Thiên đường còn lại

08:01, 28/01/2022
Đi xuống hay đi lên thì ở giữa lưng chừng ấy, bạn vẫn muốn dừng lại, tôi quả quyết về điều đó. Đừng hoài nghi nhé, tình người - là thứ ở Dran mà tôi tin là bạn sẽ thấy mình cần phải sống tốt hơn mỗi ngày. Cái tiếng thân sơ tưởng chừng như ai cũng có thể thốt ra với biên độ không thể cắt nghĩa cho tận tường ấy, ở đây lại trong trẻo, thuần khiết đến đỗi ai đó cũng có thể tin mình sẽ được bao dung, được chở che nếu chẳng may lạc bước, dẫu có là người xa lạ.
 
Mùa hồng chín đỏ ở Dran
Mùa hồng chín đỏ ở Dran
 
Giống như một ga nhỏ, không phải là điểm đầu hay điểm cuối của một đường tàu, Dran không cho người ta cái cảm giác phải luyến lưu rời xa, hay an toàn về tới, chỉ là cảm xúc bâng khuâng đến cạn lòng thương nhớ.
 
Lâu lắm rồi, ở một ngày xưa cũ không còn nhớ tên. Dran cũng là nơi đã níu chân tạo ra niềm cảm hứng bất tận cho hai nghệ sĩ tài danh là họa sĩ Đinh Cường và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khi đôi bạn tri kỷ tìm về nơi đây nương náu. Dran mở lòng đến độ, khi họ rời đi, họa sĩ Đinh Cường đã nghĩ về thị trấn nhỏ miền sơn cước bằng những dòng đau đáu đến xót xa: “Nhớ khói lam chiều lan xa trên sườn núi/những đoạn đường đèo hoang vu trên Đơn Dương/tiếng lục lạc của chiếc xe thồ cũ kỹ/móng ngựa mòn rơi trên đường/và bạn tôi không còn cùng tôi”.
 
Ở Dran, có vẻ mọi thứ đều chậm, sự trễ nải hồn nhiên đến mức không thể trách cứ nhau. Khói mây ở Dran là biểu thử nhanh chậm cho nếp sống của người dân nơi đây đến tận bây giờ. Sương tan thì xuống vườn, lên rẫy, sương còn thì chậm rãi co ro nhấp chén trà hít hà hơi sương như dính phải “bùa mê”. Đến khi ra vườn, cũng phải rủ nhau đi cho có bạn, lỡ không gặp nhau vì lý do cà phê giọt chậm, đang dở tay cầm vòi tưới, cũng phải í ới gọi nhau một tiếng từ đỉnh đồi bên này đến triền thung bên kia cho đoạn đành mới thôi.
 
Cũng bởi mây khói, cũng bởi nặng tình, nên người Dran đâu ham giàu có quá mức. Cái họ cần là những thứ “bụi bặm” ngoài kia đừng len lỏi vào cuộc sống của họ, đừng mang ẩm ướt của thị thành vào “phố đồi” của họ. Kệ đi, để họ được sống, được thảnh thơi và bình yên. Người Dran “nòi” (như cái cách mà họ vẫn thường tự hào) có ai làm nông nghiệp bằng nhà kính bao giờ. Cây cối, vườn tược của họ phải được đẫm sương, phải được sống bằng hơi thở thuần khiết nhất của đất trời. Rẫy vườn của người Dran không rộng cũng chẳng hẹp, bám ven theo những triền đồi, họ trồng một ít hồng, một ít thơm, một ít lagim... “mùa nào thức ấy” để họ đủ sống, đủ để không còn bận bịu lo chuyện gia đình, đủ để gần nhau duy trì với bằng hữu mối tâm giao.
 
