho, Châu Mạ và tôn vinh nét quyến rũ của lụa

09:02, 10/02/2019

Là sự kiện "đinh" trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển được tổ chức trong năm 2018 vừa qua; bên bờ hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt, lần đầu tiên thổ cẩm của đồng bào K'Ho, Châu Mạ đã bước lên sàn diễn thời trang trong bộ sưu tập (BST) mới nhất của nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh để cùng tơ lụa Bảo Lộc khoe sắc như những niềm tự hào của mảnh đất Nam Tây Nguyên. 

Là sự kiện “đinh” trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển được tổ chức trong năm 2018 vừa qua; bên bờ hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt, lần đầu tiên thổ cẩm của đồng bào K’Ho, Châu Mạ đã bước lên sàn diễn thời trang trong bộ sưu tập (BST) mới nhất của nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh để cùng tơ lụa Bảo Lộc khoe sắc như những niềm tự hào của mảnh đất Nam Tây Nguyên. 
 
PV: Chị đã từng sử dụng chất liệu thổ cẩm của các dân tộc khác nhau trên nhiều mẫu thiết kế. Vậy với thổ cẩm K’Ho, Châu Mạ của Lâm Đồng thì sao? Tiêu chí nào để chị chọn thổ cẩm truyền thống của các dân tộc này cho bộ sưu tập mới giới thiệu trong buổi biểu diễn với chủ đề Hoa, chào mừng 125 năm hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt?
 
NTK Minh Hạnh
NTK Minh Hạnh
NTK Minh Hạnh: Đây là lần đầu tiên tôi sử dụng chất liệu của người K’Ho và Châu Mạ. Theo tôi, để có thể diễn đạt vẻ đẹp hoàn chỉnh của Lâm Đồng thì không thể thiếu vắng chất liệu truyền thống của người K’Ho và Châu Mạ.
 
Một trong những “lỗi lầm” lớn nhất trong quá trình làm nghề thiết kế thời trang của tôi chính là đến hôm nay mới chạm được vào chất liệu truyền thống của người K’Ho, Châu Mạ. Khi đặt chân đến Lâm Đồng và được khám phá sâu hơn về các dân tộc này, tôi thật sự bị thuyết phục trước tiên là tính hiện đại trên các hoa văn và màu sắc rất đặc trưng của vùng đồi núi mà họ sinh sống. Họ diễn đạt cuộc sống qua những hình ảnh rất đơn giản, chân phương nhưng đầy đủ sức mạnh vốn có. Tôi đã nhìn thấy được sự thông minh và linh hoạt của họ qua những cảm xúc được dệt trên những tấm thổ cẩm.
 
PV: Trong BST của chị, thổ cẩm và lụa như hòa quyện làm một. Thổ cẩm khá cứng còn lụa rất mềm mại, chị làm cách nào để hai chất liệu này cùng tôn nhau nổi bật?
 
NTK Minh Hạnh: Đà Lạt đã được biết đến là thành phố của hoa, nhưng thực tế Đà Lạt - Lâm Đồng còn có lụa và thổ cẩm. Trong nghề thiết kế thời trang thì sự đối trọng và tương phản thường tạo ra những dấu ấn đặc biệt. Mong muốn của tôi là khám phá nhiều hơn vốn quý của Lâm Đồng, nơi hội tụ những cảm xúc của vùng đất lành. 
 
PV: Dường như việc chị sử dụng chất liệu thổ cẩm K’Ho, Châu Mạ làm nên những bộ trang phục ấn tượng không chỉ mang lại niềm vui mà còn gieo hy vọng cho người dân các dân tộc này trong việc tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Vậy việc các NTK bắt tay với bà con các dân tộc thiểu số có thể xem là một trong những giải pháp tìm hướng đi cho thổ cẩm các dân tộc nói chung và thổ cẩm K’Ho, Châu Mạ nói riêng? Và làm thế nào để hài hòa giữa khai thác và bảo tồn?
 
