Năm Hợi nhớ chuyện cáp heo ăn tết

10:02, 05/02/2019

Những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước quê tôi ngày cận Tết Nguyên đán, khi trời vừa tờ mờ sáng đã nghe hàng xóm chộn rộn, rồi tiếng heo mổ thịt kêu vang eng éc từng hồi râm ran từ đầu đến cuối xóm vọng lại. Trong lòng bọn trẻ chúng tôi náo nức nghe như tín hiệu âm thanh của tết vừa về.

Những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước quê tôi ngày cận Tết Nguyên đán, khi trời vừa tờ mờ sáng đã nghe hàng xóm chộn rộn, rồi tiếng heo mổ thịt kêu vang eng éc từng hồi râm ran từ đầu đến cuối xóm vọng lại. Trong lòng bọn trẻ chúng tôi náo nức nghe như tín hiệu âm thanh của tết vừa về.
 
Nhà tôi thuộc làng quê nghèo thuần nông, quanh năm bà con bán mặt cho đất bán lưng cho trời, xa phố phường, quán xá, chợ búa; thường kỳ chỉ có ba lần họp chợ phiên vào đầu, giữa và cuối mỗi tháng âm lịch. Ai muốn sắm sanh, trao đổi hàng hóa, nông thổ sản, có khi thời gian phải mười ngày sau mới đến chu kỳ phiên chợ. Để thuận lợi nhu cầu thịt heo cho mâm cỗ đầu xuân, nhiều gia đình trong xóm rủ hùn chung heo rồi cùng nhau chia phần, khỏi đi chợ xa, giá thành lại rẻ hơn thị trường những ngày áp tết. Việc làm này gọi là cáp heo ăn tết.
 
Muốn cáp heo tùy mỗi nhóm nhiều, ít hộ khác nhau; nhưng thường từ 4 - 5 đến 7 - 8 gia đình. Đặc biệt có nhóm cáp đến vài con lại gặp heo lớn nên “tổ hợp” này đông lên hàng chục gia đình. Có nơi từ những ngày cuối năm các hộ rủ nhau tìm mua heo thịt về mổ ra chia phần theo số lệ phí qui định đóng góp. Có nhóm chủ động lo xa hơn, ngay sau tháng Giêng họ đồng tình rủ nhau mua heo con về giao cho một nhà trong nhóm tự nguyện nhận nuôi. Các nhà còn lại theo thời gian góp tiền mua thức ăn, hoặc ai có sẵn gạo tấm, cám rau, thức ăn thừa đem tới góp vào thúc heo mau lớn. 
 
Vui nhất là lúc mổ heo tết. Tùy nhóm có thể tiến hành sớm hay muộn, thường tối đa trong vòng 5, 7 ngày; bắt đầu diễn ra lác đác từ 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời, đến rộ lên rồi kết thúc trước hôm rước ông bà tổ tiên và ông Táo về lại gia đình vui năm mới. Khi mổ heo các hộ trong nhóm đều hiện diện. Trên gương mặt ai cũng hớn hở vui vẻ. Mỗi người một việc. Nhà lâu nay chăm nuôi thì nhen lửa nấu nước sôi, thùng nước lớn được đun bằng củi gộc là những cây khô trong vườn khó chẻ thành củi nhỏ chụm nấu hàng ngày của các nhà trong nhóm, chủ yếu vẫn là những gốc tre khô quanh bờ rào mỗi gia đình mang tới. Vài tráng nông biết làm thợ thịt hì hục mài bén lại những con dao phay bằng thép dài hơn nửa thước. Nhiều chị đi rọc lá chuối, mượn cân, mượn nia, nong đem tới đựng thịt. Các thanh niên trai tráng vác rựa chặt tre đưa vào chẻ lạt vót nan xâu thịt chia phần. Việc chia thịt nhóm rất dân chủ, công khai. Khi lá chuối lau sạch trải lên nong, nia đặt giữa sân. Trừ đầu heo để riêng ở nhà gia chủ, trước nấu cúng tạ ơn ông chuồng bà chuồng, sau liên hoan chung tại chỗ, còn lại các phần thịt bằng nhau, giá trị như nhau đặt trên nong, nia dưới sự giám sát của toàn nhóm trước khi mỗi gia đình đem về. Riêng bọn trẻ chúng tôi tranh nhau lấy chiếc bong bóng heo giặt sạch thổi căng lên buộc lại làm banh say mê chơi, mừng vô chừng kể, vì thời ấy bong bóng nhựa rất ít, bong bóng màu về tới làng quê càng hiếm, nên bọn tôi quên cả bữa “liên hoan” cháo đầu heo, làm cho người lớn phải thu giữ chiếc bong bóng, bắt tụi nhỏ chúng tôi ăn xong mới được nhận lại bóng heo tiếp tục vui đùa. 
 
Với ngày này, việc của các mẹ, dì, cô, thím  trở nên bận rộn, vừa chạy lo thức ăn, muối mắm, gia vị nấu nướng; vừa xoay xở mượn dụng cụ bếp núc, chén đũa bày ra đủ cho nhân khẩu cả nhóm chung vui mãn cuộc; bởi đây là thời kỳ những năm dân làng vừa hồi cư sau chiến tranh đánh Pháp kết thúc, trong đó có việc tiêu thổ kháng chiến nên nhiều gia đình về lại nhà xưa tay trắng, thậm chí có nhà dùng gáo dừa khô cưa ra làm chén bát ăn cơm. Trong “bữa tiệc” họp mặt hồi ấy thường diễn ra giữa sân đất trước nhà; có ông bà ngồi chiếu, có chú bác trải lót lá chuối để đặt mông, vài cô trên mấy chiếc đòn ngồi nhỏ, nhưng bao chuyện xóm thôn như mùa màng, cấy hái, nuôi trồng; tu bổ lẫm đình, đường thôn ngõ xóm, dựng trường mở lớp, con trẻ học hành... được đả thông thỏa mãn. Rồi chuyện từng nhà cũng được cởi mở góp lời hiến kế để phát triển công việc cho nhau vào năm tới, và không quên chuyện cáp heo ăn tết năm sau.
 
Việc cáp heo ăn tết thưở trước ở miền quê không những khỏi lo nạn “thực phẩm bẩn” xâm nhập mà còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đoàn kết gắn bó thương yêu giúp đỡ lẫn nhau khi tối lửa tắt đèn. Giờ đây bước vào thời kỳ cách mạng 4.0, ngồi tại chỗ mở mạng, thịt heo tết và các nhu cầu khác sẽ được đưa đến tận nhà. Bước ra khỏi ngõ không xa ta gặp vô số quán xá, rồi chợ búa, siêu thị... Hơn 60 năm trôi qua, chuyện cáp heo ăn Tết đã lùi vào dĩ vãng, chỉ còn trong bảo tàng ký ức. Vậy mà âm thanh eng éc của heo những ngày cuối năm một thời như vẫn còn vang vọng đâu đây trong tâm tư.
 
NGUYỄN TƯỜNG VĂN