Khi Đà Lạt là điểm đến

VIẾT TRỌNG 09:21, 26/01/2023

Vào mạng toàn cầu để tìm kiếm, tự bỏ tiền túi, tự trang bị mọi thứ để đến Đà Lạt tham dự những hành trình đầy gian nan trên những con đường rừng trơn trượt, những dốc cao ngút ngàn. Tất cả chỉ để được trải nghiệm một thành phố hoa rất khác, cách khám phá trên đôi chân.

Về đích một cự ly tại Lamdong Trail
Về đích một cự ly tại Lamdong Trail

ĐẾN ĐÀ LẠT TRÊN ĐÔI CHÂN
Khi Hà Thu Hiền đặt bước chân đầu tiên lên những viên đá lát trên Quảng trường Lâm Viên để tiến về đích cách đó không xa, cô biết rằng mình đã vừa hoàn thành một cột mốc, một dấu ấn lớn trong cuộc đời, đó là nỗ lực tự vượt qua được chính mình.
Năm nay 41 tuổi (sinh 1981), người TP Hồ Chí Minh, chuyên viên luật của một công ty, Hiền đã suy nghĩ rất nhiều về chuyến đi bộ lên Đà Lạt này. Phải mất một khoảng thời gian khá lâu để tự hỏi rằng, không biết có nên tham gia hay không, và rồi cuối cùng chị quyết định tham gia.
Không phân vân sao được khi đó là chặng đi bộ dài 135 km. Một “ Siêu đi bộ - Ultra Walk”. Chưa bao giờ chị Hiền đi như vậy. Đây là chuyến siêu đi bộ do Công ty Tropiad tại TP Hồ Chí Minh tổ chức. Công ty này thành lập từ năm 2018, chuyên về các hoạt động ngoài trời, trong năm 2020 bắt đầu tổ chức các chuyến đi bộ trong nước, chủ yếu là lên Đà Lạt. Cho đến nay, Tropiad đã tổ chức được 4 chuyến đi như thế, 1 chuyến trong đó là khám phá rừng U Minh Hạ ở Cà Mau với cự ly 80 km; 3 chuyến còn lại đều xuất phát từ các tỉnh xung quanh Lâm Đồng với cự ly trên 100 km, đích đến là Quảng trường Lâm Viên - Đà Lạt. 
Theo Hứa Phi Quyên - Công ty Tropiad, trong nước hiện nay có không ít các công ty, đơn vị đứng ra tổ chức các cuộc chạy, từ chạy đường bằng đến chạy địa hình, tuy nhiên, lại không có đơn vị nào tổ chức các cuộc đi bộ. Thế là Tropiad đầu tư vào hướng này, đứng ra tổ chức các Ultra Walk và cho đến nay đây là đơn vị duy nhất trong nước tổ chức những chuyến đi như vậy. 
Chuyến siêu đi bộ đầu tiên lên Đà Lạt được Công ty Tropiad tổ chức trong năm 2020 với hơn 30 người tham gia, lộ trình đúng 100 km. Từ Nha Trang, đoàn được đưa đến điểm xuất phát gần đèo Khánh Lê, toàn bộ vượt đèo trên đôi chân, xuyên qua huyện Lạc Dương để về TP Đà Lạt. 
Sau một thời gian dịch bệnh phải ngừng hoạt động, chuyến đi bộ thứ 2 lên Đà Lạt được Tropiad tổ chức trong đầu mùa khô năm 2022, với lộ trình 130 km từ Cam Ranh - Khánh Hòa vượt qua Bác Ái - Ninh Thuận rồi leo đèo Ngoạn Mục, tiếp tục vượt đèo Dran để về Đà Lạt, cũng khoảng 30 người tham dự.
Chuyến thứ 3 tổ chức vào trung tuần tháng 11/2022, hành trình dài 135 km, có 35 người tham gia. Đoàn xuất phát từ huyện Bắc Bình (Bình Thuận), vượt đèo Đại Ninh - Đức Trọng rồi vòng qua Lâm Hà, vượt đèo Tà Nung để đến Đà Lạt.
“Địa điểm yêu thích nhất của Công ty chúng tôi lâu nay vẫn là TP Đà Lạt”, Hứa Phi Quyên cho biết. Một nguyên do, người sáng lập Công ty - Nguyễn Tử Anh, là một người Đà Lạt, học và lập nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. Tử Anh muốn đưa người đến Đà Lạt để thấy vùng đất này đẹp như thế nào và đó cũng là cách trả lại ơn cho vùng đất đã nuôi mình khôn lớn. 
Một lý do nữa chính là khí hậu tuyệt vời của Đà Lạt giúp ích rất nhiều cho người đi bộ. Sẽ dễ dàng hơn cho một người đi bộ đường dài, xuất phát từ vùng khí hậu nóng ẩm ven biển để dần đi lên một đới khí hậu miền núi mát lạnh như Lâm Đồng - Đà Lạt, giúp người đi không mất sức nhiều. “Để tăng độ hấp dẫn cho người đi, lộ trình mỗi chuyến được khảo sát cẩn thận với những cung đường khác nhau để người đi có cảm giác chinh phục các tuyến đường mới lên Đà Lạt”, Hứa Phi Quyên cho biết.
Mỗi người tham gia đoàn đi như thế phải đóng tiền đăng ký, chừng 5 triệu đồng trở lại, chuẩn bị hành trang cùng đôi giày đi bộ. Ban Tổ chức sẽ lo mọi thứ hậu cần trên đường, từ thực phẩm, nước uống, ăn, chỗ ở ban đêm, nếu không có nhà dân hay địa điểm nghỉ thì cắm trại đêm ngoài trời, trên đường đi đoàn bố trí người tại các điểm rẽ để chỉ đường, có nhân viên y tế chăm sóc, ai mệt bỏ cuộc thì lên xe ô tô bám sau đoàn để cùng đưa về đích. 
Họ phải thức dậy từ 4 giờ sáng, ăn sáng xong và xuất phát từ mờ sáng. Mỗi người mỗi ngày phải đi bộ từ 12 - 13 tiếng đồng hồ, trưa chỉ nghỉ chút rồi đi tiếp mới kịp lộ trình, đến tối mịt mới tới điểm nghỉ chân. “Lý tưởng nhất là chặng đi từ 100 - 130 km, đi trong 3 ngày, chúng tôi tính toán tổ chức chuyến đi vào thứ 6 và đi tiếp trong 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật đến Đà Lạt rồi sau đó đưa người về lại TP Hồ Chí Minh để sáng thứ Hai kịp đi làm”, chị Quyên cho biết. 
Trong 35 người tham gia chuyến đi bộ trong tháng 11/2022, hầu hết là những người sống tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh chung quanh, nhưng cũng có người ở xa hơn, hầu hết khoảng trên 30 tuổi, người lớn tuổi nhất cũng trên 50 tuổi, có 15 người bỏ cuộc vì chặng đường quá thử thách, còn lại hầu hết đều về đến đích tại Đà Lạt. Với Hà Thu Hiền, đây là lần đầu tiên chị đi xa đến thế. “Không nghĩ là mình đã làm được. Đã có những lúc mệt quá cứ nghĩ mình sẽ bỏ cuộc nhưng rồi cứ đi tiếp. Cung đường thật đẹp, núi rừng với mây trắng bao phủ, những con dốc cao trên đèo như mời gọi mình. Rồi dịp cuối năm hoa quỳ nở rất đẹp. Tất cả như đang chào đón mình khi đến đích Đà Lạt. Đây là một trải nghiệm không bao giờ quên trong đời”, chị Hiền mỉm cười trên vạch đích. 