NTK Minh Hạnh: Khi tôi được tiếp xúc với người K’Ho và Châu Mạ, tôi có nhiều ý tưởng vì sự linh hoạt của họ và tôi cũng có nhiều lo ngại với quá trình đô thị hóa nhanh chóng sẽ dễ dàng làm mất đi những vẻ đẹp hoang sơ trong đời sống của bà con. 
 
Cho đến nay, nghề dệt thổ cẩm không được xem là nghề có thể đảm bảo được cuộc sống của bà con làm nghề. Tôi đã nối kết được các nhà sản xuất lụa và một vài làng dệt thổ cẩm tại Lâm Đồng để cho ra đời những tấm thổ cẩm cao cấp hơn mà vẫn giữ được tinh thần của người K’Ho, Châu Mạ.
 
Đã thuộc về truyền thống thì chắc chắn phải giữ gìn bằng tinh thần dân tộc và muốn phát triển bắt buộc phải có tri thức và phải thích nghi với những đòi hỏi của thời đại. Với tôi, điều quan trọng nhất vẫn là tấm lòng của con người. Thời trang biểu diễn lần này là sự kết nối của những giá trị truyền thống và hiện đại, được sáng tạo bởi những sản phẩm đặc hữu của tỉnh Lâm Đồng. Tất cả mọi người đều hiểu rằng, Lâm Đồng có hoa, nhưng lụa và thổ cẩm thì họ chưa biết. Chúng tôi muốn làm một cuộc biểu diễn để làm mạnh lên cái vốn quý đó của Lâm Đồng, với một chủ đề liên hoàn giữa hoa, lụa và thổ cẩm. Câu chuyện ở thời trang không phải là câu chuyện của sàn diễn nữa, nó là câu chuyện của sở hữu, của tiêu dùng, của ứng dụng và đó là mục đích. Và Lâm Đồng phải tự hào với giá trị đó, có trách nhiệm để giữ gìn giá trị đó.
 
PV: Quay trở lại với lụa Bảo Lộc, chị đã từng nhận định: “Lụa Bảo Lộc như hình ảnh cô gái đẹp giam mình trong ngôi nhà cổ”. Chính vì vậy, năm 2017, chị và các nhà thiết kế đã tạo ra nhiều bộ sưu tập ấn tượng trên chất liệu lụa Bảo Lộc để trình diễn trong chương trình “Bảo Lộc ngày mới, óng ánh sắc tơ” thuộc Tuần Văn hóa Trà và Tơ lụa Lâm Đồng. Đó là một trong những bước ngoặt để lụa Bảo Lộc có một chân dung mới, diện mạo mới. Và từ đó đến nay, các nhà thiết kế đã góp sức thế nào để lụa Bảo Lộc dần bước ra khỏi ngôi nhà cổ ấy, thưa chị?
 
NTK Minh Hạnh: Với tôi, Lụa Bảo Lộc là chất liệu thượng thặng của thời trang cao cấp. Lụa Bảo Lộc thiếu một khâu quan trọng trong thời đại này đó chính là khâu thiết kế. Tôi hạnh phúc vì lụa đã gọi tên chúng tôi: những nhà thiết kế Việt. Cô gái đẹp ẩn mình nay đã có những bước đầu tiên xuất hiện với cuộc đời bằng những thiết kế hiện đại mang tính ứng dụng cao. Sự kết nối của cộng đồng những người làm lụa tâm huyết và ý tưởng độc đáo của các nhà thiết kế đã làm cho lụa trở nên xinh đẹp và gần gũi hơn bao giờ hết.
 
Điều quan trọng nhất mà tôi nhận ra được đó chính là sự tự hào của những người đã sống cả cuộc đời cùng lụa. Lụa Bảo Lộc đã có ít nhất từ mấy chục năm nay, vùng đất được thiên nhiên ban tặng như sự mặc định của tạo hóa là “Đất của Lụa”.
 
