Tăng cường quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

KHÁNH HÀ - NGỌC NGÀ 08:26, 17/01/2023

Công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện hiệu quả, góp phần tạo động lực thúc đẩy khối đại đoàn kết và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San thăm, tặng hoa chúc mừng Giáo xứ Thánh Mẫu (Phường 7, Đà Lạt). Ảnh: Đam Trọng
Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Tôn Thiện San thăm, tặng hoa chúc mừng Giáo xứ Thánh Mẫu (Phường 7, Đà Lạt). Ảnh: Đam Trọng

Lâm Đồng là tỉnh có nhiều dân tộc, tôn giáo (43 dân tộc, 16 tổ chức tôn giáo trực thuộc được Nhà nước công nhận), trên 60% dân số theo các tôn giáo. Hiện, toàn tỉnh có 278 cơ sở tín ngưỡng (chưa bao gồm nhà thờ họ). Trong đó, có 158 cơ sở đã bầu ban quản lý hoặc người đại diện, đăng ký hoạt động tín ngưỡng theo quy định; 10 cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Đa số cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh có trước năm 1975, do Nhân dân xây dựng, quản lý và tổ chức hoạt động. Các nghi lễ, phong tục của bà con người bản địa (K’Ho, M’nông, Churu, Mạ...) hình thành trên nền tảng của đời sống kinh tế nông nghiệp, nổi bật là tín ngưỡng đa thần, tục thờ Yàng, thờ thần đất, thần nước, thần núi, lễ cúng hồn lúa, lễ cơm mới, lễ mẹ lúa, lễ mừng lúa mới... Các hoạt động tín ngưỡng thuần túy diễn ra ổn định, chấp hành đúng hướng dẫn và quản lý của ngành Văn hóa, ngành Nội vụ, đảm bảo phù hợp thuần phong mỹ tục, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành chức năng bố trí, huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để tu sửa, bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Hiện, 16 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận đang hoạt động với trên 820.000 tín đồ, 1.805 chức sắc, 3.891 chức việc, 523 cơ sở tôn giáo hợp pháp, 2 cơ sở đào tạo tôn giáo. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, chức sắc, tín đồ chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở tỉnh Lâm Đồng được triển khai thực hiện có hiệu quả. Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo (Sở Nội vụ), từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành trên 300 văn bản hành chính để giải quyết các vụ việc và thủ tục hành chính; ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác quản lý nhà nước về tôn giáo; tăng cường vận động, đoàn kết các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác quản lý nhà nước về từ thiện - xã hội liên quan đến tôn giáo; chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt các quy định về đất đai, xây dựng; ngăn chặn triệt để hiện tượng tôn giáo mới mang tính lệch chuẩn, trục lợi. Công tác tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản pháp luật liên quan và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh được tổ chức thường xuyên cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo. Đồng thời, đối thoại, giải quyết các kiến nghị của chức sắc, tín đồ theo đúng quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn… 

Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Lâm Đồng luôn tạo điều kiện cho các tôn giáo tham gia hoạt động xã hội trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ - xã hội, từ thiện nhân đạo, góp phần huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh. 

Những kết quả mang lại rất đáng ghi nhận, song vẫn còn những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Đơn cử như công tác quản lý về trật tự xây dựng, quản lý sinh hoạt tôn giáo trái phép (nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa) của chính quyền cơ sở chưa chặt chẽ; vấn đề quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở cơ sở có lúc, có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức; công tác bồi dưỡng chính sách pháp luật về tôn giáo cho cán bộ, công chức, nhất là cấp xã còn hạn chế... 

Theo Ban Tôn giáo, để tiếp tục thực hiện có hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời gian tới, đối với các vấn đề, vụ việc đã có chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh, UBND cấp huyện cần khẩn trương tổ chức thực hiện quyết liệt, đúng pháp luật và thẩm quyền được giao.Đồng thời, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở các cấp, các ngành và hoạt động của các tổ chức tôn giáo trực thuộc ở cơ sở. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức trong giải quyết các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, gắn với đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực công tác. Kịp thời phát hiện, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Các ngành, các cấp có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời, thống nhất cao về quan điểm và tổ chức thực hiện quy định pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương.