Vì lợi ích thiết thực của người dân...

NAM VIÊN 06:08, 23/02/2023

Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét (huyện Đức Trọng) là một trong 16 công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025. Dự án được Quốc hội, Chính phủ đồng ý, cho chủ trương đầu tư xây dựng và Trung ương bố trí nguồn kinh phí gần 1.000 tỷ đồng, trong đó, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 220 tỷ đồng, với diện tích thu hồi khoảng 163 ha. 

Việc thực hiện Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, trực tiếp cho người dân trong khu vực. Theo tính toán của cơ quan chức năng, hồ chứa nước Ta Hoét khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 2.580 ha đất canh tác, tạo nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 65.000 người dân trên địa bàn huyện Đức Trọng. Bên cạnh đó, công trình sẽ góp phần cắt lũ, khắc phục tình trạng ngập lụt, cải tạo môi trường, tạo cảnh quan để khai thác du lịch, phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần cải thiện tiểu khí hậu trong khu vực…

Xác định vai trò, ý nghĩa cực kỳ quan trọng của dự án, nên lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã quyết tâm, kiên trì và sau 10 năm đề xuất, đến năm 2020 mới được Trung ương bố trí vốn đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khẳng định, hồ chứa nước Ta Hoét là công trình công cộng; không có việc xây hồ để phục vụ lợi ích của doanh nghiệp. Trình tự thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện dự án đảm bảo theo các quy định hiện hành. Trước khi triển khai, cơ quan chức năng cũng đã thực hiện kiểm kê, tính toán bồi thường, giải phóng mặt bằng; có phương án bố trí tái định canh và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi. Phần lớn người dân đã ủng hộ, đồng ý nhận tiền đền bù và giao mặt bằng để thực hiện dự án. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân không nhận tiền đền bù, không giao mặt bằng, thậm chí còn cản trở, gây ảnh hưởng đến việc thi công công trình. Tại cuộc họp về triển khai thực hiện Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét vào ngày 20/2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng này là do công tác chuẩn bị triển khai thực hiện dự án, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa chặt chẽ, chưa thực hiện đúng quy trình. Chủ đầu tư và chính quyền địa phương chậm công khai thông tin liên quan đến dự án (về mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi, ranh giới thu hồi đất, hồ sơ pháp lý...) nên người dân chưa hiểu rõ và chưa đồng thuận cao. 

Chính vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan cần thực hiện ngay một số nội dung để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong đó, cần công khai thông tin về hồ sơ pháp lý, mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi ranh giới của dự án tại vị trí xây dựng công trình đầu mối và tại nhà văn hóa thôn K’Rèn, xã Hiệp An để người dân biết, đồng thuận. Tăng cường vận động, phân tích rõ về đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tốt nhất cho người dân để toàn bộ người dân hiểu rõ, chia sẻ, đồng thuận phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Hoàn thiện phương án bố trí đất tái định canh cho người dân có đất canh tác bị thu hồi để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm đếm, đo vẽ từng thửa đất và đối chiếu với phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được phê duyệt đảm bảo chính xác, tránh gây thắc mắc, kiến nghị của người dân. Rà soát các chế độ, chính sách liên quan đến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng; thống kê danh sách các hộ bị ảnh hưởng do bị thu hồi đất để vận dụng, hỗ trợ khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương như: đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất ở mức tốt nhất, đảm bảo cuộc sống ổn định và phát triển lâu dài cho người dân.

Tỉnh cũng sẽ thành lập Tổ công tác do đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc, giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét.