Đam Rông: Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững

NDONG BRỪM 15:04, 16/08/2023

(LĐ online) - Ngày 16/8, UBND huyện Đam Rông tổ chức Hội nghị đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đề ra giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025.

Ông Trương Hữu Đồng – Chủ tịch UBND huyện và ông Liêng Hót Ha Hai – Phó Chủ tịch UBND huyện điều hành hội nghị
Ông Trương Hữu Đồng – Chủ tịch UBND huyện và ông Liêng Hót Ha Hai – Phó Chủ tịch UBND huyện điều hành hội nghị

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2021-2023, huyện Đam Rông được Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 phân bổ với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 5,3 tỷ đồng, còn lại trên 602 triệu đồng là nguồn ngân sách địa phương.

Từ nguồn ngân sách nói trên huyện đã phân bổ thực hiện các Dự án của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, gồm: Dự án Đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin và Dự án Nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá chương trình.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các dự án của Chương trình, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, có một số dự án chưa thực hiện được. Nguyên nhân do chương trình thực hiện ở những năm đầu của giai đoạn có nhiều điểm mới; kinh phí phân bổ muộn; đối tượng, định mức chưa cụ thể; có dự án do văn bản hướng dẫn chưa cụ thể nên địa phương chưa có căn cứ để triển khai thực hiện hoặc đến nay chủ đầu tư đang triển khai thực hiện...

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Do vậy, tiến độ giải ngân của Chương trình còn chậm, tính đến nay, tổng kinh phí giải ngân Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023 mới thực hiện được 157,433 triệu đồng, đạt 2,63%.

 Mặc dù có những khó khăn nhất định, nhưng nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện Chương trình quyết liệt, khá đồng bộ…, nên việc thực hiện các chính sách giảm nghèo đã mang lại kết quả tích cực. Đơn cử, từ năm 2021 đến nay, huyện đã thực hiện cấp phát 129.053 thẻ BHYT cho các đối tượng thụ hưởng; đã triển khai mở 31 lớp đào tạo nghề cho 641 học viên với kinh phí trên 1,7 tỷ đồng, xuất khẩu 5 lao động đi làm việc tại các thị trường nước ngoài và giải quyết việc làm hàng năm cho 1.500 lao động; hỗ trợ chi phí học tập cho 12.654 lượt học sinh, sinh viên ở các cấp học với kinh phí trên 8,5 tỷ đồng; đặc biệt phối hợp với Ủy Ban MTTQ Việt Nam huyện triển khai hỗ trợ xây dựng 231 căn nhà với tổng trị giá gần 12 tỷ đồng cho các hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở tại địa phương; thực hiện hỗ trợ sinh kế cho 455 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện với kinh phí trên 7,7 tỷ đồng và giải quyết cho vay hộ nghèo trên 65 tỷ đồng/1.189 lượt hộ vay...

Nhìn chung, công tác giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đáp ứng đầy đủ, kịp thời; các dịch vụ cơ bản (về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, việc làm..) được tiếp cận thuận lợi, giúp hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo đề ra.

Cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 19,3% (trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 6,9%, giảm 7,9% so với năm 2021). Huyện Đam Rông phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 14,3%, số hộ nghèo đa chiều còn 2.105 hộ (trong đó hộ nghèo giảm còn 721 hộ chiếm tỷ lệ 4,9%; số hộ cận nghèo giảm còn 1.384 hộ chiếm tỷ lệ 9,4%).

Hội nghị đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến và đề ra giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025, đó là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện và nhân rộng các phong trào, mô hình giảm nghèo hiệu quả về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đổi mới và đa dạng công tác tuyên truyền, vận động theo hướng thiết thực, cụ thể, phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của từng nhóm đối tượng trên từng địa bàn; ưu tiên hình thức truyền thông tuyên truyền có sự tham gia của cộng đồng dân cư tại cơ sở. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, các tệ nạn xã hội.

Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai ở lại phía sau”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động  “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Triển khai xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện các chương trình MTQG nhằm giảm nghèo bền vững, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội toàn diện trên địa bàn huyện…