Nằm dưới chân đập Thủy điện Đa Nhim, Dran như tách biệt với thế giới ngoài kia, chẳng có nơi nào giống Dran và ngược lại. Chẳng còn ai nhớ người Việt đầu tiên đến đây là ai, chỉ biết rằng khi Dran được ra đời với khởi nguồn là một “trạm” để người Pháp khám phá ra Đà Lạt, rồi khi đường sắt răng cưa tuyến Tháp Chàm - Đà Lạt được thông mở hay khi người Nhật thành lập một đại công trường để xây dựng Thủy điện Đa Nhim, một công trình mà họ bị phe đồng minh bắt buộc phải đền bù để chuộc lại lỗi lầm sau những gì họ gây ra trong Thế chiến thứ II. Có lẽ những lúc ấy, người Việt ở nhiều nơi mới tìm về đây sinh sống với người Chu Ru bản địa. Đa Nhim là một công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á lúc nó hoàn thành, thấy đất đai dưới chân đập còn trống lại màu mỡ, nên người dân vùng Nam - Nghĩa - Phú - Bình tìm về đây lập ấp. Nhiều lần Đa Nhim xả lũ, kèm theo phương án di dời, nhưng nhiều người vẫn quay về đất cũ để sinh sống. Họ không quên được cái hồ nước trên cao được bao phủ bởi những cánh rừng thông, những triền đồi ngập tràn sắc đỏ của hồng chín vụ nên họ tìm về để trở thành dân Dran “nòi” như ngày hôm nay. Họ cũng sống lâu đến nỗi, chẳng còn ai nói giọng quê nơi mình sinh ra. Họ nói bằng thứ tiếng Việt với âm ngữ riêng biệt của họ, thứ tiếng “Dran”. Chẳng phải giọng Quảng, giọng “xứ Nẫu”, giọng Phan Rang hay giọng Đà Lạt, là giọng Dran, giọng mà những người nặng lòng với thị trấn nhỏ bé này nghe mới nhận ra được.
 
Người Dran cũng thảo thơm như vị ngọt lành của cây trái nơi đây. Mỗi lần xuôi ngược về trốn tránh nợ đời, tìm chút cảm xúc cho nhẹ lòng, tôi đều nhận được một chút quà gì đó từ những người bạn của mình. Nói như họ, là có gì đó mang về, ăn cho có để đừng quên Dran. Ai quên được Dran cơ chứ! Cái mảnh đất bé xíu, vừa đi đã mỏi, phố nhỏ dăm ba đường, rẫy vườn thì chênh vênh, giọng nói thì “dễ ghét”, người dân thì vẫn mộc mạc, chất phác miễn nhiễm với những phồn hoa.
 
Có một điều lạ, ở Dran, loại gì cũng chín muộn. Vùng miền khác khi hết vụ, cây cối đã đâm chồi, ở Dran gần hết đông rẫy vườn của người dân lại vẫn còn cây trái để thu. Con người nơi đây cũng vậy, phải đủ lâu, đủ sự tinh tế mới thấy hết sự nhẹ nhàng, ngọt ngào và sâu sắc trong họ. 
 
Giống như cây trái chín chậm, con người Dran cũng tôn trọng những giá trị xưa cũ, họ tri ân và gìn giữ. Năm Hương, một người bạn của tôi từng nói: “Cây hồng trông vậy nhưng phải biết nâng niu và chăm bẵm nó. Nếu biết yêu thương vụ nào cũng có cái ăn, chứ không phải vụ được vụ mất như mọi người lầm tưởng”. Tôi biết anh nghĩ đúng, bởi cha anh là một người nông dân chăm chỉ và cần mẫn đúng nghĩa. Không sách vở, học hành cao rộng, nhưng ông là người đã tạo ra giống hồng giòn Chín Nên, một thương hiệu mà độ phủ sóng đã không còn nằm trong địa giới hành chính nhỏ bé của Dran. Vườn hồng của cha anh để lại giờ vẫn còn được anh chăm sóc mỗi ngày bằng sự tự hào, bằng sự biết ơn.
 