Trao thưởng cho các VĐV về đầu trong một nội dung tại Giải Dalat Ultra Trail
Trao thưởng cho các VĐV về đầu trong một nội dung tại Giải Dalat Ultra Trail

TỪ “ULTRA WALK” ĐẾN “ULTRA TRAIL”
Thành phố Đà Lạt lâu nay đã nổi tiếng trong nước với các đường chạy địa hình đường dài và siêu đường dài đầy thử thách. Nổi tiếng nhất trong đó là Giải Dalat Ultra Trail, đến nay đã tổ chức đến lần thứ 5 với khoảng 5 nghìn vận động viên (VĐV) tham gia mỗi năm. Dalat Ultra Trail thường có 4 cự ly chạy gồm 10 km, 21 km, 42 km, 70 km với các đường chạy xuyên rừng trên địa bàn Đà Lạt và các huyện xung quanh. Trong năm 2022, dù đại dịch COVID-19 mới được kiểm soát nhưng cũng có đến khoảng 4 nghìn người trong khắp cả nước về đây tham dự, trong đó có trên 350 VĐV nước ngoài. 
Cùng đó là rất nhiều giải chạy địa hình khác cũng được các đơn vị tổ chức tại Đà Lạt lâu nay, như giải chạy địa hình hồ Tuyền Lâm, giải chạy Mai anh đào ở Cầu Đất, giải chạy địa hình LaAn trên địa phận Đà Lạt và Lạc Dương…, mỗi giải chạy như thế quy tụ từ vài trăm đến cả nghìn VĐV tham dự. 
Gần đây nhất là giải Lamdong Trail, do một công ty tổ chức sự kiện tại TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng lần đầu tổ chức tại Đà Lạt nhưng đã thu hút gần 2 nghìn VĐV tham gia, trong đó có khoảng 170 VĐV người nước ngoài.
Có thể thấy, các giải chạy bộ đang bùng nổ trong nước những năm gần đây góp phần thúc đẩy một lối sống lành mạnh và nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường cho mọi người. Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung có một thế mạnh không nhỏ về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên trong việc tổ chức các giải thi đấu như vậy để đưa du khách đến với vùng đất này. 
Trong tháng 11/2022, chúng tôi đã có dịp gặp ông Kris Van de Velve, người sáng lập hệ thống chạy địa hình Asia Master Trail trên toàn châu Á trong chuyến ông đến Đà Lạt để kiểm tra ứng viên Lamdong Trail cho hệ thống Asia Master Trail của ông. Kris Van de Velve cho biết, hiện nay trong nước ở phía Bắc có 2 giải chạy địa hình đã được đưa vào hệ thống Asia Master Trail; phía Nam có Dalat Ultra Trail cũng đã được đưa vào hệ thống này từ lâu. Chính nhờ đưa vào hệ thống chạy địa hình châu Á nên các giải đấu này có rất nhiều VĐV nước ngoài biết để đến Việt Nam tranh tài. Ông hy vọng khi ứng viên Lamdong Trail đạt chuẩn thì Đà Lạt sẽ có đến 2 giải trong hệ thống châu Á và lúc đó không chỉ VĐV trong nước mà đông đảo các VĐV nước ngoài trên khắp thế giới sẽ đổ về đây dự giải hằng năm.