Gieo... nông phẩm miền đất hứa

05:01, 30/01/2022
Khi mùa mưa ngừng hẳn, trời xanh ngắt cao vợi, trong nắng lạnh, hồng Dran đã vào cuối vụ nên trên những thân cây khẳng khiu lúc lỉu quả đỏ nựng như cố hút thêm chút tinh túy của đất trời cho thêm ngọt đậm. Không còn đủ độ cứng để ủ giòn, trái hồng lúc này được hái về làm nên hồng sấy dẻo sẫm màu mật ong mang thương hiệu “Gieo...”. 
 
“Gieo…” ở đây là gieo niềm tin, gieo uy tín, gieo những điều tốt đẹp, ngon bổ có lợi cho sức khỏe đến người tiêu dùng từ nguồn nông sản địa phương. Vượt qua 170 ý tưởng tham dự Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng 2021, Dự án “Gieo... nông phẩm miền đất hứa” của cô gái trẻ Lê Thị Yến Vinh (SN 1990) và câu chuyện quả hồng sấy dẻo Dran đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi. 
 
Cô gái trẻ Lê Thị Yến Vinh và câu chuyện quả hồng Dran đã xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng 2021
Cô gái trẻ Lê Thị Yến Vinh và câu chuyện quả hồng Dran đã xuất sắc giành giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng 2021
 
NÍU GIỮ CÂY HỒNG BÁM CHẶT VỚI ĐẤT QUÊ HƯƠNG
 
Cây hồng gắn bó với Dran đã hơn 100 năm, từ khi người Pháp phát hiện ra Đà Lạt, rồi làm đường bộ và cả đường sắt răng cưa từ Phan Rang băng qua miền Dran lên với đồng rừng. Bao năm bám rễ bền chặt với triền đồi dốc núi đỏ au màu đất bazan, phù hợp thổ nhưỡng, cây hồng sống lâu, ít phải chăm sóc, lại cho nhiều trái có vị ngọt thơm đặc biệt, làm ngẩn ngơ bao thực khách. Hồng sấy dẻo lại càng được ưa chuộng bởi là thứ quả ôn đới lạ lẫm, vị ngọt đậm đà, để được lâu, dễ bảo quản, vận chuyển nên gây ấn tượng và trở thành món quà quý trong hành trang của mỗi du khách khi rời Đà Lạt. 
 
Sinh ra ở miền hồng Dran, lớn lên đã thấy từng chùm quả thắp lửa trước hiên nhà, tuổi thơ của Lê Thị Yến Vinh gắn với từng mùa cây đơm hoa kết trái. Để rồi một thời gian dài phải chứng kiến những vườn hồng sai trĩu bị bỏ mặc rụng đầy gốc, bán giá rẻ như cho, vì được mùa mất giá, vì các loại hồng từ nước ngoài không rõ nguồn gốc tràn ngập thị trường “đội lốt” hồng Dran, hồng Đà Lạt. Thật giả lẫn lộn làm cho người tiêu dùng hoang mang, mất niềm tin, ái ngại lựa chọn, khiến hàng hóa ứ đọng, người trồng hồng gánh chịu mọi thiệt hại. Nhiều nhà nông không trụ được phải chặt hồng trồng thay thế loài cây khác - điều ám ảnh đó thôi thúc cô gái trẻ Yến Vinh khát khao tìm hướng đi cho cây hồng. 
 
Gọt sơ chế thủ công
Gọt sơ chế thủ công
 
Cách đây 5 năm, Yến Vinh đã sáng lập Công ty TNHH Nông sản Đa Nhim (Tổ dân phố Quảng Lạc, thị trấn Dran, Đơn Dương) lấy quả hồng làm nguồn nguyên liệu chủ lực và cho ra đời sản phẩm hồng sấy dẻo mang thương hiệu “Gieo…”. “Gieo...” được sản xuất 100% từ nông sản tự nhiên của địa phương, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định, minh bạch về nguồn gốc để du khách yên tâm mua đặc sản khi đến với Đà Lạt - Lâm Đồng. Tạo sự khác biệt trong sản phẩm của mình, Yến Vinh đã tiên phong áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, trang bị máy sấy công nghiệp, sử dụng công nghệ sấy ở nhiệt độ thấp chỉ 40oC - 60oC, tương đương với ánh nắng mặt trời; nên sản phẩm vừa giữ được tối đa hàm lượng dinh dưỡng của quả hồng tươi sau chế biến, vừa từ từ khô chuyển màu mật ong nâu sẫm. Để bảo quản thành phẩm sau chế biến, Yến Vinh đầu tư 2 kho lạnh đáp ứng nhu cầu thị trường tối ưu nhất, đảm bảo sản phẩm tự nhiên, nguyên chất 100%, tuyệt đối không dùng phụ gia hay chất bảo quản. Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu Dran tạo nên trái hồng có hương vị và giá trị dinh dưỡng cao hơn các nơi khác giúp “Gieo…” có thêm thế mạnh cạnh tranh trên thị trường. Hồng sấy dẻo “Gieo...” đã được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Hồng Đà Lạt”, được chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng hạng 3 sao. 
 
