Từ Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số

09:02, 10/02/2019

Lâm Đồng được xếp hạng đứng thứ 3 về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan Nhà nước và thứ 10/63 tỉnh, thành về ứng dụng CNTT trong toàn xã hội. Đây là con số ấn tượng mà tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực đạt được trong xây dựng Chính quyền số, Chính phủ điện tử. Để bắt kịp xu thế phát triển, Lâm Đồng đang quyết tâm cao độ trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước phục vụ Nhân dân. 

Lâm Đồng được xếp hạng đứng thứ 3 về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan Nhà nước và thứ 10/63 tỉnh, thành về ứng dụng CNTT trong toàn xã hội. Đây là con số ấn tượng mà tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực đạt được trong xây dựng Chính quyền số, Chính phủ điện tử. Để bắt kịp xu thế phát triển, Lâm Đồng đang quyết tâm cao độ trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước phục vụ Nhân dân. 
 
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: D.T
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: D.T
Chính quyền phiên bản 1.0
 
Để định hình Chính phủ điện tử, Lâm Ðồng đã đặt ra lộ trình triển khai Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Lâm Ðồng phiên bản 1.0, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tập trung xây dựng Chính quyền điện tử, từ đó góp phần tích cực cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Từ những chuyển biến tích cực trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính PAR Index đã tạo thuận lợi trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
 
Lâm Đồng đã tập trung nghiên cứu, thực hiện các khâu đột phá chiến lược, chủ động, triển khai xây dựng Chính quyền điện tử và các trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến cấp huyện với mục tiêu thực hiện cải cách hành chính là khâu then chốt để phát huy dân chủ, thực hiện pháp quyền, phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững. 
 
Ðến nay, 100% các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã xây dựng cổng thông tin điện tử. Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã triển khai đến 100% các cơ quan cấp tỉnh, huyện và hơn 30% đơn vị cấp xã. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai cho 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 60% đơn vị cấp xã. Cụ thể, trong đó 21/21 sở, ngành, 12/12 huyện và 90/147 xã, phường, thị trấn.
 
 “Một cửa” hành chính
 
UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức đưa Trung tâm phục vụ hành chính công vào hoạt động tháng 9/2018 không ngoài mục tiêu tạo bước đột phá trong cải cách hành chính nhằm giải quyết các thủ tục hành chính kịp thời, thuận tiện, minh bạch và đúng pháp luật; nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
 
Trung tâm này được bố trí giao dịch 21 lĩnh vực, cùng hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với công chức thực hiện thủ tục hành chính. Trung tâm có nhiệm vụ tiếp nhận, hướng dẫn, theo dõi, giám sát, giải quyết hoặc chuyển hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; xử lý hoặc báo cáo cơ quan thẩm quyền xử lý đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo về công tác giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); đề nghị các cơ quan liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác giải quyết TTHC; đôn đốc các cơ quan, đơn vị xử lý hồ sơ đến hạn hoặc quá thời hạn giải quyết… Nhờ đó, quá trình giải quyết TTHC được trung tâm kiểm soát ở hầu hết các khâu, từ tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết, trả kết quả thông qua phần mềm một cửa điện tử, hệ thống tin nhắn SMS tự động, việc ứng dụng Zalo nhắn tin miễn phí qua nền tảng internet cũng được tích hợp vào phần mềm để người dân tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ. 
 
Lâm Đồng cũng đã triển khai cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung, để tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của 20 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, 12 UBND huyện, thành phố và 49 UBND cấp xã; triển khai 534 dịch vụ công mức độ 3 và 4. Năm 2017, đã giải quyết hơn 286.000 hồ sơ TTHC và 9 tháng đầu năm 2018, giải quyết hơn 223.000 hồ sơ, đạt 96% số hồ sơ tiếp nhận. Tại đây cũng triển khai hệ thống wifi miễn phí, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp truy cập tìm kiếm, thực hiện và tra cứu kết quả TTHC và các dịch vụ công thuận tiện.
 
Bà Phạm Thị Minh Hiền - Giám đốc Trung tâm  Hành chính công tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trung tâm được thành lập và đi vào hoạt động thể hiện quyết tâm của tỉnh Lâm Đồng cũng là bước đột phá trong cải cách hành chính với mục tiêu đem đến sự minh bạch, kịp thời trong giải quyết TTHC và nâng cao sự hài lòng của người dân, các tổ chức và doanh nghiệp. Đến tháng 12/2018 đã tiếp nhận: 313.224 hồ sơ và giải quyết: 306.039 hồ sơ, trong đó 54,4% giải quyết trước thời hạn và 27,7% đúng thời hạn.
 