PV: Nhà thiết kế Minh Hạnh được xem là người phụ nữ đã dành nhiều tâm huyết để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Việc chị là một trong những người tạo dựng nên thương hiệu Vietnam Silk House là một trong những việc làm như thế nhằm quảng bá cho lụa tơ tằm Việt Nam. Ở Lâm Đồng, Vietnam Silk House có mặt tại cả hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc. Vậy lụa Bảo Lộc có điều kiện vươn ra thế giới hay không, thưa chị?
 
NTK Minh Hạnh: Câu chuyện của lụa không phải của riêng ai và chúng ta đã mất quá nhiều thời gian để lụa được xuất hiện với chân dung chân thực của mình. Tôi chỉ là một que diêm nhỏ xuất hiện đúng thời điểm để kích hoạt. Khi lụa chứng minh được và thuyết phục được thị trường nội địa thì việc Lụa Bảo Lộc xuất hiện tại những thị trường thời trang trên thế giới là điều không quá phức tạp. Hiện tại, Lụa Bảo Lộc đang chuyển động mạnh mẽ với những con số đáng để vui mừng. Chỉ mới một năm sau biến cố buồn của lụa Việt, còn rất nhiều việc phải làm cho lụa trong thời gian tới.
 
Xin cảm ơn NTK Minh Hạnh!
 
 
Hiện Bảo Lộc có 28 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tơ tằm (tăng 6 doanh nghiệp so với năm 2017). Sản lượng tơ năm 2018 đạt 902 tấn, lụa đạt hơn 3 triệu m, chiếm 80% sản lượng tơ lụa toàn quốc. Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc đã vươn ra các thị trường: Nhật, Ấn Độ, Hàn Quốc, Pháp, Ý, Thái Lan, Lào, Campuchia, Bangladesh, Afghanistan, Pakistan. Các sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc gồm tơ xe các loại, vải lụa tơ tằm; các loại lụa như Satin (dùng may áo Kimono), lụa Yozu (dùng may khăn choàng đầu cho các vị nguyên thủ khối Ả Rập, Ấn Độ), các vải lụa Habuta, lụa CDC… dùng may áo dài, quần áo cao cấp, hàng trang trí nội thất xe hơi, nội thất nhà… Kim ngạch xuất khẩu tơ lụa năm 2018 đạt khoảng 16 triệu USD.
 

 

 
Trong phần trình diễn bộ sưu tập của nhà thiết kế Minh Hạnh trên chất liệu thổ cẩm của người K’Ho, Châu Mạ, ngoài những người mẫu chuyên nghiệp đến từ Hà Nội và TP HCM, còn có sự tham gia của chính những người phụ nữ dân tộc K’Ho trên địa bàn huyện Lạc Dương. 
 
Chị Ngọc Yến Cơ Liêng - người mẫu đặc biệt khi cùng ba con nhỏ tham gia biểu diễn nói rằng: “Bà con hiện nay đa phần mua quần áo ngoài chợ để sử dụng nhiều hơn các sản phẩm từ thổ cẩm. Nhưng nhờ các nhà thiết kế, sản phẩm thổ cẩm đa dạng hơn nhiều, có thể sử dụng trong tất cả các trường hợp và đẹp không thua kém bất cứ loại trang phục nào”.
 
Còn chị K’Diễm Cơ Liêng không giấu nổi niềm vui: “Chưa bao giờ thấy thổ cẩm của dân tộc mình lại đẹp như thế. Hy vọng rồi đây sẽ có nhiều nhà thiết kế tạo ra các sản phẩm thời trang từ thổ cẩm. Đó là sự giúp sức quan trọng để bà con trong các buôn làng có thể sống và giữ được nghề dệt truyền thống”.
 
Được biết, hiện nhiều nhà thiết kế đã đề nghị được hợp tác để sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thổ cẩm của bà con. Đó là tín hiệu vui cho thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng.

 

 

 

 

 

 

NGỌC NGÀ (thực hiện)
Ảnh: THỤY TRANG