Đóng gói sản phẩm đảm bảo vệ sinh
Đóng gói sản phẩm đảm bảo vệ sinh
 
NÔNG SẢN ĐỊA PHƯƠNG LÀM NÊN THƯƠNG HIỆU VÀ NHÂN HIỆU UY TÍN
 
Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức về nguồn vốn hạn hẹp, về thị trường đặc sản đầy rẫy hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc bủa vây; hồng sấy dẻo “Gieo...” đã gieo vào lòng người tiêu dùng niềm tin bởi uy tín, chất lượng. Đặc biệt là đối với khách hàng có ý thức bảo vệ sức khỏe, có nhu cầu sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, bổ sung dinh dưỡng hằng ngày. 
 
Vì thế, vừa có mặt trên thị trường 4 năm, sản phẩm chế biến từ nông sản “miền đất hứa” thương hiệu “Gieo” của Yến Vinh đã được người tiêu dùng đón nhận. 
 
Năm 2019, lượng hồng sấy dẻo của doanh nghiệp tiêu thụ được 15 tấn; ngoài ra, các sản phẩm khác của “Gieo...” cũng được ưa chuộng với lượng tiêu thụ lớn như: Hồng treo gió 1 tấn, chuối Laba sấy dẻo 2 tấn, chuối sứ sấy dẻo 6 tấn, khoai lang sấy dẻo 7 tạ. Năm 2020, dù dịch bệnh phức tạp, đơn vị vẫn duy trì sản xuất 10 tấn nông phẩm. Bên cạnh hồng sấy dẻo còn đa dạng hóa các loại sản phẩm như: chanh giấy ủ muối tự nhiên, mứt atiso đỏ, hạt mắc ca, men dâu, chuối, khoai sấy dẻo... mang về tổng doanh thu hơn 5 tỷ đồng.
 
Sản phẩm được bán trên các trang thương mại điện tử
Sản phẩm được bán trên các trang thương mại điện tử
 
Nhờ vậy, doanh nghiệp đã ổn định giá cả thu mua nông sản cho nông dân; tăng giá trị cho trái hồng. Nếu khi “Gieo...” chưa ra đời, trái hồng tươi vào vụ chỉ có giá từ 3 - 4 ngàn đồng/kg; đến mùa thu hái người nông dân phải trông chờ, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và bị ép giá vì hồng đã chín trên cây thì đắt rẻ cũng phải bán. Kể từ khi có “Gieo...”, doanh nghiệp chọn quả hồng làm nguyên liệu chủ lực để sản xuất và phát triển, giá cả trái hồng ổn định từ 7 - 8 ngàn đồng/kg trở lên, không còn tình trạng trái hồng bị ứ đọng, ép giá. Doanh nghiệp đã tạo việc làm cho 10 lao động là chị em phụ nữ, có thu nhập ổn định từ 4 triệu - 12 triệu đồng/tháng. Từ hai năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân yên tâm phục hồi, tái tạo lại vườn hồng, đưa cây hồng trở lại vị thế vốn có, khẳng định đất Dran vẫn luôn là “thủ phủ hồng” của Lâm Đồng. 
 
Không ngừng xây dựng thương hiệu và nhân hiệu uy tín, những năm tới, Yến Vinh sẽ đầu tư nâng cấp quy trình, nhà xưởng đạt chuẩn ISO/ HACCP; mua máy chiên chân không, phát triển dòng sản phẩm sấy lạnh, sản phẩm sấy giòn, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm với nhiều loại nông sản dồi dào là thế mạnh của Đơn Dương, của Lâm Đồng như: Dứa sấy dẻo, dâu tây sấy dẻo, khoai lang sấy dẻo, chuối Laba sấy dẻo... Đồng thời, ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nhà nông - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng. Riêng hồng sấy dẻo “Gieo...” vẫn mãi giữ vị trí là sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp, để cây hồng mãi sâu gốc bền rễ bám chặt vào lòng đất Dran.
 
QUỲNH UYỂN