Dịch vụ công mức độ 3 và 4
 
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết công việc của cơ quan, một kết quả nổi bật nhất của tỉnh trong ứng dụng CNTT vào cải cách hành chính là đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tới tận cấp xã để đẩy nhanh giải quyết TTHC cho người dân. Nếu năm 2007, toàn tỉnh mới có 50 DVCTT mức độ 3 thì nay đã có 436 DVCTT mức độ 3 và 168 DVCTT mức độ 4. Trong năm 2018, tổng số hồ sơ đã được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến qua các DVCTT mức độ 4 là 4.032 hồ sơ, mức độ 3 là 41.090 hồ sơ. 
 
Một điển hình trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được người dân đánh giá sự hài lòng ở mức độ cao của tỉnh là dịch vụ nộp thuế điện tử. Dịch vụ này đã được cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng ghi nhận và tích cực tham gia. Đến nay đã có trên 99% doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng, 100% hồ sơ hoàn thuế đã được thực hiện, giải quyết hoàn thuế bằng phương thức điện tử, trên 95% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. 
 
Theo ông Nguyễn Trọng Thoan - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng: Thực hiện lộ trình triển khai của Tổng cục Thuế về hiện đại hóa công tác quản lý thuế, Cục Thuế tỉnh đã triển khai và thực hiện tuyên truyền rộng rãi, thường xuyên, hỗ trợ người nộp thuế sử dụng dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính về thuế mức độ 3 và 4, gồm: dịch vụ khai thuế điện tử, dịch vụ nộp thuế điện tử cho tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, dịch vụ hoàn thuế điện tử đối với doanh nghiệp hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và dự án đầu tư. 
 
Ông Nguyễn Viết Vân - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Năm 2019, tỉnh tiếp tục hoàn thành triển khai hệ thống một cửa dùng chung ba cấp, kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Ðồng thời, duy trì và mở rộng các trang, cổng thông tin điện tử các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung, hình thành Cổng dịch vụ công tỉnh và kết nối đến Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định để thống nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4, công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Với mục tiêu sẽ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên tất cả các lĩnh vực, qua đó hình thành chính quyền điện tử.
 
Cùng với đó là thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang tích cực trong việc xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và triển khai Hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối Cổng dịch vụ công bộ, ngành, địa phương. Đây là hệ thống quan trọng để kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần phục vụ dân của Chính phủ. 
 
Hiện thực hóa mục tiêu
 
Theo dự thảo “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025” đặt mục tiêu, đến hết năm 2020, Việt Nam nằm trong nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc… 
 
Vạch rõ mục tiêu đó, Chính phủ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ ưu tiên. Trước hết là đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử. Đến năm 2019, Chính phủ dự kiến xem xét, ban hành các nghị định về chia sẻ dữ liệu; bảo vệ dữ liệu cá nhân; xác thực điện tử; chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính Nhà nước... Các bộ, ngành liên quan đang khẩn trương hoàn thiện để Chính phủ xem xét, ban hành nghị định về đầu tư ứng dụng CNTT phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này. Trong thời gian tới, Luật Chính phủ điện tử và các văn bản hướng dẫn cũng sẽ được nghiên cứu, đề xuất xây dựng để bảo đảm hành lang pháp lý phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu mở, ứng dụng các công nghệ mới hướng tới nền kinh tế số, xã hội số.
 
Các nhóm nhiệm vụ tiếp theo bao gồm việc hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia mang tính chất nền tảng, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai...; thiết lập các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ.
 
Đối với tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Lâm Đồng đang nỗ lực xây dựng Chính quyền điện tử để tiến đến minh bạch, công khai hóa mọi hoạt động, thúc đẩy kinh tế phát triển và cải thiện cuộc sống của người dân trên cơ sở mọi lợi ích, tiện ích của người dân và doanh nghiệp phải đặt lên hàng đầu. Qua đó, Lâm Đồng cũng đặt ra nhiều mục tiêu trọng điểm để xây dựng Chính quyền điện tử, trong đó cải cách hành chính, ứng dụng CNTT trong điều hành, hoạt động của các cơ quan, ban, ngành kết nối với người dân, xây dựng thành phố thông minh đang là các chiến lược mà tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai trong năm 2019. 
 
Thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ về quyết tâm xây dựng Chính phủ diện tử là “Nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu từ cái nhỏ”, tỉnh Lâm Đồng đang đồng loạt triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng một Chính quyền số hoàn chỉnh đến mức tối ưu để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong giao dịch hành chính, khi người dân không cần phải đến các văn phòng chính quyền vẫn thực hiện được giao dịch thành công thì khi đó mới thực sự là Chính quyền số trong nền kinh tế số. 
 
DIỄM THƯƠNG