Noi gương Tổng Bí thư Trần Phú - giữ vững chí khí cách mạng chiến đấu

05:04, 28/04/2013

Cuộc đời của đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng đồng chí đã kịp hoàn thành nhiều việc lớn mà ý nghĩa của nó sẽ còn lại mãi mãi với sự nghiệp của Đảng và của dân tộc. Tấm gương chói sáng của đồng chí đã hội tụ những giá trị và phẩm chất cao quý, để lại những bài học sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau...

Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1-5-1904 tại thôn An Thổ, xã An Lập, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên; nguyên quán tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Cuộc đời của đồng chí tuy ngắn ngủi, nhưng đồng chí đã kịp hoàn thành nhiều việc lớn mà ý nghĩa của nó sẽ còn lại mãi mãi với sự nghiệp của Đảng và của dân tộc. Tấm gương chói sáng của đồng chí đã hội tụ những giá trị và phẩm chất cao quý, để lại những bài học sâu sắc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Những hoạt động yêu nước của Hội phục Việt, phong trào đấu tranh công nhân Vinh-Bến Thủy, tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và những hoạt động Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự lựa chọn con đường cứu nước của đồng chí Trần Phú.

Năm 1925, đồng chí tham gia thành lập Hội Phục Việt (sau đổi thành Hưng Nam rồi Tân Việt cách mạng Đảng). Tháng 7 năm 1926, đồng chí Trần Phú được cử sang Quảng Châu để gặp các đồng chí lãnh đạo Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, để bàn việc hợp nhất Hội thanh niên với Tân Việt. Tại đây, đồng chí Trần Phú được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và được huấn luyện về chủ nghĩa Mác - Lênin và về kinh nghiệm cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga. Đầu năm 1927, đồng chí được cử sang học tại trường Đại học Phương Đông, Liên Xô. Tháng 4-1930, đồng chí Trần Phú về nước được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được giao trách nhiệm khởi thảo bản Luận cương chính trị của Đảng. Bản luận cương này được Hội nghị Trung ương lần thứ nhất họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) tháng 10-1930 thông qua. Cũng tại Hội nghị này đồng chí Trần Phú được cử làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Bản luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo đã làm rõ mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và Đảng của giai cấp vô sản, tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Những nội dung này cơ bản thống nhất với Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị hợp nhất đầu năm 1930, Luận cương chính trị đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua những thử thách, từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang. Đây là một văn kiện lịch sử, góp phần cụ thể hoá một vấn đề về đường lối cách mạng ở nước ta.

Sau Hội nghị lần thứ nhất, trên cương vị mới, Tổng Bí thư Trần Phú đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương cụ thể hoá đường lối cách mạng nêu trong Luận cương chính trị cũng như trong Chính cương vắn tắt của Đảng được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra trước đó, kịp đề ra những chủ trương thích hợp, từng bước đưa phong trào cách mạng tiến lên.

Giữa lúc phong trào cách mạng ta đang có những bước phát triển mới thì ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt. Rất tiếc, cả một chương trình hành động đồng chí đã đề ra mà chưa kịp thực hiện. Trước lúc hy sinh, đồng chí dặn lại: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Lời nhắn gửi này có giá trị động viên rất to lớn trong hoàn cảnh kẻ thù đang ra sức đàn áp hòng tiêu diệt Đảng ta.

Tổng Bí thư Trần Phú mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng ta và phong trào cách mạng của nhân dân ta, đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tạp chí Quốc tế Cộng sản số 5-1932 đã đăng bài Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có đoạn kết: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương".

Trong giai đoạn cách mạng mới, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đang đối mặt với một số thách thức. Đặc biệt trong những năm gần đây, các thế lực thù địch đang gia tăng các thủ đoạn: “diễn biến hoà bình” và “bạo loạn lật đổ” chống phá cách mạng Việt Nam nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… kìm hãm bước tiến của cách mạng Việt Nam.

“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”- lời dặn của đồng chí Trần Phú 82 năm về trước vẫn còn nguyên giá trị, là lời nhắc nhở, thôi thúc chúng ta kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một nguyên tắc cơ bản chỉ đạo công cuộc đổi mới đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.  

NGUYỄN VĂN THANH