Nguyễn Hồng Toản, người sáng lập ra nhãn hiệu Dran Rosa
Nguyễn Hồng Toản, người sáng lập ra nhãn hiệu Dran Rosa
 
Nguyễn Hồng Thái cũng vậy, buôn bán đủ nghề, nhưng anh vẫn giữ lại mảnh vườn nhỏ của mình, mệt mỏi anh lại chạy vào chăm sóc cắt tỉa. Miếng đất với vài chục gốc hồng ấy không phải là nguồn thu nhập chính của gia đình, nhưng chưa bao giờ anh có ý định bán, kể cả giữa những lúc tấc đất còn hơn tấc vàng. Miếng vườn mà ông Sáu Canh để lại cho vợ chồng anh có một ngôi miếu nhỏ. Ngôi miếu ấy, thờ những người đầu tiên vào Dran (thôn Phú Thuận) để vỡ đất mưu sinh mà ông Sáu Canh là người được giao trọng trách thủ từ nhang khói. “Còn hơn cả vật chất em à, anh phải giữ vì đã nhận lời hứa với ông già”.
 
Con trai thứ hai của anh Thái, Nguyễn Hồng Toản cũng bắt đầu những khát vọng tuổi trẻ của mình với cây hồng nhưng với cách đi của người trẻ. Toản và bạn thành lập Dran Rosa - một công ty chuyên chế biến thành phẩm và nước uống từ các loại trái cây đặc sản của Dran. Thất bại không phải một lần, nhưng niềm tin là thứ Toản không bao giờ nguội lạnh. “Chỉ có chế biến mới nâng cao giá trị của các loại trái cây đặc sản. Không thể để hồng, thơm hay xoài, bơ là thức quà chỉ có trong mùa vụ. Em tin mình sẽ làm được, chỉ cần có sự kiên nhẫn và lối đi vững chắc cho riêng mình”. Rất khó để không tin vào Toản, Dran Rosa của em đã được huyện Đơn Dương thừa nhận là ủy quyền duy nhất để có thể sử dụng và phát triển thương hiệu Dứa Cayenne, không những thế các giống hồng sấy hay mít, xoài của Dran Rosa cũng đã bắt đầu có nhiều đơn đặt hàng đến từ các quốc gia khác không chỉ trong khu vực. 
 
Hồng chín vụ cũng như tình người Dran
Hồng chín vụ cũng như tình người Dran
 
Với tôi, Dran có cả duyên lẫn nợ dẫu chưa đủ lâu. Duyên thì không kể hết, nợ thì có thể đong đếm bằng những ân cần không trả nổi của tình người và cả sự đãi đằng hào phóng của gió sương nơi đây.
 
Tôi không phải là kẻ ngoại lệ, để mỗi lần bất an lại tìm về với Dran. Vài năm trở lại, thanh niên Dran “nòi” cũng lần lượt bỏ phố để về lại nơi mình sinh ra ngày một nhiều hơn. Nổi tiếng trong cộng đồng Famstay, nơi gặp gỡ của những người làm nông nghiệp sạch và trải nghiệm du lịch sinh thái, Hồ Sĩ Tuyến từ bỏ Sài Gòn về quê để tổ chức tour khám phá cho các bạn trẻ có nhu cầu khám phá, tận hưởng thiên nhiên. Trong căn lều nhỏ giữa rừng, chỉ có âm thanh của suối, Tuyến ở đó một mình đang ôn lại Anh ngữ và những kiến thức về du lịch. Không quảng cáo rầm rộ tôi hỏi Tuyến lấy đâu ra khách hàng. “Em có những đối tượng khách hàng riêng của mình trên Fanpage. Họ là những người tôn trọng giá trị bền vững và tôn trọng thiên nhiên”, Tuyến chắc chắn với tôi về điều đó. Công ty Một cọng rơm của Tuyến hướng con người đến sự gần gũi, được hít thở sự trong lành của những cánh rừng giáp ranh, được nếm trải vị ngon ngọt của cây trái Dran. Từ bỏ phố thị, tôi có cảm giác chính sự trong trẻo, thuần khiết của Dran mới làm chàng trai chưa đầy 30 tuổi thấy hạnh phúc.
 
Hạnh phúc của Tuyến cũng là hạnh phúc của người Dran, một hạnh phúc riêng có không xen lẫn với bất kỳ thứ cảm xúc phức tạp nào khác. Đơn thuần thôi, họ yêu và tôn trọng những giá trị tốt đẹp của mảnh đất đã được tạo lập từ mồ hôi và nước mắt của những người đi trước, của những điều đã được xác tín, của cái gọi là Tình người Dran.
 
ĐẶNG TUẤN LINH