Đoàn Đại biểu Quốc hội Lâm Đồng tích cực tham gia góp ý tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

NGUYỆT THU 20:42, 25/05/2023

(LĐ online) - Ngày 25/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. 

Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý thảo luận tại tổ
Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý thảo luận tại tổ

Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là về vấn đề triển khai phòng thủ dân sự phù hợp với từng cấp độ để ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa. Đây là cơ sở để phân công, quy định trách nhiệm tới các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thực hiện phòng thủ dân sự.
Buổi sáng, các đại biểu tiến hành thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia…
Cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, đa số đại biểu đồng tình với việc đề nghị Quốc hội cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, cũng như áp dụng cơ chế đặc thù cho dự án,  tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, đối với diện tích rừng lớn chuyển mục đích  nên việc trồng rừng thay thế cần phải tính toán cụ thể, đảm bảo mật độ che phủ rừng.
Tham gia góp ý thảo luận tại Tổ trong phiên buổi sáng, ĐBQH Nguyễn Tạo – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Lâm Đồng cho rằng câu chuyện hồ Ka Pét kéo dài từ Quốc hội khóa XIV đến khóa XV liên quan đến rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Lần này điều chỉnh chủ trương đầu tư về vốn, cho thấy qua việc chuyển đổi mục đích đất rừng còn nhiều bất cập. Đề nghị Quốc hội cần xử lý dứt điểm. Đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình ủng hộ chủ trương dự án hồ Ka Pét và dự án đường quốc lộ 27C nối KHánh Hòa – Lâm Đồng – Ninh Thuận cần sớm được quan tâm đầu tư nâng cấp phục vụ nhu cầu giao thương 3 tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư vốn cho các dự án nhà ở xã hội, đầu tư nâng cấp quốc lộ 27 đoạn Lâm Hà – Đam Rông vì đã xuốn cấp… 
Chiều 25/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh góp ý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh góp ý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

Tham gia góp ý vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng bày tỏ quan điểm:  “Trước hết, tôi cơ bản nhất trí với Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi và báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý trình Quốc hội tại kỳ họp này. Tôi cũng đánh giá rất cao sự tiếp thu, chỉnh lý của Cơ quan thẩm tra, Ban soạn thảo trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao. Tôi cũng thống nhất với ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước tôi về chính sách của nhà nước về phát trước tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đặc biệt là ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang), đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hoà)”. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị: 
Thứ nhất. Tại Khoản 3 điều 4 Giải thích từ ngữ
“3. Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi các thông tin về đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.”
Đề nghị đổi tên khoản 3 này thành Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để phù hợp với phần giải thích phía sau.
Thứ hai. Khoản 9,10 điều 4
“9. Mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên là tỷ lệ giá trị sản phẩm, dịch vụ mà từng thành viên sử dụng trên tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ do hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cung ứng cho tất cả thành viên.
10. Mức độ góp sức lao động của thành viên được đo bằng tỷ lệ tiền lương, tiền công hoặc thù lao của từng thành viên trên tổng tiền lương, tiền công và thù lao của tất cả thành viên.”
Chúng ta biết rằng không thể so sánh mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên hoặc mức độ góp sức lao động của thành viên trong 1 năm với 3 năm được, vì vậy, tôi đề nghị quy định rõ cách tính chỉ số trên trong một đơn vị thời gian nào để đảm bảo hợp lý, chặt chẽ.
Liên quan hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị: bổ sung điểm e) vào khoản 2 Điều 7 hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là “e) Lợi dụng danh nghĩa tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hơp tác xã hoạt động trái pháp luật”
Về việc chọn phương án còn có ý kiến khác nhau tại Điều 79 đại biểu chọn phương án 1 đề nghị quy định về chuyển nhượng phần vốn góp cả trong nội bộ thành viên hiện hữu của HTX, liên hiệp HTX và cho các cá nhân, tổ chức chưa phải là thành viên nhằm đáp ứng quy định Tại điều 5 đó là nhà nước “cộng nhận và bảo hộ quyền tài sản, vốn, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên, đồng thời đảm bảo phù hợp với các luật khác có liên quan như Bộ luật Dân sự 2015. Việc quy định cụ thể như tại điều 79 là cần thiết nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên liên quan và tránh tình trạng thâu tóm, chi phối của một số cá nhân, tổ chức, tránh doanh nghiệp hoá Hợp tác xã.
Điểm b, khoản 2 quy định “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho vay nội bộ khi đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất…..” là chưa hợp lý, đa số HTX ở VN là HTX nông nghiệp có vốn rất ít, tự thân chưa thể đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh còn phải đi vay thì khó có thể thực hiện hoạt động cho vay nội bộ. Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh  đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm. 
Còn tại khoản 3, điều 84 quy định: “Chính phủ quy định chi tiết mức cho vay, giới hạn cho vay, lãi suất, xử lý rủi ro từ hoạt động cho vay nội bộ và khoản 2 Điều này”, đề nghị bổ sung quy định nguồn vốn (nguồn vốn nào, lấy ở đâu?), mức trần lãi suất trong Luật này để Chính phủ có cơ sở quy định chi tiết.